Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 9/9, trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, cho hay các bị can vụ án Việt Á có nhiều phương thức nhận tiền. Chẳng hạn, có người đặt điều kiện đưa tiền, nhận xong mới xử lý việc. Có bị can không đưa ra yêu cầu hay thỏa thuận mà nhận tiền, quà sau khi công việc hoàn thành.
"Hành vi, động cơ khác nhau khi nhận tiền thì tội danh khác nhau", ông Xô giải thích.
Theo ông Xô, việc đề nghị tội danh đã được Bộ Công an "thực hiện khoa học, thận trọng, toàn diện triệt để", "không để lại oan sai, nhưng cũng không bỏ lọt tội phạm". Chủ trương nhân văn, nhân ái nhưng cũng rất nghiêm khắc của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tiêu cực cũng được quán triệt.
"Từng bị can có sự phân hóa thấu đáo, phân tích rõ tình tiết nào tăng nặng, tình tiết nào là giảm nhẹ trách nhiệm, tình tiết nào khoan hồng", ông Xô nói.
Sau khi khởi tố vụ án, Phan Quốc Việt khai doanh thu công ty 4.000 tỷ đồng. Việt dùng 20-25%, tương ứng 800 tỷ đồng, để chi ngoài hợp đồng cho các đối tác mua thiết bị vật tư, sinh phẩm y tế.
Tuy nhiên, kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) ra tháng 8 nêu con số thấp hơn. Giải thích sự chênh lệch giữa số lợi nhuận và khoản tiền chi hoa hồng của Việt Á cho các quan chức khi điều tra ban đầu và trong kết luận điều tra, đại diện Bộ Công an nói không thể dùng lời khai ban đầu làm căn cứ đưa vào kết luận điều tra, vì "trọng chứng hơn trọng lời khai". Chỉ khi có đủ căn cứ chứng minh Việt đưa tiền cho ai, đưa bao nhiêu tiền, cơ quan điều tra mới kết luận.
Theo kết luận của C03, Việt Á đã sản xuất 8,7 triệu kit test và tiêu thụ được 8,3 triệu kit xét nghiệm Covid-19 . Doanh nghiệp được nhà nước thanh toán 2.250 tỷ đồng và hưởng lợi 1.235 tỷ đồng. Cảnh sát xác định lợi nhuận định mức Việt Á được hưởng khi kinh doanh kit test chỉ là 5%. Thế nhưng Việt Á lại bán kit với giá gấp 3 lần chi phí sản xuất. Bởi thế hơn 1.235 tỷ đồng chênh lệch giữa giá bán và giá sản xuất bị quy kết là "hưởng lợi bất chính".
Để được tham gia nghiên cứu, sau đó tự sản xuất kinh doanh kit xét nghiệm, Tổng giám đốc Việt Á Phan Quốc Việt bị cáo buộc đã chi 82 tỷ đồng hối lộ 6 quan chức là: ông Nguyễn Thanh Long, cựu bộ trưởng Y tế; Nguyễn Huỳnh, cựu thư ký của ông Long; Nguyễn Minh Tuấn, cựu vụ trưởng Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế; Nguyễn Nam Liên, cựu vụ trưởng Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế; Phạm Duy Tuyến, cựu giám đốc CDC Hải Dương; Trịnh Thanh Hùng, cựu vụ phó Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ.
Phan Quốc Việt và cấp phó Vũ Đình Hiệp đối mặt cáo buộc Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Đưa hối lộ.
29 người còn lại về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Lợi dụng ảnh hưởng với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi và Đưa hối lộ.
Riêng cựu bí thư Hải Dương Phạm Xuân Thăng, C03 đề nghị VKSND Tối cao xem xét phê chuẩn quyết định thay đổi tội danh khởi tố từ tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng sang Nhận hối lộ, để từ đó truy tố theo quy định.
Ngoài các vụ án do C03 điều tra, Bộ Công an còn ủy thác điều tra vụ Việt Á cho công an các tỉnh, thành. Hiện 111 người bị xác định là bị can trong "chùm" 32 vụ án khác liên quan Việt Á. Trong đó công an 15 địa phương đã khởi tố 15 vụ án vi phạm về đấu thầu và xác định Việt Á tiêu thụ 560.000 kit test, gây thiệt hại 180 tỷ đồng.
Xem thêm: lmth.4131564-a-teiv-uv-neit-nahn-mohn-auc-uahn-cahk-hnad-iot-iaig-yl-na-gnoc-ob/ten.sserpxenv