Được biết thứ hai hằng tuần, chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa sẽ trực tiếp hỗ trợ người dân làm thủ tục hành chính, ông Huỳnh Phi Vân (phường 6, TP Cao Lãnh) cho hay đã ngồi chờ từ 8h30 mặc dù đến 9h30 buổi gặp gỡ mới bắt đầu.
"Tôi ngồi đợi một chút không sao, đến đây gặp nhanh hơn mình đăng ký, tôi tin rằng chủ tịch tỉnh chỉ đạo thì phải làm, nhưng vụ việc của tôi khó trình bày ở đây vì thuộc cơ quan tiếp dân xử lý.
Trước đó tôi đã đăng ký cơ quan tiếp dân cấp thành phố, sau gần 3 tháng mới được gặp, nhưng không được giải quyết thỏa đáng", ông Vân nói.
Tại buổi gặp gỡ, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa còn lắng nghe khiếu nại của bà Đào Thị Thanh Hằng, ngụ xã Tân Nghĩa, huyện Cao Lãnh.
Theo bà Hằng, việc khiếu nại của gia đình từ năm 2016, yêu cầu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nền nhà ở tại cụm dân cư xã Tân Nghĩa thuộc sở hữu của ông Đào Văn Văn (cha ruột bà Hằng).
Do ông Văn bị bệnh nên không có khả năng đi thực hiện các thủ tục. Bà Hằng không đồng ý đóng tiền đối ứng theo giá hiện hành để được cấp giấy vì gia đình đang khó khăn, cần giấy đỏ để sang nhượng.
Trả lời khiếu nại của bà Hằng, ông Nguyễn Nhựt Pháp - phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Tháp - cho biết quyết định thu hồi đất cụm dân cư xã Tân Nghĩa từ năm 2004. Trường hợp gia đình bà Hằng khi Nhà nước thu hồi đất không có giấy chứng nhận quyền sử dụng, chỉ có giấy mua bán viết tay do hai người chú ruột của bà Hằng đồng ý chuyển nhượng.
"Hiện nay, phương án giải quyết là xác định lại quyết định thu hồi đất của ông Văn, tiến hành xác minh chỗ ở, ban hành quyết định giao đất, cấp giấy chứng nhận. Đồng thời gia đình bà Hằng phải nộp số tiền đối ứng để nhận nền nhà theo giá hiện hành ước tính trên 200 triệu đồng.
Trước đó, địa phương đã thực hiện thủ tục để cấp nền nhà xong, nhưng chưa cấp giấy chứng nhận. Hiện nền nhà đã được gia đình bà Hằng sử dụng để cho thuê", ông Pháp nói thêm.
Ông Phạm Thiện Nghĩa cho rằng trong vụ việc này, mỗi bên sai một chút. Tuy nhiên, cần xem lại toàn bộ quá trình, có phải trách nhiệm do chính quyền không, để bây giờ người dân đưa ý kiến lên trên, nếu không đến được cấp tỉnh thì sao.
"Tôi đề nghị huyện Cao Lãnh có báo cáo đầy đủ quá trình giải quyết khiếu nại, tại sao trao nền từ năm 2004 nhưng đến năm 2016 mới khiếu nại. Đồng thời các cơ quan chuyên môn rà soát lại trong khu vực có trường hợp tương tự không để giải quyết dứt điểm cho người dân.
Tại đây, tôi trả lời cho bà Hằng là huyện sẽ có thông báo xác định giá đất, nền đất, quyết định cấp giấy chứng nhận theo đúng quy định, sẽ áp dụng khung giá thấp nhất tạo điều kiện cho gia đình", ông Nghĩa nói.
Theo Trung tâm Hành chính công tỉnh Đồng Tháp, riêng tháng 7 đã tiếp nhận hơn 9.000 hồ sơ, trong đó nhận mới trên 6.750 hồ sơ, trung bình mỗi ngày tiếp nhận 300 hồ sơ.
Sáng 28-8, tại Trung tâm hành chính công, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa tiếp tục gặp gỡ, lắng nghe và thẳng thắn xin lỗi người dân.