Nhận định trên được ông Lê Thanh Hòa - phó cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - đưa ra tại hội thảo "Nâng cao năng lực tuân thủ tiêu chuẩn, chất lượng chuỗi giá trị trái cây Việt Nam để thúc đẩy xuất khẩu" do bộ này phối hợp Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO) tổ chức ngày 11-9.
Chia sẻ tại hội thảo, bà Lê Thị Thanh Thảo - đại diện UNIDO tại Việt Nam - cho biết các nhà xuất khẩu nông sản ở các nước đang phát triển vẫn phải đối mặt với những thách thức để đáp ứng và tuân thủ yêu cầu của thị trường quốc tế.
Cụ thể, các thủ tục kéo dài và bị từ chối tại cửa khẩu do không tuân thủ yêu cầu của nước nhập dẫn đến tổn thất tài chính lớn cho nhà sản xuất.
Ông Baharamakian Nima - giám đốc dự án chương trình tiêu chuẩn, chất lượng của UNIDO - cho biết tổng số trường hợp thực phẩm và thức ăn chăn nuôi Việt Nam bị từ chối tại 5 thị trường (Úc, Trung Quốc, EU - 28, Nhật Bản, Mỹ) đã giảm trong giai đoạn 2010 - 2020, cụ thể từ 632 xuống còn 537 trường hợp.
Thống kê cho thấy thị trường Trung Quốc và Mỹ có tỉ lệ từ chối lớn nhất với 35% và 31%. Thị trường EU chiếm gần 1/5 (18%) trong tổng số trường hợp bị từ chối của hàng hóa xuất khẩu mã HS 07 (hàng rau củ) của Việt Nam.
Theo UNIDO, tổng số trường hợp bị từ chối của rau và một số loại củ, thân củ và rễ ăn được xuất khẩu của Việt Nam sang 5 thị trường đã tăng đáng kể từ 11 trường hợp năm 2012 lên 75 trường hợp vào năm 2020.
Tuy nhiên, điều này rất có thể là do khối lượng sản phẩm HS 07 được xuất khẩu từ Việt Nam sang 5 thị trường nhập khẩu tăng mạnh.
Theo ông Baharamakian Nima, nguyên nhân chính của các trường hợp sản phẩm bị từ chối của Việt Nam năm 2020 là nhiễm khuẩn (22%), điều kiện kiểm soát vệ sinh (18%), dư lượng thuốc thú y (13%), ghi nhãn (14%), dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (10%) và phụ gia (7%).
"Việt Nam cần tăng cường năng lực về kỹ thuật đánh giá cũng như kiểm soát an toàn, vệ sinh để tuân thủ quy định quốc tế. Ngoài ra, cần hỗ trợ quảng báo, đào tạo để nông dân, doanh nghiệp thực hiện tốt các tiêu chuẩn quốc tế như Global GAP, ISO 22000, HACCP...", ông Baharamakian Nima kiến nghị.
Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Đặng Phúc Nguyên - tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - cho biết Trung Quốc và các nước đã nhiều lần cảnh báo vi phạm chất lượng trái cây xuất khẩu nhưng chúng ta vẫn chưa mạnh tay trong việc thu hồi, xử lý đơn vị vi phạm.
"Việt Nam cần có giải pháp mạnh hơn như đình chỉ, thậm chí không cho doanh nghiệp vi phạm xuất khẩu. Như ở Thái Lan, nhiều trường hợp có thể bị truy tố, bỏ tù, chính vì vậy tỉ lệ vi phạm nước này thường thấp hơn Việt Nam", ông Nguyên nói.
Nhiều chuyên gia cho rằng ngành nông nghiệp cần tập trung hơn nữa vào việc thực hiện truy xuất nguồn gốc bằng cải thiện tính minh bạch chuỗi thực phẩm.
Theo ngành nông nghiệp, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trái cây của Việt Nam trong 5 năm trở lại đây đạt khoảng 10 - 15% mỗi năm. Khối lượng xuất khẩu rau quả tươi hằng năm ước đạt từ 3,3 triệu tới gần 4 triệu tấn (chiếm khoảng 30% tổng sản lượng).
Thanh long, xoài, mít và chuối là bốn loại trái cây có khối lượng xuất khẩu lớn nhất, chiếm khoảng 85% khối lượng xuất khẩu quả tươi. Về kim ngạch thì sầu riêng đang có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất nhóm trái cây tươi (khoảng 1,1 tỉ USD trong 7 tháng đầu năm, dự kiến đạt 1,7 tỉ USD năm 2023)
Tin tức đáng chú ý: 8 tháng, kim ngạch xuất nhập khẩu giảm hơn 62 tỉ USD; TP.HCM tổ chức lễ hội ẩm thực; Khảo sát lắp hệ thống chạy thận cho Cần Giờ; Bắt được cá sấu nổi trên sông ở Phước Long, Bạc Liêu...