Quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐ VN) là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội (NƠXH), nhà lưu trú công nhân là nội dung mới, lần đầu tiên được đề cập trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Đề xuất này của TLĐLĐ VN đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ các chuyên gia và doanh nghiệp (DN).
Thêm nguồn cung nhưng băn khoăn năng lực
Nói về đề xuất trên, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch TLĐLĐ VN, cho biết TLĐLĐ đã có buổi làm việc để giải trình với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và nhiều lần làm việc với Bộ Xây dựng để thảo luận, trao đổi.
Ông Hiểu nhận xét đề xuất của TLĐLĐ VN có đầy đủ cơ sở lý luận và thực tiễn. Hiện đã có 36 địa phương giới thiệu địa điểm khu đất cho TLĐLĐ, trong đó có 13 đơn vị đã phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500.
Chung cư nhà ở xã hội Khu công nghiệp Hòa Khánh, TP Đà Nẵng. Ảnh: TẤN VIỆT |
Định hướng đầu tư của TLĐLĐ VN là chỉ xây dựng để cho thuê, với số lượng rất ít trong nhu cầu lớn về nhà ở của công nhân. Nguồn vốn được lấy từ nguồn tiết kiệm chi hành chính theo Đề án 655 và từ Quỹ đầu tư của TLĐLĐ. Cơ quan tổ chức thực hiện là Ban quản lý dự án thiết chế công đoàn có năng lực chuyên môn tốt.
Một số ý kiến chuyên gia góp ý TLĐLĐ VN có thể được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân thuê phục vụ đối tượng đoàn viên công đoàn, thuộc đối tượng được hưởng chính sách NƠXH làm việc tại các khu công nghiệp thông qua DN trực thuộc có chức năng đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Ở góc độ DN, chủ đầu tư chuyên làm NƠXH, nhà vừa túi tiền - ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nam Long, cho biết ông ủng hộ việc nhiều tổ chức cùng tham gia xây NƠXH, nhà ở cho công nhân. Khi có nhiều tổ chức ngoài công ty quốc doanh, DN tư nhân… tham gia thì càng có nhiều nguồn cung nhà ở vừa túi tiền, người dân có thêm cơ hội an cư.
Đối với TLĐLĐ VN, ông Quang cho rằng tổ chức này có những thế mạnh riêng như nắm rõ nhu cầu của công nhân, người lao động qua các tổ chức công đoàn. Hay như Hiệp hội Bất động sản tập hợp hàng ngàn DN xây dựng, phát triển bất động sản cũng hoàn toàn có khả năng làm chủ đầu tư xây dự án NƠXH, nhà ở cho công nhân.
Tuy nhiên, điều băn khoăn là LĐLĐ là tổ chức chính trị, không có chức năng kinh doanh. Hơn nữa, việc làm thủ tục pháp lý đầu tư dự án nhà ở đến xây dựng, thiết kế, quản lý vận hành nhà chung cư cần phải có cả năng lực về chuyên môn và tài chính, quản trị.
Đồng tình, TS Huỳnh Phước Nghĩa, chuyên gia kinh tế, cũng cho rằng hiện nay nhu cầu về NƠXH hay nhà ở cho công nhân là rất lớn, trong khi khả năng đáp ứng của Nhà nước còn hạn chế, DN thì ít mặn mà do có nhiều điểm vướng. Do đó, để TLĐLĐ làm chủ đầu tư NƠXH sẽ giúp đa dạng hóa, thu hút nhiều chủ thể, nhiều nguồn lực. Thế nhưng năng lực chuyên môn về xây dựng, kinh doanh bất động sản là vấn đề không đơn giản nên cần cân nhắc kỹ.
Vấn đề là ở thủ tục
TS Huỳnh Phước Nghĩa cho biết dù làm nhà ở để bán hay cho thuê thì đều đòi hỏi tổ chức đó phải có đủ điều kiện về tài chính lẫn năng lực thực hiện dự án. Với NƠXH, vốn đầu tư lớn nhưng thời gian thu hồi vốn dài, lợi nhuận lại giới hạn. Thực tế, tổ chức nào cũng có thể xây NƠXH nhưng cần phải có điều kiện cụ thể và cơ chế quản lý phù hợp. Ông Nghĩa cho rằng cần đánh giá tính bền vững, quy định thu chi, đánh giá lại tác động, hiệu quả công đoàn khi làm NƠXH vì làm chủ đầu tư dự án cần đủ nhân lực và nguồn lực.
Theo chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nam Long, phải nhìn nhận rõ thực tế hiện nay việc thiếu nguồn cung NƠXH là do đâu. Vấn đề không phải do thiếu chủ đầu tư làm mà là vướng mắc ở thủ tục.
“Chính sách phát triển cho NƠXH đã có, nghị định đã có nhưng vấn đề thiếu thông tư hướng dẫn cụ thể rõ ràng để DN thực hiện nhanh chóng, thuận lợi nhất. Trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, mua bán NƠXH còn kéo dài, thậm chí phức tạp hơn các dự án nhà ở thương mại” - ông Quang nói.
Dẫn chứng như dự án NƠXH được miễn tiền sử dụng đất nhưng vẫn phải thực hiện thủ tục tính tiền sử dụng đất để được miễn; hay việc xác định giá trước khi thực hiện bán, cho thuê, cho thuê mua đối với NƠXH đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách phải được cơ quan nhà nước cấp tỉnh thẩm định cũng kéo dài thời gian, gây tốn kém cho DN.
Hiện một số DN tại khu công nghiệp, khu chế xuất đang làm tốt việc xây dựng nhà ở cho công nhân, họ làm để giữ chân người lao động. Vì thế, Chính phủ cũng cần có những cơ chế thủ tục khuyến khích, tạo thuận lợi cho DN làm tốt.
Gần 20.000 căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân được
khởi công xây dựng
Theo Bộ Xây dựng, trong bảy tháng đầu năm 2023 đã có 10 dự án NƠXH, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp được khởi công với tổng số khoảng 19.853 căn hộ.
Cụ thể, có bảy dự án NƠXH quy mô 8.815 căn hộ. Đáng chú ý TP Hải Phòng là địa phương có bốn dự án được khởi công với tổng số 6.707 căn hộ. TP Hà Nội, Huế và Lâm Đồng, mỗi địa phương có một dự án được khởi công.
Nhà ở cho công nhân có ba dự án quy mô 11.038 căn hộ được khởi công xây dựng tại Bắc Giang, Hải Phòng và Bình Định với quy mô lần lượt là 7.000 căn hộ, 2.538 căn hộ và 1.500 căn hộ.