Kể từ khi quyết định giã từ công việc viễn thông hàng hải, chuyển việc sáng tác ảnh từ tay trái sang tay phải, tính đến nay "Vua phong cảnh" - mỹ hiệu mà giới nhiếp ảnh Việt Nam tặng cho Hoàng Thế Nhiệm - đã tròn 30 năm làm nghề.
Ông trò chuyện với TTCT về những thay đổi của bản thân cũng như trăn trở về nhiếp ảnh Việt Nam đương đại…
* Năm 2007, có chút tiền rủng rỉnh, tôi muốn có vài bức ảnh phong cảnh của anh. Khi tôi gọi điện cho anh bày tỏ mong muốn mua một bản in bức ảnh chụp thác Bản Giốc và một bức về Sa Pa, anh đã trả lời "Bạn chịu khó ra gallery Lotus nhé, vì mình đã giao file gốc cho bên ấy khai thác rồi…". Tôi đã mua hai bức khổ 60x90 với giá 400 USD.
- (Cười). May mắn lớn nhất trong 30 năm theo đuổi nhiếp ảnh của tôi là "lọt mắt xanh" cô Xuân Phượng, chủ nhân gallery Lotus.
Gallery Lotus chuyên về tranh, cô Phượng cũng chuyên chú vào lĩnh vực tranh, bảo trợ cho nhiều họa sĩ, nhưng nhiếp ảnh thì ưu ái chọn mỗi mình tôi.
Cô Xuân Phượng hỗ trợ tôi từ 2006 - 2011 rồi cô bảo mình lớn tuổi rồi, chỉ đủ sức lo cho mảng tranh nên đề nghị tôi trực tiếp tham gia Lotus để tự làm mảng ảnh.
Nhưng chân mình là chân đi mà, làm sao mà ngồi một chỗ được, thế là kết thúc. Năm năm hợp tác với gallery Lotus là bước ngoặt trong sự nghiệp sáng tác của tôi.
* Anh có thể nói rõ hơn về "bước ngoặt" ấy?
- Điều khác biệt lớn nhất của cô Xuân Phượng so với những người kinh doanh tranh ảnh ở Việt Nam là sự bảo trợ.
Những người khác khi mang tranh ảnh ra nước ngoài để triển lãm thì mỗi bức tranh, ảnh chỉ kèm một tấm card giới thiệu thân thế tác giả, riêng cô Phượng đưa các tác giả đi cùng, cứ như một gánh hát rong, bao trọn mọi chi phí.
Trong năm năm ấy, không năm nào tôi không đi châu Âu cùng cô Phượng để triển lãm ảnh của mình. Có thể nói tôi là một người may mắn trong giới sáng tác ảnh ở Việt Nam, vì nhờ những chuyến đi ấy tôi mới thấy ảnh của mình chả là gì cả.
Thật sự, tôi như con ếch được ra khỏi giếng, thấy bầu trời bao la rộng lớn chứ không phải chỉ như cái nia. Từ đó, tôi đã thay đổi góc nhìn về ảnh nghệ thuật.
* Nhìn lại những bức ảnh của "vua phong cảnh", cũng là chụp ở Sa Pa, thác Bản Giốc, Hạ Long… nhưng ảnh chụp những nơi chốn ấy ngày nay khác ngày xưa rất nhiều. Ảnh của anh hôm nay buộc người xem phải suy nghĩ nhiều hơn. Lâu nay tôi vẫn nghĩ đó là sự thay đổi của một người ở tuổi U70 so với thời U40. Có phải vậy không anh?
- Cũng có một phần, nhỏ thôi, vì người lớn tuổi thường có góc nhìn sâu lắng hơn, chiêm nghiệm sâu hơn so với thời trẻ. Nhưng đó không phải là tất cả.
Chính nhờ những chuyến đi ra bên ngoài để triển lãm ảnh, được tiếp xúc với dân nhà nghề thật sự, mới thấy nghề của mình còn quá non nớt. Ảnh của tôi hồi ấy không thể nói là "nghệ thuật". Và người ta mua ảnh của tôi chỉ là vì họ thấy lạ, thấy thích cảnh đẹp thiên nhiên Việt Nam.
Trong khi đó, ảnh nghệ thuật đương đại là phải có tư duy, thể hiện triết lý sống của người sáng tác.
Vì vậy, nhìn lại những bức ảnh mà mình chụp ngày xưa, tôi nghĩ nó dừng ở mức "đẹp", trong đó có một số ảnh mang tính tư liệu, ví dụ nhiều người xem ảnh tôi chụp Sa Pa ngày trước rồi nhìn lại Sa Pa bây giờ, mới thấy sự thay đổi khủng khiếp, đáng buồn. Thế thôi.
Còn bây giờ, xin lấy ví dụ một bức đen trắng được sàn Art triển lãm, tôi chụp ở cánh đồng điện gió Bạc Liêu. Tiền cảnh là một gốc cây đước rất to đã chết khô, hậu cảnh là những cây điện gió trắng toát, sừng sững. Nhìn vào đấy, ai cũng thấy cái giá phải trả cho sự phát triển.
Những hàng cây điện gió mọc lên thì rừng đước mất đi, tôm cá ít đi; bù lại kinh tế phát triển. Vậy phát triển kinh tế hay xâm hại thiên nhiên, có cách nào dung hòa không?...
Mỗi người xem ảnh có một cách nghĩ riêng.
Nhân đây cũng xin nói thêm là ở mình, thường thì bấm máy vô tội vạ, rồi về mở xem thấy tấm nào ưng ý, đẹp thì bắt đầu suy nghĩ để đặt cho nó cái tên, gán cho nó những ý nghĩa cao xa, nên thường thì bị gượng ép. Trong khi đó, nghệ sĩ nhiếp ảnh của thế giới thì ngược lại, họ tư duy trước, bấm máy sau.
Bên cạnh đó, còn một bài học thiên về kỹ thuật. Cùng một loại máy in, một loại giấy, một loại mực nhưng ảnh của mình in ra thì màu không sâu như ở nước ngoài in.
Khi ấy, tôi suy nghĩ nhiều, kết luận đó là do mình còn kém trong edit (biên tập), chưa chuẩn về kỹ thuật chụp. Và thế là phải mày mò học lại từ đầu. "Bệnh" của tôi cũng là căn "bệnh" chung của nhiều tay máy ở Việt Nam, đó là không được đào tạo cơ bản trước khi khoác lên mình cái danh "nghệ sĩ nhiếp ảnh".
* Có một tay máy trẻ than thở rằng bây giờ thật khó mà bán ảnh, khi người người đều có thể chụp được ảnh đẹp nhờ máy ảnh cùng các phần mềm chỉnh sửa quá "độc".
Đã vậy giờ còn thêm cái vụ AI nữa, ai cũng có thể tự làm một tấm ảnh đẹp. Trong lĩnh vực phong cảnh, sự xuất hiện và phát triển về chất lượng của flycam cũng khiến các tay máy chuyên nghiệp khó sống hơn.
Anh nghĩ gì về sự phát triển vũ bão của công nghệ trong lĩnh vực nhiếp ảnh? Liệu nó có "giết" nghề này không?
- Đúng là sự phát triển vũ bão của công nghệ đã khiến nghề nhiếp ảnh trở nên khốc liệt hơn. Ngày xưa, dân chụp ảnh sản phẩm quảng cáo có giá thực hiện một file là 5 triệu đồng, ở thời điểm vàng chưa đến 10 triệu đồng/lượng.
Hồi ấy, chụp ảnh sản phẩm phải cần dàn đèn, hộp…, còn bây giờ người ta mua một file chỉ 100.000 đồng. Thậm chí người ta cũng chả cần mua, vì chỉ cần chụp cho rõ nét là được, rồi mọi chuyện để photoshop lo.
Vào thời vàng son của lịch, tôi bán một file ảnh được 1 triệu đồng, tương đương 2 chỉ vàng, còn bây giờ lịch tờ xem như chết rồi. Còn lịch bloc, mỗi ảnh có giá… 20.000 đồng.
Nhưng tôi vẫn tin rằng sự khốc liệt của nghề nhiếp ảnh do tác động của công nghệ chỉ làm mệt những người làng nhàng, sáng tác "đồng phục", nếu tìm được cho mình sự độc đáo riêng biệt, không lẫn vào ai thì vẫn tồn tại được. Trên thế giới cũng thế.
Hãy vào trang web của Erik Johansson - một tay máy trẻ người Thụy Điển chuyên thực hiện ảnh quảng cáo theo phong cách siêu thực (erikjo.com) để xem anh thực hiện một tấm ảnh như thế nào, rất độc đáo, rất sáng tạo, rất chuyên nghiệp và dĩ nhiên giá rất cao. Vì vậy, với tôi, công nghệ dù phát triển thế nào cũng chỉ là công cụ.
Ưu điểm lớn nhất của thời chụp phim là người nghệ sĩ ít bị phân tâm hơn, tập trung được nhiều cho tư duy sáng tác. Nhưng tôi vẫn cho rằng sự phát triển của công nghệ, từ máy ảnh đến các phần mềm edit, vẫn giúp được nhiều hơn, ít nhất là đỡ tốn kém hơn.
Ngày xưa lặn lội đến một nơi xa, chụp xong vẫn thấp thỏm không biết có được gì không, nếu không được thì không chỉ bị mất khoảnh khắc ấy mà còn phải tốn tiền để đi lại. Còn bây giờ, bấm xong là biết được hay không rồi...
* "Sáng tác đồng phục" là điều mà nhiều người vẫn thường than thở khi nói về nhiếp ảnh nghệ thuật của nước nhà. Nhưng trên thực tế lâu lâu vẫn thấy có những giải thưởng quốc tế được báo chí đưa đình đám mà?
- Việt Nam là một quốc gia có rất nhiều cuộc thi dành cho giới nhiếp ảnh, từ cấp quốc gia xuống đến địa phương, nhưng chủ đề của các cuộc thi gần như giống nhau, nặng về tính chính trị.
Các tay máy muốn có giải đều nắm được yếu tố đó, dẫn đến việc sáng tác na ná nhau: Mẫu khác, cảnh khác nhưng ý tưởng thì gần như y chang. Tất cả như cái vòng luẩn quẩn: Muốn nổi tiếng thì phải có giải - Muốn có giải thì phải chụp đúng ý - Mà chụp đúng ý riết thì dẫn đến việc sáng tác "đồng phục", làm thui chột sự sáng tạo, bản sắc riêng của từng tay máy.
Còn nói giải quốc tế, hầu hết chúng ta chưa có những giải thưởng ở những cuộc thi dành cho giới chuyên nghiệp của thế giới. Bản thân tôi chưa bao giờ dám gởi ảnh dự thi ở những cuộc thi chuyên nghiệp.
* Có vẻ bức tranh về nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam không được lạc quan lắm?
- Thì đúng là buồn thật, nhưng tôi là người luôn đi tìm sự lạc quan trong cuộc sống. Tôi thường thích chụp ảnh cây cối - một sự thể hiện về mầm sống; và mây trời - biểu hiện của tự do.
Nhờ thế, tôi đã thấy được những điểm sáng, như bộ ảnh độc đáo của nhiếp ảnh gia Phan Quang, người nổi tiếng về ảnh ý niệm. Bộ ảnh Hồi ức của anh ấy thành công cả về mặt nghệ thuật lẫn tài chính.
Anh ấy có ý tưởng thực hiện một bộ ảnh về những người phụ nữ Việt Nam có chồng Nhật hồi chiến tranh, những người chồng Nhật về nước, bỏ lại vợ vò võ một mình.
Anh muốn thể hiện hồi ức của những người phụ nữ ấy với chồng tận nước Nhật xa xôi bằng ngôn ngữ hình ảnh. Thông thường đứng trước một đề bài như thế, đa số sẽ chọn cách thể hiện là chụp gương mặt người phụ nữ đã lớn tuổi, phía sau là tấm hình ông chồng Nhật có thể trên bàn thờ, có thể treo trên tường.
Nhưng Phan Quang tìm hiểu và biết trong hành trang mọi người lính Nhật ngày ấy đều có chiếc mùng (màn) chống muỗi. Anh lặn lội sang Nhật, tìm đến nơi sản xuất loại vải mùng này đặt mua cả trăm mét, rồi dùng nó phủ lên tất cả, từ người phụ nữ đến vật dụng trong gia đình, phủ lên cả ảnh của người chồng Nhật rồi chụp.
Hay mới nhất, cuối tháng 8-2023 này, tôi ra Đường sách Nguyễn Văn Bình xem triển lãm ảnh của Bill Nguyễn (Nguyễn Huỳnh Bách). Bạn ấy năm nay lên lớp 11, học ở Trường Đinh Thiện Lý.
Bill Nguyễn được ba "đãi" một chuyến đi Mỹ và bạn đã thực hiện một bộ ảnh 30 tấm mang tên Tones of America, như một cuốn nhật ký ghi lại hành trình 30 ngày trên đất Mỹ của mình.
Ảnh của bạn ấy có thể chưa hoàn hảo về kỹ thuật nhưng thể hiện đúng cái chất của ảnh nghệ thuật đương đại, đó là có tư duy, sáng tạo. Trò chuyện với bạn ấy, tôi thật sự nể phục tư duy độc đáo mà bạn thể hiện qua ảnh và chú thích đi kèm.
* Trong những nơi anh đến để săn ảnh phong cảnh, đâu là nơi anh ưa thích nhất? Cảm xúc về những nơi đó đọng lại trong anh là gì?
- Tôi người miền Nam, ở Sài Gòn nên cảnh núi rừng phía Tây Bắc, Đông Bắc để lại nhiều cảm xúc nhất. Đó là sự choáng ngợp trước thiên nhiên hùng vĩ, kỳ diệu. Từ 1994 đến 2006, mỗi năm tôi đều có ít nhất ba lần lên đó, nhất là Sa Pa.
Cảnh núi rừng hùng vĩ, những con người khu vực ấy cũng là đề tài cho mình sáng tác. Bên cạnh cảm xúc từ vẻ đẹp thiên nhiên, cũng có sự tiếc nuối đến đau đớn khi thiên nhiên bị xâm phạm nhanh quá.
Tấm ảnh tôi chụp ngôi nhà thờ ở bản Cát Cát hồi giữa thập niên 1990 vẫn cho thấy một nhà thờ nổi bật giữa núi rừng, giờ bị che khuất hết rồi. Thiên nhiên ở ta bị đối xử tệ quá.