Ngày 12-9, UBND tỉnh Thái Bình có thông cáo báo chí liên quan đến quyết định 731 ngày 17-4-2023 (quyết định 731) xác định vị trí, quy mô diện tích, ranh giới rừng đặc dụng tại huyện Tiền Hải.
Khu bảo tồn chỉ là tên gọi, thực chất là rừng đặc dụng
Tỉnh Thái Bình cho biết năm 2014, với mong muốn tập trung phát triển rừng trên các diện tích bãi triều nhằm giữ đất, chống biến đổi khí hậu, tạo sinh kế cho người dân, hướng tới hình thành khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước..., tỉnh đã ban hành quyết định số 2159 ngày 26-9-2014 (quyết định 2159) phê duyệt đề án xác lập diện tích rừng đặc dụng tại ba xã Nam Hưng, Nam Phú và Nam Thịnh (huyện Tiền Hải) có diện tích 12.500ha với tên gọi Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải.
"Phạm vi, ranh giới, quy mô của khu bảo tồn này chỉ mang tính định tính, chưa được xác định bằng các biện pháp nghiên cứu đo đạc có tác dụng định hướng để tỉnh tìm nguồn lực, xây dựng kế hoạch và triển khai phát triển rừng...
Vì nhiều lý do, đến trước thời điểm tỉnh ban hành quyết định số 731, khu rừng trên chưa được xác định chính xác về quy mô và vị trí" - tỉnh Thái Bình cho hay.
Trong thông cáo, tỉnh Thái Bình khẳng định trong gần 10 năm qua, tỉnh rất trân trọng và sử dụng đúng mục đích, tôn chỉ và các quy định của Công ước Ramsar, Khu dự trữ sinh quyển đồng bằng sông Hồng, coi trọng công tác bảo vệ phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển kinh tế tạo sinh kế cho người dân ven biển.
Theo tỉnh Thái Bình, năm 2015, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã rà soát và đưa Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải vào danh mục các khu bảo tồn. Còn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa vào danh mục các khu rừng đặc dụng tại quyết định số 1976 của Thủ tướng ngày 30-10-2014 với diện tích 12.500ha.
Đất lâm nghiệp quy hoạch cho khu kinh tế chủ yếu ao nuôi thủy sản, cây rừng thưa thớt
Năm 2019, Thủ tướng có quyết định 1486 phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình (quyết định 1486) với diện tích hơn 30.500ha.
Để xây dựng Khu kinh tế Thái Bình, một phần diện tích đất rừng ven biển được quy hoạch cho khu kinh tế, trong đó có khu rừng đặc dụng được tỉnh phê duyệt tại quyết định 2159.
Phần diện tích đất lâm nghiệp được đưa vào quy hoạch cho phát triển kinh tế chủ yếu là đất đầm ao nuôi thủy sản, sông lạch, cồn cát, nơi có cây rừng thưa thớt, manh mún, không đáp ứng các tiêu chí rừng đặc dụng và phòng hộ, nhiều vị trí bị xói lở rất khó khăn cho công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Tỉnh Thái Bình cho hay một trong số các quy hoạch phải điều chỉnh để tránh chồng lấn với quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình là quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh giai đoạn 2012-2020 và khu rừng đặc dụng được phê duyệt đề án xác lập tại quyết định 2159.
Căn cứ nghị quyết 61-2022 của Quốc hội, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, ngày 28-3 tỉnh Thái Bình đã ban hành quyết định 600 điều chỉnh quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Thái Bình giai đoạn 2012-2020 và quyết định 731 xác định cụ thể diện tích rừng đặc dụng cần được bảo vệ nghiêm ngặt.
Quá trình lập hồ sơ điều chỉnh quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Thái Bình giai đoạn 2012-2020 được thực hiện theo đúng quy định, hồ sơ điều chỉnh đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho ý kiến.
Quyết định số 731 xác định vị trí, quy mô diện tích, ranh giới khu rừng đặc dụng tại khu vực ngoài đê biển thuộc ba xã Nam Hưng, Nam Phú và Nam Thịnh, huyện Tiền Hải và ranh giới được xác định với quy mô diện tích 1.320ha.
Đây là khu vực có rừng tốt nhất, liền khoảnh nên rất thuận lợi để thực hiện công tác bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển rừng. Vị trí này nằm ở cuối sông Hồng lấp, có hệ thống sông lạch đan xen, nước thủy triều lên xuống tự nhiên đảm bảo điều kiện tốt nhất cho cây rừng và các loài sinh vật khác sinh sôi, phát triển.
"Quyết định số 731 chính thức xác định cụ thể, rõ ràng vị trí, ranh giới quy mô diện tích đúng quy định của khu rừng đặc dụng bao gồm diện tích rừng hiện tại và diện tích đất khả thi, phù hợp để phát triển rừng trong những năm tới theo đúng quy định của Luật Lâm nghiệp.
Đồng thời là một trong những bước triển khai thực hiện quyết định số 1486 của Thủ tướng Chính phủ. Quyết định số 731 không thay thế quyết định 2159 và càng không phải là việc xóa sổ Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải" - tỉnh Thái Bình khẳng định.
Tỉnh Thái Bình cũng cho biết hiện nay tỉnh đang trình Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, theo đó quan điểm xuyên suốt của tỉnh là phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đi đôi với bảo vệ môi trường.
Trong thời gian tới, tỉnh Thái Bình đã thống nhất, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, xác định chi tiết, cụ thể quy mô diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải trên thực địa, đánh giá, lập hồ sơ, quyết định thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải theo đúng quy định để làm cơ sở, căn cứ để trồng rừng, bảo vệ rừng, bảo tồn phát triển đa dạng sinh học, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội và phát triển không gian kinh tế biển đa dạng theo quyết định 1486 của Thủ tướng.
UNESCO tại Việt Nam đề nghị cung cấp thông tin, làm rõ việc thu hẹp 90% diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.