Tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ rất phức tạp
Sáng 13-9, nêu ý kiến giải trình tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết tội phạm cả về số lượng, tính chất, phương thức, thủ đoạn đều tăng.
Đối với tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ, theo ông Trí rất phức tạp. Riêng cuối năm 2022 đến đầu năm 2023, các cơ quan tố tụng đã thụ lý, điều tra các vụ án theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó về quy mô, tính chất phức tạp, chưa có tiền lệ.
Ông lấy ví dụ như vụ án Vạn Thịnh Phát liên quan đến ngân hàng, chứng khoán, thẩm định giá, công chứng, kể cả phát hành trái phiếu... ảnh hưởng đến nguồn lực quốc gia, tài sản thế chấp ngân hàng.
"Ngay năm 2023, các cơ quan chức năng, cơ quan điều tra, công an, kiểm sát hút vào những vụ án lớn này rất mất sức và phải đảm bảo tiến độ của Ban Chỉ đạo Trung ương giao để đưa ra truy tố, xét xử", ông Trí nói.
Cùng với đó, các vụ án như Việt Á, theo ông Trí sẽ phải đưa ra xét xử, vụ AIC đã xét xử một số nơi và sẽ truy tố, xét xử tiếp.
Với vụ chuyến bay giải cứu đã xét xử, còn giai đoạn 2 có làm không, làm như thế nào cũng là vấn đề.
"Áp lực các vụ án gần đây rất lớn và quy mô, tính chất có nhiều vấn đề rất mới trong quá trình điều tra, chứng minh tội phạm", ông Trí nói thêm.
Viện trưởng Lê Minh Trí cũng chỉ ra tồn tại, trì trệ khác liên quan giám định, định giá chưa được cải thiện.
Ông nói đã giải trình một số lần với Quốc hội, đại biểu Quốc hội về việc luật hiện nay chưa quy định thời hạn cho định giá, giám định nhưng thời hạn điều tra thì có, tạo ra mâu thuẫn.
"Có thể trở thành chỗ tránh né, thậm chí cơ quan tố tụng "bó tay" trong một số trường hợp. Nếu đối tượng "chạy" cơ quan giám định, định giá sẽ như thế nào? Đây là thách thức phải vượt qua.
Quy định pháp luật cần đảm bảo chế độ, chính sách cho người làm định giá, giám định nhưng có chế tài trách nhiệm về thời gian, trách nhiệm trước pháp luật. Bởi đây là khâu rất quan trọng trong tố tụng...", ông Trí đề nghị.
Vẫn kiểm soát các loại tội phạm cần tập trung kiểm soát
Theo ông Lê Minh Trí, trong năm 2023, với các loại tội phạm cần tập trung kiểm soát vẫn kiểm soát được.
Như cướp, giết, hiếp, ma túy, tội phạm mạng, lừa đảo, đánh bạc trên mạng, các hoạt động khác trên không gian mạng hay tài chính, ngân hàng, chứng khoán, y tế, giáo dục, đầu tư công, liên quan đất đai... đều đảm bảo điều tra, truy tố, xét xử về hình sự và khiếu nại, tố cáo về hành chính.
Một vấn đề khác cũng được ông Trí đề cập là giữa yêu cầu chống oan sai, chống lọt, phải chấp nhận một con số nhưng con số không được vượt ngưỡng và chúng ta phải kiểm soát được.
"Nếu vẫn yêu cầu con số tuyệt đối thì tôi làm viện trưởng 8 - 9 năm cũng muốn phấn đấu con số tuyệt đối một năm nhưng không thể được.
Tôi rượt mạnh cái này thì buông cái kia, buông cái này thì lọt. Dù chúng ta muốn không được oan sai, vì chỉ một trường hợp cũng đau khổ lắm, người ta không có như thế lại buộc tội người ta.
Nhưng trong cuộc đấu tranh này mà bỏ lọt tội phạm nhiều sẽ khiến xã hội mất bình yên, ổn định, làm sao phát triển được, làm sao bảo vệ được đại đa số nhân dân đây?", ông Trí nói thêm.
Ông nhìn nhận thực tiễn không có "con số zero" nhưng với thực trạng này, chúng ta chọn con số nào để phù hợp.
Viện trưởng Lê Minh Trí kiến nghị Quốc hội tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu xây dựng chính sách xử lý tội phạm trong lĩnh vực kinh tế, tham nhũng, chức vụ, bảo đảm yêu cầu vừa nghiêm trị, vừa khoan hồng.