Theo Tổng cục Thống kê, 8 tháng qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt trên 4 triệu tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Còn 4 tháng tới là bước vào cao điểm hàng hóa cuối năm, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về bình ổn giá từ nay cho đến cuối năm và đặc biệt trong các dịp lễ, Tết, khi nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh, các doanh nghiệp phân phối đang nỗ lực đảm bảo nguồn cung ổn định, không có sự gián đoạn trong cung cấp hàng hóa cũng như đột biến về giá cả cho người tiêu dùng.
"Ở đây mình thấy có thịt gà lúc nào cũng dao động trong khoảng 30.000 - 40.000 đồng. Hiện VAT giảm nên mình có thể mua thêm nhiều hoa quả hơn, tiết kiệm được tiền đi ăn với bạn bè ở ngoài", chị Hoàng Kim Anh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, chia sẻ.
"Bánh mì vẫn giữ giá, thịt tăng giá không đáng kể, rau, các thứ cô mua thoải mái hơn", cô Đỗ Bích Linh, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, cho biết.
Giá cả các mặt hàng không biến động nhiều là nhận định chung của người tiêu dùng khi mua sắm tại siêu thị.
Cùng với nhiều chính sách hỗ trợ của Chính phủ, trong tháng 8 vừa qua, đại diện siêu thị cho biết lượng người khách hàng đến mua sắm tăng hơn tháng trước và cũng rộng tay chi tiền mua đồ ăn, thức uống. Trong thời gian tới, siêu thị sẽ làm việc với hơn 1.000 nhà cung cấp để đảm bảo không tăng giá các mặt hàng thiết yếu.
Người dân mua sắm tại siêu thị. (Ảnh: TTXVN)
"Làm việc với các nhà cung cấp để đặt một số lượng hàng lớn trong thời gian nhất định, nhằm đảm bảo hàng hóa luôn dồi dào và đảm bảo chính sách về giá", ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc siêu thị Big C Thăng Long, cho hay.
Các hệ thống phân phối cũng cho biết họ luôn có kế hoạch điều tiết vận hành, tiết kiệm tối đa chi phí để cắt giảm giá trực tiếp sản phẩm cho khách hàng nhằm bình ổn giá.
"Mô hình online to offline đang dần mang lại hiệu quả cùng với việc đảm bảo một sản lượng lớn trong thời gian dài, chúng tôi cũng có điều kiện kết nối với nhà cung cấp đến khách hàng ở mức giá gần như không thay đổi", ông Phạm Ngọc Long, Phó Giám đốc Ubo Food, cho biết.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về công tác quản lý, điều hành giá những tháng cuối năm, Bộ Công Thương đã lên kế hoạch để đảm bảo nguồn cung và giá cả hàng hóa từ nay đến cuối năm, không gây ra tình trạng đẩy giá, đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát.
"Từ nay đến cuối năm, Bộ Công thương cũng có những chỉ đạo với UBND các tỉnh, thành phố và Sở Công Thương đẩy mạnh chương trình kích cầu gắn với bình ổn thị trường phục vụ Tết Nguyên đán năm 2024. Những hàng hóa để phục vụ người dân trong dịp Lễ Tết sẽ được bảo đảm đầy đủ, với giá cả phù hợp", bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, thông tin.
Bộ Công Thương cũng sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các cơ sở kinh doanh, chợ đầu mối bán buôn bán lẻ, chợ trung tâm thương mại, kho để nắm được nguồn cung cũng như giá bán, có biện pháp ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm về găm hàng, đầu cơ gây ảnh hưởng giá cả thị trường.
VTV.vn - Theo đại diện Tổng cục Thống kê, việc tăng lương sẽ kéo theo giá hàng hóa tăng lên, nhưng không tăng một cách đột biến.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.55585131131903202-man-iouc-ned-yan-ut-aoh-gnah-ac-aig-no-hnib/et-hnik/nv.vtv