Không nằm ngoài dự đoán của giới phân tích, thị trường đã nhanh chóng trở lại trạng thái rung lắc trong phiên sáng 13/9 sau nhịp tăng khá tốt ngày hôm qua (12/9). Thị trường chung trở nên phân hóa hơn với số mã tăng giảm khá cân bằng nhau và chỉ số VN-Index may mắn có được sắc xanh nhạt về cuối phiên là nhờ sự đóng góp tích cực của cặp đôi lớn MWG và GAS.
Bước sang phiên giao dịch chiều, trạng thái rung lắc tiếp diễn trong phần lớn thời gian giao dịch. Đáng chú ý chính là “pha bật tường 1.250 điểm”. Đây là lần thứ 3 trong thời gian gần đây chỉ số VN-Index tiếp cận ngưỡng kháng cự này bất thành và bật ngược trở lại khá mạnh.
Cụ thể, ngay khi chạm được vùng giá này, áp lực bán được kích hoạt đã khiến VN-Index nhanh chóng thoái lui. Càng về cuối phiên, áp lực bán càng gia tăng, thậm chí chỉ số chung bị đẩy về sát mốc 1.230 điểm, nhưng nhờ lực cầu bắt đáy đã chặn đà rơi của thị trường.
Trong đó, điểm sáng MWG cũng hạ nhiệt và chỉ còn đóng góp 0,64 điểm vào chỉ số chung khi kết phiên tăng 3% lên mức 57.500 đồng/CP, thanh khoản tiếp tục tăng mạnh với hơn 6 triệu đơn vị giao dịch thành công trong phiên chiều, nâng tổng khối lượng khớp lệnh lên 16,05 triệu đơn vị.
Ngoài MWG, một số mã lớn khác đóng vai trò má phanh giúp VN-Index hãm đà giảm sâu, điển hình là GAS kết phiên tăng 2,8% lên mức 105.600 đồng/CP đã đóng góp gần 1,5 điểm cho chỉ số chung; các mã ngân hàng VIB, CTG, VPB đóng góp trên dưới 0,3 điểm cho chỉ số chung…
Tuy nhiên, tâm điểm đáng chú ý chính là nhóm cổ phiếu đầu tư công, với điểm nhấn là cặp đôi HHV và FCN. Trái với diễn biến thị trường chung chìm trong sắc đỏ, lực cầu gia tăng mạnh đã giúp HHV và FCN đều phá đỉnh của năm 2023 thành công cả về giá và thanh khoản.
Cụ thể, kết phiên, HHV tăng 6,8% lên mức 17.300 đồng/CP, là mức giá cao nhất trong nhất trong khoảng 16 tháng qua, tương ứng tăng gần gấp đôi so với thời điểm đầu năm; đồng thời thanh khoản tiếp tục thuộc top 5 mã dẫn đầu thị trường và xác nhận con số kỷ lục với gần 36,2 triệu đơn vị khớp lệnh, cùng lượng dư mua trần hơn 2,1 triệu đơn vị.
Trong khi đó, FCN cũng xác lập mức giá cao nhất trong hơn 15 tháng qua khi đóng cửa tại mức giá trần 19.250 đồng/CP, tăng gần 105% so với thời điểm đầu năm nay với thanh khoản tăng đột biến lên mức 13,93 triệu đơn vị khớp lệnh và dư mua trần 216.000 đơn vị.
Ngoài ra, các mã đầu tư công khác như LCG tăng 3,5% lên 14.900 đồng/CP và khớp lệnh 20,51 triệu đơn vị; hay C4G tăng 4,8% lên 15.300 đồng/CP với khối lượng giao dịch lên tới 12,88 triệu đơn vị.
Một số mã khác trong nhóm bất động sản cũng ngược dòng thành công, điển hình là BCG tăng 2,1% và khớp hơn 30 triệu đơn vị; TCH tăng 1,9% và khớp 21,83 triệu đơn vị, CII tăng nhẹ và khớp lệnh hơn 17 triệu đơn vị…
Tuy nhiên, những điểm sáng này không đủ sức để giúp nhóm cổ phiếu bất động sản thoát khỏi top giảm mạnh nhất thị trường, bởi gánh nặng từ anh cả VHM giảm 2,62%, VIC giảm 1,82%. Ngoài ra, các mã đáng chú ý khác trong ngành cũng tuột dốc, như NVL đóng cửa giảm 4,8% và thanh khoản tiếp tục dẫn đầu thị trường với hơn 77,13 triệu đơn vị khớp lệnh; DIG và DXG giảm trên dưới 2% và khớp lệnh vượt xa 20 triệu đơn vị…
Bên cạnh đó, sóng cổ phiếu chứng khoán nhanh chóng dập tắt sau phiên bùng nổ hôm qua với FTS, HCM giảm hơn 1%; VCI và VND đều giảm hơn 2%... Sắc đỏ lan rộng trong nhóm ngành ngoại trừ một số mã ngược dòng thành công, trong đó điểm sáng là APG đứng vững tại mức giá trần sau thông tin được cấp margin trở lại, ngoài ra BSI cũng tăng ấn tượng 5,33%...
Nhóm thép trở nên đuối sức với HPG đảo chiều giảm 1,2% và thanh khoản chỉ thua NVL với 49,19 triệu đơn vị khớp lệnh; còn NKG và HSG may mắn giữ được sắc xanh với mức tăng chỉ trên dưới 1% và thanh khoản đều đạt gần 17 triệu đơn vị.
Với áp lực bán trên diện rộng, đặc biệt là sức ép đến từ nhóm cổ phiếu bluechip với tâm điểm là bộ 3 gồm VHM, VCB và VIC, nhưng dòng tiền sôi động đã giúp thị trường thoát khỏi phiên giảm sâu.
Chốt phiên, sàn HOSE có 192 mã tăng và 331 mã giảm, VN-Index giảm 7,05 điểm (-0,57%) xuống 1.238,39 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1,26 tỷ đơn vị, giá trị 29.761,84 tỷ đồng, cùng tăng hơn 29% cả về khối lượng và giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 72,37 triệu đơn vị, giá trị 2.141,97 tỷ đồng.
Trên sàn HNX, thị trường cũng quay xe về cuối phiên khi áp lực bán lan rộng hơn trên bảng điện tử.
Chốt phiên, sàn HNX có 75 mã tăng và 104 mã giảm, HNX-Index giảm 0,22 điểm (-0,08%) xuống 256,11 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 116,46 triệu đơn vị, giá trị 2.504,74 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 10,67 triệu đơn vị, giá trị 250,82 tỷ đồng, trong đó riêng HUT thỏa thuận 8,27 triệu đơn vị, giá trị 207,63 tỷ đồng.
Các cổ phiếu chứng khoán trên sàn HNX cũng đồng loạt chuyển đỏ, trong đó SHS giảm 1% và thanh khoản dẫn đầu thị trường với 18,94 triệu đơn vị; MBS giảm 0,4%, APS giảm 2,1%, VIG giảm 2,8%, PSI giảm 2,5%, IVS giảm 2,9%...
Ngoài ra, một số mã khác trong nhóm HNX30 cũng đảo chiều giảm mạnh như HUT giảm 2,2%, IDC giảm 1,2%... Trong đó, HUT thanh khoản tăng đột biến với hơn 10 triệu đơn vị khớp lệnh.
Trái lại, CEO vẫn ngược dòng thành công khi kết phiên tăng 2,9% lên 28.400 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 14,63 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, thị trường rung lắc và cũng khép lại phiên giao dịch trong sắc đỏ.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,09 điểm (-0,09%) xuống 94,18 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 83,64 triệu đơn vị, giá trị 1.355,79 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 6,25 triệu đơn vị, giá trị 127,83 tỷ đồng.
Như đã nói ở trên, cổ phiếu đầu tư công C4G đã có phiên giao dịch khởi sắc khi tăng mạnh về giá cùng thanh khoản sôi động.
Ngoài ra, một điểm sáng khác là BSR cũng tăng 5,2% lên mức 22.200 đồng/CP và khối lượng giao dịch lên tới 20,26 triệu đơn vị.
Trái với xu hướng của nhóm chứng khoán niêm yết, các cổ phiếu chứng khoán trên UPCoM đã ngược dòng thành công với SBS tăng 4,2%, AAS tăng 3,1%, TCI tăng 5,4%, thanh khoản đạt một đến vài triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm. Trong đó, VN30F2309 giảm 12 điểm, tương đương -1% xuống 1.245 điểm, khớp lệnh hơn 272.410 đơn vị, khối lượng mở đạt 46.200 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ chiếm áp đảo, tuy nhiên CMWG2306 khớp lệnh cao nhất đạt 3,29 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 18,2% lên 1.300 đồng/cq; theo sau là CHPG2326 khớp lệnh 3,17 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 2,4% xuống 1.240 đồng/cq.