Yêu cầu này được Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải nêu ra trong buổi gặp gỡ, đối thoại với cán bộ, hội viên nông dân thành phố năm 2023 do UBND TP.HCM tổ chức ngày 13.9.
Tình trạng không thống nhất giữa quy hoạch, hiện trạng sử dụng đất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà người dân đang có là một trong những vấn đề khiến người dân bức xúc. Ông Hải đánh giá nếu giải quyết tốt vấn đề này thì sẽ giải được bài toán về hiệu quả sử dụng đất và mâu thuẫn xã hội.
"Có bao nhiêu thửa đất mà trên giấy ghi là đất nông nghiệp nhưng ở ngoài thực địa không phải nông nghiệp?", ông Hải đặt câu hỏi.
Chưa kể, nhiều nơi quy hoạch đất nông nghiệp, trên giấy chứng nhận ghi là đất nông nghiệp nhưng người dân không thể canh tác mà có thể làm việc khác, tạo giá trị sản phẩm gấp nhiều lần sản xuất nông nghiệp. Nhiều người muốn làm nông nghiệp nhưng với hiện trạng xung quanh thì họ không thể làm.
Tại hội nghị, bà Nguyễn Thanh Xuân, Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM kiến nghị thành phố nghiên cứu và đề xuất Trung ương bổ sung quy định, tạo hành lang pháp lý giúp nông dân chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất nông nghiệp khác và đất phi nông nghiệp khác; xúc tiến thương mại các sản phẩm nông nghiệp…
Từ năm 2020, TP.HCM thí điểm xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp khác và phi nông nghiệp khác tại 3 huyện: Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè.
Việc này giúp nông dân thuận lợi trong việc nuôi, trồng, sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ, khuyến khích đầu tư sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp cao. Tuy nhiên, văn bản này bị Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) "tuýt còi", bởi đây là văn bản hành chính cá biệt nhưng nội dung lại đưa ra các quy định có tính quy phạm pháp luật.
Nhà lưới trồng lan 'biến tướng' thành nhà trọ
Ông Nguyễn Hồ Hải đề nghị vận dụng Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM để hướng dẫn thực hiện thí điểm các công trình phụ trợ sản xuất nông nghiệp.
Lãnh đạo Thành ủy TP.HCM dẫn chứng không phải khi có chính sách thí điểm việc xây dựng nhà, các công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp mới phát sinh vấn đề lợi dụng, biến tướng mà vi phạm xây dựng đã có từ trước. Nhiều địa phương buông lỏng đến mức phải xử lý lãnh đạo quận, huyện. Nhiều công trình biến tướng đến thời điểm này không thể và chưa thể khắc phục.
"Đơn cử như phong trào trồng lan, các nhà lưới trồng lan biến tướng thành các khu nhà trọ", ông Hải nói và nhận định việc xử lý rất khó khi căn nhà chuyển qua nhiều đời chủ. Do vậy, TP.HCM cần có cơ chế giám sát để hỗ trợ đúng người, bởi giá trị đất nông nghiệp của TP.HCM có giá trị lớn hơn đất nông nghiệp các tỉnh.
Phó bí thư Thành ủy TP.HCM chia sẻ bản thân ông xuất thân từ một gia đình nông dân nên thấu hiểu khổ cực của nông dân "một nắng hai sương", chịu nhiều thua thiệt. Lúc thì sản xuất được sản phẩm nhưng lại không tiếp cận được thị trường, giá sản phẩm đầu ra rất thấp nhưng qua vài chặng trong khâu phân phối thì giá đến người tiêu dùng lại cao, người trung gian hưởng lợi.
Lãnh đạo Thành ủy TP.HCM cũng đề nghị UBND TP.HCM sớm thông qua các chương trình, đề án như chương trình phát triển du lịch nông thôn, xây dựng nông thôn mới, giải ngân lãi vay chính sách khuyến khích phát triển, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị.
Theo Hội Nông dân TP.HCM, quá trình đô thị hóa nhanh dẫn đến diện tích đất nông nghiệp giảm dẫn, quy mô sản xuất nông hộ nhỏ lẻ, thiếu tập trung ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Chưa kể, nông nghiệp còn thiếu sự gắn kết giữa sản xuất với công nghiệp chế biến; mối liên kết giữa nhà nông, doanh nghiệp, nhà khoa học chưa cao; chuyển giao kỹ thuật, công nghệ cao vào phát triển nông nghiệp còn nhiều khó khăn…