Ngày 13-9, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng đã trao đổi liên quan đến việc tỉnh này đưa dinh Tỉnh trưởng (Đồi Dinh, số 1 Lý Tự Trọng, Đà Lạt) ra khỏi nhóm bảo tồn nghiêm ngặt (nhóm 1), đồng thời phản hồi về việc dư luận cho rằng việc sắp xếp để đập bỏ dinh Tỉnh trưởng.
Đã đánh giá rất kỹ
Trước đó, Tuổi Trẻ Online đã thông tin về việc UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành quyết định số 53/2023 quy định quản lý, sử dụng quỹ biệt thự thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP Đà Lạt, trong đó dinh Tỉnh trưởng bị loại khỏi nhóm bảo tồn nghiêm ngặt (nhóm 1).
Quyết định có hiệu lực từ ngày 22-9 và thay thế quyết định số 47/2017/QĐ-UBND (tháng 12-2017). Cũng tại quyết định nêu trên, dinh Nguyễn Hữu Hào (số 4 Hùng Vương) cũng bị loại ra khỏi nhóm 1.
Theo quyết định, "biệt thự nhóm 1 khi cải tạo phải giữ nguyên hình dáng kiến trúc bên ngoài, cấu trúc bên trong, mật độ xây dựng, số tầng và chiều cao". "Đối với biệt thự nhóm 2, khi cải tạo phải giữ nguyên kiến trúc bên ngoài".
Độ ưu tiên về bảo tồn, nhóm 1 và nhóm 2 khác nhau rất xa. Cụ thể, với quyết định này, việc cải tạo dinh Tỉnh trưởng, dinh Nguyễn Hữu Hào không được áp dụng các quy định về bảo tồn nghiêm ngặt, đảm bảo tính nguyên vẹn từ hình dáng bên ngoài cho đến cấu trúc bên trong. Cụ thể, khi cải tạo chỉ cần phải giữ nguyên kiến trúc bên ngoài, không nhất thiết phải tuân thủ về cấu trúc bên trong, mật độ xây dựng, số tầng và chiều cao.
Sở Xây dựng Lâm Đồng khẳng định việc dinh Tỉnh trưởng cũ Đà Lạt không còn nằm trong nhóm 1 là đúng với thực trạng và đã được đánh giá rất kỹ lưỡng. "Hội đồng thẩm định đã đánh giá khách quan theo quy định của Luật Kiến trúc và nghị định 85/2020 của Chính phủ về phân loại công trình kiến trúc có giá trị", ông Nguyễn Anh Tuấn - phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng - cho biết.
Có phá dỡ dinh Tỉnh trưởng?
Về quy trình, ông Tuấn trao đổi: Tháng 6-2021, UBND tỉnh Lâm Đồng có quyết định thành lập Hội đồng thẩm định đánh giá, phân loại biệt thự thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP Đà Lạt. Hội đồng được kiện toàn với 11 thành viên, trong đó ông Lê Quang Trung - giám đốc Sở Xây dựng - làm chủ tịch. Theo ông Tuấn, hội đồng đã tốn rất nhiều thời gian đánh giá toàn bộ 166 biệt thự trên địa bàn TP Đà Lạt.
Căn cứ quy định của Luật Kiến trúc và nghị định 85/2020, có hai tiêu chí phân loại: tiêu chí về giá trị nghệ thuật kiến trúc - cảnh quan và tiêu chí về giá trị lịch sử - văn hóa. Mỗi tiêu chí đều có thang điểm tối đa là 100 điểm.
Để vào nhóm 1 thì tiêu chí về giá trị nghệ thuật kiến trúc - cảnh quan phải đạt từ 80 điểm trở lên. Tiêu chí giá trị lịch sử - văn hóa phải đạt từ 50 điểm trở lên. Hội đồng đánh giá dinh Tỉnh trưởng đạt điểm trung bình: tiêu chí giá trị nghệ thuật kiến trúc - cảnh quan đạt 67 điểm và tiêu chí giá trị lịch sử - văn hóa đạt 69,5 điểm. Như vậy, dinh Tỉnh trưởng không được xếp trong nhóm 1.
"Tỉnh Lâm Đồng đã quy hoạch không gian Đồi Dinh và công bố năm 2020 với phương án sẽ dời dinh Tỉnh trưởng lên trên đỉnh của một khách sạn (xây trên nền dinh Tỉnh trưởng hiện hữu). Quyết định này khiến nhiều người liên tưởng đến việc dinh Tỉnh trưởng sẽ bị nâng lên cao, hoặc xây dựng mới với tỉ lệ 1:1. Khi đọc quy định này, có thể hình dung như vậy?" - Tuổi Trẻ Online đặt vấn đề. Ông Tuấn cho biết: "Việc này liên quan đến quy hoạch, không thuộc phạm vi quy định này".
Ngày 8-9, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết đã ban hành quy định quản lý, sử dụng quỹ biệt thự thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP Đà Lạt. Dinh Tỉnh trưởng, dinh Nguyễn Hữu Hào đã được đưa ra khỏi nhóm bảo tồn nghiêm ngặt (nhóm 1).