Loại hình nhà ở "chung cư mini" nở rộ trong một vài năm trở lại đây, được cho là phù hợp với người có thu nhập trung bình như giá cả hợp lý, diện tích nhỏ gọn... Những căn nhà này là những dự án nhỏ lẻ do chủ sở hữu tự đứng ra đầu tư, xây tòa nhà cao tầng trên diện tích đất tương đối nhỏ nhằm mục đích kinh doanh. Nhiều gia đình trẻ cũng lựa chọn thuê để ở, khi giá thuê vài triệu đồng/tháng.
Theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9411: 2012, trong mọi trường hợp nhà ở liên kế không được cao hơn 6 tầng. Trong các ngõ (hẻm) có chiều rộng nhỏ hơn 6 m, nhà ở liên kế không được xây cao quá 4 tầng.
Tại Luật Nhà ở năm 2014, đã cho phép hộ gia đình, cá nhân tại khu vực đô thị được phép xây dựng nhà ở có từ hai tầng trở lên mà tại mỗi tầng được thiết kế, xây dựng từ hai căn hộ trở lên theo kiểu khép kín, có đủ tiêu chuẩn diện tích sàn xây dựng tối thiểu mỗi căn hộ theo quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng… thì được Nhà nước công nhận quyền sở hữu đối với từng căn hộ trong nhà ở đó. Trên thực tế, để được cấp phép xây dựng và đưa vào hoạt động các ngôi nhà này theo Luật Nhà ở năm 2014, cần phải trải qua rất nhiều quy định khắt khe. Chính vì lẽ đó, nhiều người đã "lách" bằng cách xây các ngôi nhà cao quá số tầng được cho phép, rồi gọi đây là các căn "chung cư mini" để cho thuê.
Trong bán kính 2km tính từ nơi xảy ra vụ cháy chung cư mini thương tâm làm hơn 30 người tử vong, tại các con ngõ hẹp, phố nhỏ, có không ít các toà nhà tương tự mọc lên. Các tòa nhà này được xây dựng với diện tích nhỏ, quy mô từ 6 đến 11 tầng, nằm xen kẽ trong các khu dân cư, do tư nhân, doanh nghiệp tự đầu tư với lý do ban đầu là nhà ở sau đó chuyển đổi mục đích sử dụng cho thuê hoặc bán căn hộ dẫn đến mật độ cư dân đông, các điều kiện về phòng cháy chữa cháy khó đảm bảo, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ.
Mặc dù không phù hợp khi đối chiếu với các quy định hiện hành, tuy nhiên, trong bài, chúng tôi xin tạm gọi đây là các căn chung cư mini theo như cách gọi phổ thông của người dân hiện nay.