Thắng lợi trước phương Tây
Tại Diễn đàn Kinh tế Phương Đông (EEF) tổ chức ở Vladivostok (Viễn Đông) ngày 12/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, Nga đã kiếm được gấp đôi số lượng vàng và dự trữ ngoại hối bị phương Tây phong tỏa trong năm ngoái.
" Tôi biết vàng cùng dự trữ ngoại hối của Nga bị đóng băng, nhưng chúng ta đã kiếm được gấp đôi số tiền đó.
Tuy nhiên, khoan hãy nói về khối tài sản 300 tỷ USD này, chúng ta đang nói về việc niềm tin vào những thế lực đã làm điều đó đang suy yếu" – Ông Putin nhấn mạnh, đồng thời cho rằng động thái phong tỏa tài sản của Nga chỉ gây tổn hại cho phương Tây.
Hãng tin RT cho hay, gần 300 tỷ USD dự trữ vàng và ngoại hối của Nga đã bị Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đóng băng kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine. Theo ước tính chính thức, động thái trên đã khiến dự trữ của Ngân hàng trung ương Nga giảm 8,4% trong năm ngoái.
Loạt chỉ số bùng nổ
Cùng với tuyên bố của ông Putin, các báo cáo kinh tế tại EEF và phản ánh của truyền thông phương Tây cho thấy, trong thời gian gần đây, kinh tế Nga đã ghi nhận nhiều dấu hiệu tích cực, có những chỉ số bùng nổ khiến chuyên gia châu Âu phải kinh ngạc.
1. GDP tăng 4,9%
Theo RuNews24, sau các lệnh trừng phạt của phương Tây, thương mại Nga đã "rung chuyển" tới mức tác động mạnh vào GDP của nước này.
Tuy nhiên, trong quý II năm 2023, GDP của Nga đã tăng 4,9%. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng thương mại vĩ mô là 11% (năm ngoái giảm 12,7%), trong đó giao dịch bán lẻ tăng 9% và giao dịch bán buôn tăng 12,5%
Yếu tố tiên quyết dẫn tới sự phục hồi này là mức tiêu tùng của người dân Nga gia tăng. Đây là kết quả từ việc thu nhập của người Nga tăng lên và họ bắt đầu từ bỏ mô hình tiết kiệm (giảm chi tiêu và tăng tiền gửi vào ngân hàng).
2. Khối lượng giao dịch ngoại thương tăng vượt bậc
RIA Novosti cho hay, theo thành tích ghi nhận từ tháng 1 đến tháng 8, giao dịch ngoại thương của Nga đã có sự gia tăng vượt bậc về khối lượng so với năm 2022, dù kim ngạch vẫn ở mức thấp hơn.
Giải thích về sự khác biệt này, Quyền Giám đốc Cục Hải quan Liên bang Nga Ruslan Davydov cho biết, kim ngạch thương mại phụ thuộc rất nhiều vào giá năng lượng.
"2/3 kim ngạch xuất khẩu đến từ các nguồn năng lượng" - Ông Davydov nói.
3. Kiềm chế tốt lạm phát
Theo hãng tin Reuters, tại EEF, Tổng thống Putin đã dành nhiều lời khen ngợi cho ngân hàng Nga khi kiềm chế tốt lạm phát bằng lãi suất 2 con số, đồng thời nhấn mạnh "không thách thức nào không thể vượt qua trong việc hạn chế biến động đồng rúp".
Chỉ mới vài tuần trước đó, đồng rúp còn sụt giảm quá 100 điểm so với đồng đô la, khiến Điện Kremlin lên tiếng khiển trách chính sách tiền tệ của ngân hàng. Ngày 15/8, Ngân hàng Trung ương Nga đã phải tiến hành họp khẩn, nâng lãi suất thêm 350 điểm cơ bản lên 12%
Ông Putin cho rằng, ngân hàng Nga đã có phản ứng "chính xác" và "kịp thời" trước sự sụt giảm của đồng rúp và tác động của nó đối với tình hình lạm phát.
Nhà lãnh đạo Nga đồng thời nhấn mạnh, chính quyền Nga đã có trong tay các công cụ để kiểm soát tiền tệ và thị trường, nhưng tạm thời sẽ không tiến hành động thái đột ngột nào để tác động tới tình hình biến động của đồng rúp.
"Nhìn chung, tôi không nghĩ có bất cứ vấn đề hay khó khăn nào mà hoàn toàn không thể vượt qua tại đây" - Ông Putin nói.
Tờ Business Insider cho hay, mặc dù thừa nhận vấn đề lạm phát gây khó khăn nghiêm trọng cho các doanh nghiệp trong nước nhưng trong năm qua, ông Putin đã nhiều lần nhấn mạnh tới khả năng phục hồi của kinh tế Nga, thể hiện sự thách thức, bất chấp các hạn chế thương mại và ngân sách quân sự tăng vọt ảnh hưởng đến tài chính của Moscow.
4. Công nghiệp phục hồi mạnh mẽ
Bloomberg dẫn dữ liệu từ Văn phòng thống kê Liên bang Nga cho thấy, ngành công nghiệp Nga đã có dấu hiệu phục hồi từ tháng 4 đến tháng 6 năm nay, tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Ba quý trước đó, tăng trưởng của ngành công nghiệp Nga chỉ ở mức tối thiểu hoặc sụt giảm.
Sản xuất công nghiệp đã tăng 10,6% trong quý II năm 2023, sau khi chỉ tăng trưởng 0,3% trong giai đoạn tháng 1 - tháng 3 và sụt giảm trong nửa cuối năm 2022.
5. Giữ ngôi thống lĩnh trong xuất khẩu lúa mì
Theo tờ Producer, cho tới thời điểm hiện tại, vị thế của Nga trong lĩnh vực xuất khẩu lúa mì vẫn chưa bị tổn hại do xung đột với Ukraine. Vì vậy, kim ngạch xuất khẩu lúa mì của nước này trong năm 2023-2024 dự kiến sẽ đạt mức cao kỷ lục.
Công ty tư vấn nông nghiệp IKAR của Nga tuần trước đã tăng dự báo sản lượng lúa mì của nước này từ 89,5 lên 91 triệu tấn. Bên cạnh đó, IKAR ước tính sản lượng xuất khẩu lúa mì của Nga sẽ tăng lên 49,5 triệu tấn.
Bộ Nông nghiệp Mỹ thì đưa ra ước tính nhỏ hơn, bao gồm sản lượng thu hoạch 85 triệu tấn và sản lượng xuất khẩu 48 triệu tấn. IKAR giải thích sự khác biệt này là do Bộ Nông nghiệp Mỹ không tính đến sản lượng từ các vùng ở Ukraine mà Nga vừa sáp nhập.
Nếu Nga đạt được thành tích như các dự báo trên thì nước này sẽ chiếm 23% các giao dịch thương mại lúa mì trên thế giới (tăng từ mức 21% của năm ngoái). Phần lớn lúa mì của Nga được xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Iran, Saudi Arabia, Sudan và Algeria.
6. Loạt tín hiệu thời hoàng kim trở lại
Dữ liệu của Viện nghiên cứu kinh tế Đức Kiel công bố ngày 7/9 cho thấy, trong tháng 8 vừa qua, lần đầu tiên khối lượng hàng hóa dỡ tại 3 cảng container lớn nhất của Nga "cao vọt đáng kinh ngạc", gần đạt mức trước thời điểm xung đột Ukraine bùng nổ tháng 2/2022.
Đáng nói, trong thời gian trước đó, lượng hàng đến cảng St. Petersburg - cảng container quan trọng nhất của Nga, đã giảm tới 90%.
"Không rõ nguồn hàng đến từ đâu, nhưng Nga dường như đang tái gia nhập thị trường thương mại thế giới" - Ông Vincent Stamer, chuyên gia về chỉ số thương mại của Kiel cho hay.
Một tín hiệu khác cho thấy Nga đang dần lấy lại vị thế trên thị trường là mức tăng trưởng ấn tượng về doanh số bán xe. Lần đầu tiên kể từ cuối năm 2021, thị trường quan trọng của nền kinh tế Nga mới ghi nhận một cột mốc kỷ lục như thế này.
Theo hãng tin RT, trong tháng 8/2023, doanh số bán xe đã đạt 110.000 chiếc, cao gần gấp 3 so với cùng kỳ năm 2022 và chỉ thấp hơn 10.000 chiếc so với tháng 8/2021 - thời kỳ trước khủng hoảng.
" Đây là lần đầu tiên kể từ cuối năm 2021, doanh số bán xe mới ở Nga vượt mốc 100.000 chiếc trong 1 tháng" - RT cho hay.
Tính từ đầu năm tới nay, người dân Nga đã mua 607.000 chiếc xe con mới, cao hơn 41% so với giai đoạn từ tháng 1 - tháng 8/2022, khi các thương hiệu phương Tây lần lượt rút khỏi Nga.