Tuy nhiên, phần lớn số chung cư mini, nhà cho thuê trọ tại TPHCM đều là các ngôi nhà cao tầng kiểu nhà “ống”, ẩn sâu trong các hẻm nhỏ, có đông người lưu trú, không bảo đảm các quy định về phòng, chống cháy nổ nên tiềm ẩn nhiều rủi ro.
“Loằng ngoằng” đường thoát hiểm
Sáng 13/9, phóng viên Chuyên đề Công an TPHCM trong vai người có nhu cầu thuê phòng ở các chung cư mini để có cuộc khảo sát thực tế về công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại những công trình này. Nhiều câu chuyện “dở khóc – dở cười” đã được phóng viên ghi nhận. Qua lời giới thiệu tìm người ở ghép, phóng viên có mặt tại một căn trọ nằm trên đường số 7 (P.Tân Tạo A, Q.Bình Tân) trực tiếp tìm hiểu. Công trình này là một ngôi nhà 4 tầng kiểu “ống, hộp”. Mỗi một lầu được chủ nhà chia thành 7 phòng và hiện có hơn 50 con người cùng chung sống.
Dù có đông người ở là thế song lối ra vào duy nhất của nhà trọ kiểu chung cư mini này chỉ là một cánh cửa rộng chừng 1,5m, luôn trong tình trạng chật kín xe, cộ. Ngay tại cổng vào, chủ nhà dán thông báo nơi đây có 2 lối thoát hiểm: lối thứ nhất là cổng ra vào, lối còn lại được chủ nhà hướng dẫn đi thẳng lên lầu cao nhất.
Theo bảng chỉ dẫn tìm lối thoát hiểm thứ 2, chúng tôi men theo cầu thang sắt nhỏ, ngoằn ngoèo lên tầng 4. Thế nhưng, tại tầng cao nhất lại không có bất kỳ lối thoát hiểm nào, chỉ có tấm giấy hướng dẫn ghi “lối thoát hiểm nằm ở tầng trệt”.
Qua quan sát, bốn bề của khu trọ này được vây kín bởi tôn và lưới sắt B40, không có khoảng hở. Phải tìm kỹ, chúng tôi mới thấy các bình cứu hỏa nằm khuất sau đồ dùng sinh hoạt hỗn độn của người thuê. Chúng tôi tiếp tục ghi nhận tại một căn nhà trọ 4 tầng kiểu chung cư mini, nằm sâu trong một con hẻm trên đường Nguyễn Xí (P.26, Q.Bình Thạnh).
Sau khi cất công tìm lối thoát hiểm ở tầng cao nhất, chúng tôi đành từ bỏ ý định vì lối thoát là một cánh cửa được khóa chặt, phía sau cánh cửa này không có bất kỳ lối thoát nào mà chỉ là một trụ phát sóng tín hiệu của nhà mạng viễn thông.
Khảo sát tại một căn trọ 4 lầu với 18 phòng cho thuê nằm trong hẻm 48 (đường ĐHT 26, P.Đông Hưng Thuận, Q12), chúng tôi nhận thấy dù có 4 tầng với hàng chục người sinh sống nhưng lối ra vào của nhà trọ chỉ là một cánh cửa nhỏ. Lối di chuyển bên trong căn nhà bít bùng bởi đồ đạc, xe cộ. Chỉ cần phát sinh sự cố hỏa họa, việc thoát hiểm đối với cư dân tại đây sẽ trở nên khó hơn bao giờ hết.
Hiện nay, tại TPHCM, khu vực tập trung nhiều căn nhà trọ cho thuê dưới kiểu chung cư mini tập trung nhiều ở Q.Bình Thạnh (khu vực các phường 25, 26, 27…), Q4, Q.Tân Bình, Q.Bình Tân và Q12. Thực chất, các khu nhà ở cho thuê này chỉ là những căn nhà phố thông thường, được chủ kinh doanh trang trí, đẹp mắt để cho thuê với mức phí cao hơn. Tuy nhiên, công tác bảo đảm an toàn về PCCC đối với loại hình trên lại không được chủ cơ sở và người thuê trọ thật sự quan tâm.
Loại hình nhà trọ, phòng trọ, “chung cư mini”... hiện tương đối nhiều, nguy cơ phát sinh cháy nổ cao, do đa phần là dân lao động, công nhân, học sinh, sinh viên... thuê trọ sinh sống và học tập. Nhiều người ăn, ngủ, sinh hoạt, nấu nướng trong một không gian hẹp, chứa nhiều vật dụng gia đình dễ bắt cháy, đồng thời việc câu mắc điện không bảo đảm an toàn PCCC cũng là nguyên nhân của nhiều vụ cháy tại nhà trọ, phòng trọ, chung cư mini...
Nhiều nhà trọ, chung cư mini nằm trong các hẻm sâu, hẹp, cách xa nguồn nước, không bảo đảm các điều kiện về an toàn PCCC như: lối thoát nạn, bố trí, sắp xếp vật dụng, hàng hóa... Đặc biệt, chủ nhà trọ cũng như người thuê trọ chưa nhận thức được những nguy cơ tiềm ẩn gây cháy, nổ có thể gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản. Người thuê còn chủ quan, lơ là và bất cẩn trong việc sử dụng các thiết bị điện trong sinh hoạt, đặc biệt là sạc pin các thiết bị điện như điện thoại, xe máy điện, đạp điện, bình ắc quy... xuyên đêm, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.
Tránh lặp lại vết xe đổ
Hình ảnh về vụ hoả hoạn xảy ra tại Hà Nội và hàng loạt các vụ hỏa hoạn khác có liên quan tới các cư xá, chung cư cũ, các khu tập thể được phóng viên Chuyên đề Công an TPHCM chia sẻ với anh Nguyễn Hậu, là cư dân sinh sống tại chung cư 1B Nguyễn Đình Chiểu (P.Đa Kao, Q1). Câu chuyện càng "nóng” hơn khi căn hộ tại tầng 2 chung cư 1B của anh Hậu hiện cũng bị bao kín bởi nhiều lớp rào sắt, bít bùng.
Theo lý giải của chủ căn hộ, việc anh và các hộ dân ở đây lắp đặt các rào sắt giúp phòng, chống trộm, có nơi phơi đồ và tăng thêm diện tích sử dụng. Dù lợi ích trước mắt là vậy song anh Hậu cũng ý thức rõ việc làm này sẽ gây khó khăn cho việc cứu hộ cứu nạn nếu phát sinh hỏa hoạn.
Ngoài chung cư 1B Nguyễn Đình Chiểu, nhiều khu cư xá, chung cư, tập thể cũ tại khu vực Q5, Q3 cũng có tình trạng tương tự. Ghi nhận tại chung cư cũ Nguyễn Thiện Thuật (P1, Q3), dọc theo hành lang di chuyển là lớp lớp dây điện, dây cáp viễn thông chằng chịt, đan xen vào nhau thành từng búi khổng lồ. Tình trạng này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn về điện, cháy nổ…
Còn tại khu chung cư cũ Ngô Gia Tự, Trần Nhân Tôn (P2, Q5), khu cư xá Thanh Đa (P27, Q.Bình Thạnh), toàn bộ các căn nhà ở đây gần như được bịt kín bởi những lớp rào sắt như “chuồng cọp”. Thậm chí, phía trước lối ra vào của các công trình này đều bị bịt kín bởi lớp lớp phương tiện cá nhân của cư dân. Chỉ cần phát sinh sự cố bất ngờ, chính những chướng ngại vật này sẽ trở thành rào cản, chặn đứng lối thoát hiểm của người dân.
Hiện nay, TP vẫn còn hơn 194 chung cư, cư xá trên địa bàn (chiếm tỷ lệ 25,1%) chưa thực hiện các giải pháp theo Nghị quyết số 23 (không bảo đảm các quy định về PCCC). Tỷ lệ các công trình công cộng không bảo đảm các nguyên tắc cơ bản về phòng, chống cháy nổ hiện nay khiến mối lo về an toàn cháy nổ khi xảy ra sự cố về lửa càng lớn hơn bao giờ hết. Vấn đề này đã liên tục được đưa ra thảo luận trong suốt một thời gian dài, song đến nay các đơn vị quản lý có thẩm quyền vẫn còn loay hoay.
Đại diện một số sở ban, ngành nhận định, nguyên nhân chính khiến việc sửa chữa, trang bị các hệ thống cảnh báo cháy, thiết bị PCCC cho các công trình này đến từ việc không có Ban quản trị và Ban quản lý chung cư nên việc kêu gọi nguồn kinh phí cải tạo, sửa chữa, lắp đặt các hệ thống PCCC đối với cư dân gần như không thể thực hiện được.
Bên cạnh đó, do một số công trình đang nằm trong diện giải tỏa, xây mới, thiếu nguồn vốn duy tu, sửa chữa. Tại các khu chung cư cũ, kết cấu, cơ sở hạ tầng xuống cấp nên hầu như không được trang bị phương tiện, hệ thống PCCC. Hệ thống cấp nước chữa cháy dù có nhưng do thời gian dài không được bảo trì, bảo dưỡng nên xảy ra tình trạng xuống cấp hư hỏng, không còn tác dụng.
Đại diện UBND Q5, địa phương có nhiều khu chung cư, cư xá cũ được đưa vào sử dụng trước năm 1975 cho biết, hiện trên địa bàn Q5 còn đến 52 chung cư chưa bảo đảm an toàn PCCC đưa vào hoạt động trước khi Luật PCCC 2001 có hiệu lực. Qua khảo sát hiện trạng, có tới 35/51 chung cư đã xuống cấp, cần lắp đặt, trang bị hệ thống họng nước chữa cháy vách tường, hồ nước để bảo đảm theo quy định hiện hành.
Trước thực trạng này, UBND Q5 mong muốn, nhận được thêm nhiều hướng dẫn, hộ trợ đến từ UBND TPHCM bên cạnh sự đồng hành của các Sở, ngành liên quan nhằm đẩy nhanh công tác thẩm định, duyệt kinh phí cho 52 chung cư. Kinh phí dự toán để cải tạo hệ thống PCCC vào khoảng hơn 81 tỷ đồng.
Xem thêm: lmth.665251_poc-gnouhc-ort-ahn-uhk-inim-uc-gnuhc-gnuhn-ut-on-yahc-aoh-meih/gnos-iod/nv.moc.nagnoc