Đàm phán Tuyên bố chung với thiện chí
Nhắc lại câu nói của Tổng thống Mỹ Joe Biden, chiều 14-9, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc khẳng định Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững đã "mở ra kỷ nguyên mới" trong quan hệ hợp tác giữa hai nước.
"Vì vậy, quá trình đàm phán, trao đổi tuyên bố chung diễn ra sôi nổi, hào hứng, và cũng có phần kịch tính", ông Ngọc tiết lộ.
Đó chính là quá trình hai bên cùng rà soát lại 10 năm quan hệ Đối tác toàn diện, khẳng định lại những nguyên tắc cơ bản trong quan hệ và đưa ra những phương hướng lớn trong hợp tác cho hai cả hai nước trong 10 năm tới và lâu hơn nữa.
"Nhìn lại quá trình đàm phán và đi đến thống nhất được tuyên bố chung, cái toát lên ở đây là sự thiện chí ở cả hai bên. Cả phía ta và Mỹ đều thể hiện tinh thần cầu thị, lắng nghe, tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau, cố gắng để phát huy được tối đa những lĩnh vực mà hai bên đều có cùng lợi ích.
Hai bên cũng có chung ý chí là hướng tới để làm sao phục vụ cho hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững của khu vực và thế giới", Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nói.
Mỹ coi trọng Việt Nam, nỗ lực cho chuyến thăm
"Chuyến thăm diễn ra được đã là một thắng lợi. Để thực hiện chuyến thăm Việt Nam, phía Mỹ đã có những nỗ lực vượt bậc, chưa có tiền lệ, thay đổi cả chương trình đối ngoại của tổng thống và phó tổng thống", Thứ trưởng Hà Kim Ngọc chia sẻ với báo giới.
Ban đầu ông Biden mời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ nhưng do điều kiện chưa cho phép nên không thể thực hiện. Nhận lời mời của Tổng bí thư, ông Biden đã giao Phó tổng thống Kamala Harris thay ông dự Hội nghị cấp cao Đông Á. Bản ông cũng cắt ngắn hoạt động G20 tại Ấn Độ để thăm Việt Nam.
Dù thời gian thăm ngắn nhưng ông Biden đã có cuộc gặp với tất cả bốn lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam. Đây cũng lần đầu tiên một tổng thống Mỹ đến tòa nhà Quốc hội, hội kiến Chủ tịch Quốc hội và chứng kiến lễ trao kỷ vật chiến tranh của các cựu binh.
"Điều đó thể hiện sự tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam, tôn trọng các nhà lãnh đạo Việt Nam không chỉ trong văn bản mà còn trên thực tế", ông Ngọc nhấn mạnh
Lễ đón cấp Nhà nước trọng thể tại Phủ Chủ tịch, công tác đảm bảo an ninh, an toàn của Việt Nam cũng để lại ấn tượng sâu sắc với phía Mỹ.
"Tổng thống Biden và thành viên trong đoàn rất ấn tượng, xúc động và hài lòng với kết quả chuyến thăm, cũng rất nhiều lần bày tỏ lòng biết ơn với Tổng bí thư, lãnh đạo và nhân dân Việt Nam đã dành cho đoàn sự đón tiếp trọng thị, chu đáo, thân tình và rất mến khách", ông Ngọc chia sẻ.
Lợi ích cho Việt - Mỹ và khu vực
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao từng là đại sứ Việt Nam tại Mỹ đánh giá việc xác lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện mang lại lợi ích cả lâu dài và trước mắt cho cả hai phía.
Việt Nam có cơ hội và điều kiện thuận lợi để đưa quan hệ với Mỹ đi vào chiều sâu, hiệu quả và thực chất hơn, phục vụ thiết thực cho mục tiêu phát triển, duy trì môi trường quốc tế hòa bình, ổn định, nâng cao vị thế, uy tín đất nước đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Đối với Mỹ, đây cũng điều kiện rất thuận để tăng cường quan hệ với Việt Nam, qua đó tăng cường các nước Đông Nam Á và ASEAN, phát huy vai trò và vị thế của Mỹ ở khu vực.
Khuôn khổ quan hệ mới sẽ củng cố sự đồng thuận giữa hai đảng ở Mỹ với Việt Nam, làm chính sách của Mỹ với Việt Nam ổn định, bền vững và dễ đoán định hơn dù đảng nào ở Mỹ lên cầm quyền.
Với quan hệ hai nước nói chung, khuôn khổ quan hệ mới tiếp tục tăng cường hiểu biết lẫn nhau, xây dựng, củng cố lòng tin - nền tảng rất quan trọng trong nhiều năm tới. Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Mỹ còn hướng tới phục vụ hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững trong khu vực.
Việc nâng cấp quan hệ vs Mỹ mang ý nghĩa vượt ra khỏi khuôn khổ song phương. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có quan hệ ở cấp Đối tác chiến lược với tất cả năm thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc (Trung Quốc, Nga, Mỹ, Anh, Pháp).
Những năm gần đây, Việt Nam cũng phát triển đồng đều và tăng cường hợp tác với các nước láng giềng, các nước trong khu vực, các nước lớn, đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống như Nga, Trung Quốc, Campuchia, Lào, Cuba, Ấn Độ.
Điều này giúp Việt Nam tạo thế trận đối ngoại vững chắc, rộng mở, linh hoạt hơn, có dư địa để phát triển với tất cả các đối tác, đánh dấu sự trưởng thành của đối ngoại Việt Nam.
Để triển khai hiệu quả Tuyên bố chung, ông Ngọc cho biết cần tận dụng các cơ chế, khuôn khổ sẵn có và những cơ chế, khuôn khổ sẽ được thiết lập trong thời gian tới. Bên cạnh, hai nước cần đề ra các mục tiêu cụ thể để triển khai, có đánh giá, kiểm điểm việc thực hiện.
Ông Ngọc nêu các lĩnh vực ưu tiên bao gồm: Trao đổi đoàn cấp cao, các chuyến thăm lẫn nhau, các cuộc tiếp xúc bên lề các hội nghị khu vực và quốc tế; Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư trên nền đổi mới sáng tạo, khoa học - công nghệ; Hợp tác giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Việc nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ lên Đối tác chiến lược toàn diện là một minh chứng thuyết phục với các nước trên thế giới về thành quả của một quá trình gây dựng lòng tin, sự hợp tác bền bỉ, chân thành và hiệu quả của công tác ngoại giao.