vĐồng tin tức tài chính 365

Được giá, nông dân bán “lúa non”

2023-09-15 09:31

Giá lúa cao kỷ lục 

8.000-8.200 đồng/kg là mức giá mà nhiều thương lái “chốt” trước với nông dân các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, TP Cần Thơ… để mua lúa vụ thu đông năm 2023. 

Chị Lâm Thị Thơm - ở xã Đông Bình, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ - cho hay, nông dân xã này thường canh tác mỗi năm 3 vụ lúa, trong đó vụ thu đông (lúa vụ ba) thường bị ảnh hưởng của thời tiết và giá cả cũng không cao. Riêng năm nay, lúa vừa xuống giống thì thương lái đã tìm đến tận ruộng để đặt cọc mua với giá từ 8.000 đồng trở lên mỗi kg, cao nhất từ trước tới nay. Vụ thu đông này, gia đình chị Thơm canh tác gần 3ha lúa. Do thấy được giá nên chị đồng ý bán sớm (bán lúa non) với giá 8.200 đồng/kg, mức lời khá cao. 

Thương lái ở tỉnh An Giang thu mua lúa hàng hóa để bán cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo
Thương lái ở tỉnh An Giang thu mua lúa hàng hóa để bán cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo

Anh Lâm Văn Hùng - ở xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang - phấn khởi: “Gia đình tôi có nhiều đời làm lúa nhưng chưa bao giờ thấy giá lúa cao như thế này”. Theo anh Hùng, khi lúa thu đông vừa xuống giống được 3-4 tuần, thương lái đã hỏi mua. Lúc đầu, giá mua khoảng 7.000-7.200 đồng/kg, cao hơn các năm nên một số hộ đã “bán lúa non” cho thương lái và nhận tiền cọc khoảng 3 triệu đồng/ha. Không ngờ, sau đó giá lúa tiếp tục tăng lên hơn 8.000 đồng/kg khiến các hộ bán sớm lúa tiếc. Nhà anh Hùng đã bán sớm gần 2ha lúa với giá 7.000 đồng/kg, may mà thương lái chịu điều chỉnh giá lên 7.500 đồng/kg. 

Ở tỉnh Hậu Giang, nông dân các huyện đã xuống giống hơn 25.000ha lúa vụ thu đông và một số hộ cũng đã “bán lúa non” để lấy tiền mua phân bón, thuốc trừ sâu, chi tiêu hằng ngày. Chị Trần Thị Hằng (huyện Long Mỹ) cho biết thêm, nông dân không thể nắm được diễn biến giá nên khi thấy giá tốt, có lời nhiều thì bán sớm để lấy tiền trước cho chắc. 

Hiện giá lúa hàng hóa ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khoảng 8.000-8.200 đồng/kg tùy giống, riêng lúa Nàng Nhen (khô) khoảng 15.000 đồng/kg. Gạo thơm Jasmine có giá khoảng 16.000-18.500 đồng/kg, gạo Hương Lài 19.500 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 19.000 đồng/kg, gạo thơm Thái hạt dài 18.000-20.000 đồng/kg, gạo thơm Đài Loan 21.000 đồng/kg, gạo Nhật 22.000 đồng/kg, gạo Nàng Nhen 23.000 đồng/kg.

Cần hướng phát triển bền vững hơn 

Trong 8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo của tỉnh Kiên Giang đạt 202 triệu USD, tăng 7,35% so với cùng kỳ năm trước; tỉnh Sóc Trăng đạt 275 triệu USD, tăng 16,58%; các địa phương khác ở vùng ĐBSCL cũng đạt kết quả khả quan. Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 3,17 tỉ USD, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2022. Giá các loại gạo xuất khẩu của nước ta đạt bình quân hơn 640 USD/tấn, cao nhất từ trước đến nay.

Xuất khẩu gạo thuận lợi đã đẩy giá lúa ở ĐBSCL tăng cao chưa từng thấy. Việc bán “lúa non” giúp nông dân được giá, sớm có một khoản tiền nhưng cũng kéo theo một số hệ lụy. 

Ông Huỳnh Phú Lộc - ở huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp - kể: “Tôi làm thương lái, thu mua lúa khắp các tỉnh trong vùng, sau đó xay xát gạo để cung ứng cho các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu. Từ tháng Tám, tôi đã đặt cọc mua “lúa non” với giá ban đầu từ 7.000 đồng trở lên/kg tùy giống. Sang tháng Chín, khi giá lúa lên hơn 8.000 đồng/kg thì một số hộ đã tự ý “bẻ kèo”, chấp nhận đền bù hợp đồng 6 triệu đồng/ha, trong đó có 3 triệu đồng tiền cọc”. 

Theo chủ một số DN kinh doanh lúa gạo, tình trạng nông dân “bẻ kèo” khi giá lúa tăng cao từng xảy ra trong nhiều năm qua. Về cơ bản, 2 bên đã ký hợp đồng ràng buộc, có điều khoản đền bù nhưng thực tế, DN cũng không muốn làm khó nông dân. Tuy nhiên, nếu cứ để tình trạng này xảy ra thì DN khó chủ động nguồn lúa gạo ổn định.

Theo Bộ NNPTNT, giá lúa gạo sẽ không đứng mãi ở mức cao mà phụ thuộc nhu cầu của thị trường thế giới. Do đó, khi giá đang cao, ngoài việc tận dụng tối đa cơ hội để gia tăng xuất khẩu gạo, cần tổ chức lại sản xuất một cách bài bản, trong đó phải chủ động triển khai các giải pháp để giảm chi phí đầu vào. Thời gian qua, nhờ ứng dụng quy trình canh tác hợp lý, tiết kiệm nước, giống, phân, ứng dụng cơ giới hóa vào đồng ruộng… chi phí đầu vào đã giảm khoảng 20 - 25%. Để tiếp tục giảm chi phí đầu vào, cần mạnh dạn chuyển đổi từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang liên kết để sản xuất trên quy mô lớn với sự tham gia của nhiều thành phần.

Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NNPTNT - nói: “Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy, ở ĐBSCL có 3 hình thức liên kết tiêu thụ lúa gạo. Trong đó, số nông dân bán lúa gạo trực tiếp cho DN chỉ chiếm 12,1% tổng sản lượng; nông dân bán lúa thông qua thương lái chiếm tới 50%; và 37,9% còn lại là nông dân bán lúa qua hợp tác xã có ký kết với DN. Trong 180 DN có đủ điều kiện xuất khẩu lúa gạo ở vùng đồng bằng này thì chỉ khoảng 50 DN có ký liên kết với các hợp tác xã và đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu. Điều này chứng tỏ sự liên kết còn thấp và cần nhanh chóng thay đổi”. 

Ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ NNPTNT - cho biết bộ đang triển khai đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao theo hướng tăng trưởng xanh, tuần hoàn, giảm phát thải. Mục tiêu của đề án là chuyên nghiệp hóa ngành hàng lúa gạo, hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, nâng cao tri thức cho nông dân, nâng cao năng lực quản trị cho các hợp tác xã nông nghiệp để liên kết bền vững với DN kinh doanh lúa gạo. Bộ đang phối hợp với các đơn vị liên quan tạo dựng hình ảnh ngành hàng lúa gạo minh bạch, trách nhiệm, bền vững, làm tiền đề cho việc tạo dựng thương hiệu lúa gạo ĐBSCL. 

Đồng bằng sông Cửu Long bội thu 

Ngày 14/9, Bộ NNPTNT đã phối hợp với UBND TP Cần Thơ tổ chức hội nghị về sản xuất lúa ở ĐBSCL. 

Theo Bộ NNPTNT, sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL năm 2023 thành công ở nhiều mặt. Diện tích sản xuất lúa toàn vùng ước đạt 3,81 triệu ha (tăng hơn 13.100ha so với cùng kỳ năm 2022), năng suất đạt 6,28 tấn/ha (tăng 0,88 tấn/ha); sản lượng gần 24 triệu tấn (tăng 416.000 tấn). Đặc biệt, giá lúa tăng mạnh từ cuối vụ hè thu 2023 đến nay. Các DN tăng cường liên kết với nông dân bao tiêu thu mua lúa theo giá thị trường hoặc giá cố định ngay từ đầu vụ giúp nông dân an tâm sản xuất. 

Ông Nguyễn Ngọc Hè - Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ - cho biết năm 2023, Cần Thơ xuống giống 216.215ha lúa; riêng vụ thu đông đã xuống giống 68.231ha, tăng hơn 1.392ha so cùng kỳ. “Giá lúa gạo cao, người trồng lúa vui mừng, ổn định sản xuất, kết quả này góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế của địa phương” - ông Nguyễn Ngọc Hè nói. 

Theo Sở NNPTNT tỉnh Long An, tình hình tiêu thụ lúa các vụ trong năm tương đối thuận lợi; giá bán các nhóm lúa chất lượng cao, lúa thơm, nếp… đều tăng từ 500-2.800 đồng/kg so cùng kỳ. 

Ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam - cho biết, đến nay cả nước đã xuất khẩu khoảng 5,8 triệu tấn gạo, tăng hơn 20% so cùng kỳ; ước cả năm 2023 sẽ xuất khẩu trên 7 triệu tấn gạo. Hiện nhu cầu thị trường tiêu thụ gạo trên thế giới khá cao do nguồn cung hạn hẹp. Điển hình như Indonesia có nhu cầu nhập gạo số lượng lớn; Philippines có khả năng giảm thuế nhập khẩu gạo từ 35% xuống còn 10%; Trung Quốc bị thất mùa nên khả năng sẽ đẩy mạnh nhập khẩu gạo thời gian tới… Hiện nguồn cung xuất khẩu gạo của Việt Nam không còn dồi dào; do đó giá lúa vẫn có khả năng giữ vững ở mức như hiện nay cho đến khi Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo. Tình hình xuất khẩu gạo những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024 sẽ tiếp tục thuận lợi, là điều kiện tốt cho nông dân an tâm sản xuất vụ mới.

Ông Hoàng Trung - Thứ trưởng Bộ NNPTNT - cho hay, theo kế hoạch vụ đông xuân 2023-2024, toàn vùng gieo sạ hơn 1,47 triệu ha lúa, năng suất ước đạt 7,2 tấn/ha, tăng 0,04 tạ/ha; sản lượng 10,65 triệu tấn. Do ảnh hưởng của El Niño, lượng mưa thiếu hụt ở hầu hết các nơi trên khu vực Nam Bộ; mức độ sử dụng nước trên khu vực thượng nguồn cũng gia tăng, nên khả năng thiếu hụt nguồn nước ngọt trong mùa khô 2023-2024 ở ĐBSCL là rất lớn. Do đó, để vụ đông xuân tới thành công, Bộ NNPTNT lưu ý các địa phương chủ động thời vụ xuống giống hợp lý cho từng khu vực. Có giải pháp ứng phó xâm nhập mặn sớm và sâu hơn, không để ảnh hưởng sản xuất lúa. Tăng cường liên kết giữa nông dân và DN nhằm ổn định đầu ra và chủ động nguồn hàng cho xuất khẩu…

Huỳnh Lợi - Thanh Lâm

Huỳnh Lợi

Xem thêm: lmth.6701051a-non-aul-nab-nad-gnon-aig-coud/nv.moc.enilnounuhp.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“ Được giá, nông dân bán “lúa non” ”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools