Nhận định được ông Lê Minh Khái đưa ra tại Diễn đàn kinh tế TP HCM 2023, chủ đề "Tăng trưởng xanh - hành trình hướng tới giảm phát thải ròng bằng 0" sáng 15/9.
Theo Phó thủ tướng, tăng trưởng xanh được hiểu là mô hình phát triển nhằm đảm bảo hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bền vững về môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, sử dụng hiệu quả tài nguyên, cân đối giữa mục tiêu giảm phát thải phù hợp với quy mô kinh tế.
Trong đó, ông cho rằng TP HCM là nơi tốt nhất để thử nghiệm các chính sách thúc đẩy kinh tế xanh, tuần hoàn nhờ đặc thù về đô thị, quy mô dân số và tính năng động của nền kinh tế. Đây là địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất, đóng góp một phần năm GDP quốc gia, hơn một phần tư thu ngân sách, dẫn đầu về thu hút FDI và xuất - nhập khẩu, chiếm gần 30% số doanh nghiệp cả nước. Thuận lợi còn ở chỗ Thành phố đã được quốc hội thông qua Nghị quyết 98 thí điểm một số cơ chế đặc thù.
Nhưng TP HCM cũng phát thải khí nhà kính lớn nhất, khoảng 57,6 triệu tấn - chiếm 23,3% cả nước. "Về cơ bản, nền kinh tế thành phố chủ yếu phát triển theo hướng tuyến tính và chưa được xanh hóa", ông Khái nhìn nhận.
Phó thủ tướng đề nghị các bộ ngành liên quan, gồm Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư, Tài nguyên - Môi trường, và các bộ ngành khác lắng nghe, trao đổi về các ý kiến, bài học kinh nghiệm, đề xuất của doanh nghiệp. Theo chức năng thẩm quyền, quy định pháp luật, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện nhanh các cơ chế chính sách, hỗ trợ, các tiêu chí xanh và các mô hình doanh nghiệp.
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên xác nhận mô hình tăng trưởng kinh tế truyền thống không còn là lựa chọn tối ưu. Do vậy, thành phố đã chuyển hướng, đang hoàn thiện "Khung chiến lược phát triển xanh đến năm 2030 tầm nhìn 2050".
Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Thành phố - đơn vị tham gia xây dựng khung chiến lược, cho hay những năm gần đây, kinh tế TP HCM có xu hướng chậm lại nên cần tìm kiếm động lực tăng trưởng mới, trong đó có kinh tế xanh và kinh tế số.
Để phát triển kinh tế xanh, Thành phố đã có chủ trương, chính sách các cấp nhưng ông An cho rằng phần lớn mang tính chất định hướng, chưa có hỗ trợ cụ thể. Hai lĩnh vực quan trọng cần chuyển đổi là năng lượng và giao thông còn nhiều vấn đề phải tháo gỡ.
Theo đó, nguồn cung điện mặt trời mới chiếm 7% cho TP HCM. Biểu giá năng lượng tái tạo chưa hấp dẫn và cần thay đổi thu hút nhà đầu tư. Tỷ lệ xe điện rất thấp, xe buýt có xu hướng giảm dù được trợ giá. Ngoài ra, thị trường tiêu dùng xanh còn nhỏ, công nghệ và tính liên kết yếu. Thị trường tái chế chất thải hình thành nhưng vướng giấy phép, tính pháp lý.
Trong bối cảnh nguồn vốn để tăng trưởng xanh là rất lớn nhưng ngân sách hạn hẹp, ông An cho rằng cần đưa nguồn vốn xanh vào chương trình kích cầu để thu hút đầu tư, mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài, tìm kiếm hỗ trợ từ các tổ chức tài chính quốc tế. Nghị quyết 98 cho phép TP HCM thí điểm thị trường carbon nhưng phương thức, tiêu chuẩn để kết nối với thị trường thế giới cần xây dựng.
Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cho rằng việc TP HCM lựa chọn tiên phong phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn, kinh tế số là phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Để tạo điều kiện thuận lợi, các chủ trương, chính sách chung cần sớm được thể chế hóa trong thực tiễn. Ban kinh tế Trung ương sẽ đồng hành với TP HCM nghiên cứu xây dựng các cơ chế đặc thù để phát triển kinh tế xanh.
Trong quá trình triển khai, ông Hiển khuyến nghị TP HCM ưu tiên các ngành công nghiệp số, sinh học, bán dẫn, công nghệ cao. Để củng cố khả năng huy động vốn, Trung ương cần quan tâm hỗ trợ Thành phố đẩy nhanh đề án xây dựng trung tâm tài chính quốc tế. Việc phát triển tài chính xanh, các cơ chế tài chính khí hậu, phát hành trái phiếu xanh cần được TP HCM và ngành ngân hàng chủ động hơn trong bối cảnh dư nợ tín dụng xanh còn thấp.
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, các chuyên gia cho rằng công nghệ tiên tiến và chính sách rõ ràng sẽ là chìa khóa mở ra tăng trưởng xanh.
Ông Yasuo Takahashi, Nguyên Thứ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản, Giám đốc điều hành Viện chiến lược môi trường toàn cầu (IGES) cho biết ứng dụng công nghệ mới sẽ tách rời được quan hệ tương quan giữa phát thải khí nhà kính và tăng trưởng kinh tế , khiến chúng không còn là hai đường tuyến tính song song.
"Kinh nghiệm của chúng tôi là cần có sự hợp tác đồng bộ giữa các bộ ngành trung ương với nhau, từ thương mại, công nghiệp, lâm nghiệp, môi trường và chính quyền địa phương. Nhiều địa phương tại Nhật Bản có mục tiêu cao hơn mục tiêu chung quốc gia về tăng trưởng bền vững", ông nêu thêm.
Bà Tôn Minh, Phó chủ tịch Nhân đại Thượng Hải (Trung Quốc), cho biết Thành phố Thượng Hải thiết lập hệ thống tài chính xanh để thu hút nhiều vốn hơn cho các ngành công nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi xanh chủ yếu trong giao thông, công nghiệp.
Theo bà, hiện nơi đây tích lũy được 240 triệu tín chỉ carbon. Họ xây dựng hệ thống năng lượng mới hiệu quả hơn, phi hóa thạch, phát triển điện mặt trời, điện gió ngoài khơi, đặt giới hạn tiêu dùng nhiên liệu hóa thạch, và ứng dụng công nghệ lưu trữ năng lượng, năng lượng hydro, lưới điện nhỏ thông minh.
Trong công nghiệp, thành phố này phát triển hệ thống kỹ thuật số xanh tiên tiến, các mạch tích hợp, tạo động lực mới để ngành công nghiệp truyền thống xanh hơn như tối ưu hóa quy trình ngành thép, hóa dầu và khai thác sâu hơn khả năng tiết kiệm và sản xuất năng lượng trong ngành này.
Với hạ tầng, bà cho biết các tòa nhà mới phải đáp ứng tiêu chuẩn xanh. Về giao thông đang có 1,2 triệu ôtô điện phạm vi di chuyển ngắn hoạt động và ưu tiên phương tiện công cộng. Thượng Hải có hệ thống đường sắt nội đô lớn nhất thế giới với hơn 800 km và đặt mục tiêu 1.000 km vào 2035. Nơi đây cũng gần như không có bãi chôn lấp chất thải rắn, có quy định hỗ trợ pháp lý cho phân loại rác thải, phân loại tài nguyên 3 cấp độ.
Ông Jeremy Jurgens, Giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cũng đánh giá cao vai trò của ứng dụng tiến bộ công nghệ trong quá trình khử carbon khỏi nền kinh tế. "Với ngành sản xuất, Việt Nam đã cam kết trung hòa carbon vào 2050 nhưng chỉ khoảng 10% GDP đầu tư vào nỗ lực này, nên việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thúc đẩy tiến trình nhanh hơn", ông nói.
Tại diễn đàn, WEF và TP HCM cũng chính thức công bố hợp tác. Trong đó, WEF sẽ thành lập Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 tại Thành phố. Đây là thành viên của mạng lưới Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
Viễn Thông