Trước giờ, các vở diễn kịch nói dành cho thiếu nhi được xem là khan hiếm. Và những sân chơi dành riêng để các em có thể biểu diễn và phát triển năng khiếu lại càng hiếm hơn.
Liên hoan năm nay đã phần nào giúp tạo ra một sân chơi để các em có thể giao lưu về văn hóa, nghệ thuật và tham gia trình diễn để thể hiện khả năng của mình.
Kịch bản cho thiếu nhi còn hạn chế
Sân khấu kịch thiếu nhi Búp sen hồng do đạo diễn Lê Hay tổ chức thực hiện có một tiểu phẩm tham gia vào liên hoan.
Trả lời Tuổi trẻ Online, Lê Hay cho biết việc xây dựng những vở diễn để các em thiếu nhi trình diễn không phải là dễ.
"Kịch bản dành cho thiếu nhi rất hạn chế. Để viết được kịch bản cho thiếu nhi thì người viết cần phải có vốn sống, phải hiểu về tâm lý, hành vi, ứng xử của các em trong độ tuổi đó. Người viết đôi khi chỉ có thể lấy vốn sống từ con cái mình" - tác giả Lê Hay nói.
Anh cho biết thêm kịch bản dành cho các em biểu diễn cần phải đơn giản, dễ thuộc, nhẹ nhàng vì ở độ tuổi của các em rất khó để truyền tải những thông điệp cần sự sâu sắc và trải nghiệm nhiều.
Đạo diễn Duy Hưng dựng vở kịch lịch sử Bên dòng sông yên tham gia vào liên hoan năm nay chia sẻ, việc tìm kiếm diễn viên thiếu nhi phù hợp với kịch bản cũng là một trở ngại.
Ông nói: "Vì nguồn lực diễn viên thiếu nhi tại các trường học không có sẵn, đa số đến từ các nhà văn hóa thiếu nhi. Các em ở nhà trường tập trung tối đa cho việc học nên nếu có năng khiếu, niềm đam mê với kịch nói thì cũng khó được phát hiện".
Mong có nhiều sân chơi kịch nói thiếu nhi
Năm nay, có 22 tiểu phẩm tham gia vào liên hoan như: Tình bạn (tác giả: Lê Hay), Lời chưa nói (được cảm tác từ Quyển nhật ký bị bỏ quên của nhà văn Kim Hải, kịch bản và đạo diễn: Bi Phương), Hoa ước nguyện (tác giả: Minh Trí)…
Nội dung của các vở diễn đều hướng đến việc xây dựng, giáo dục cho các em lối sống đẹp, biết tôn trọng, thương yêu, quan tâm, chia sẻ với người khác, đề cao tinh thần yêu nước, bảo vệ môi trường.
Theo đạo diễn Duy Hưng, đã có nhiều liên hoan dành cho thiếu nhi nhưng chỉ chuyên về các hoạt động thi văn nghệ, múa, hát. Những liên hoan kịch nói thiếu nhi chưa được tổ chức thường xuyên.
"Nếu đã có hội thi văn nghệ cho thiếu nhi thì cũng nên có nhiều hơn các liên hoan về kịch nói", ông Hưng nêu quan điểm.
Các đơn vị trường học cũng cần có những nỗ lực nhất định để các em thiếu nhi có thể tiếp cận gần hơn với loại hình sân khấu này.
"Các em học sinh không có sân khấu để biểu diễn, giao lưu và phát triển năng khiếu vì bản thân loại hình kịch nói cũng ít đất diễn.
Từ liên hoan này, tôi mong Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM tổ chức nhiều hơn những sân chơi về kịch cho trẻ em" - Bà Ngọc Diệp, Tổng phụ trách đội thiếu nhi trường tiểu học Phan Châu Trinh, bày tỏ mong muốn.
Để mở rộng sân chơi kịch nói cho trẻ em thì cũng cần phải quan tâm hơn đến việc đầu tư vào chi phí dàn dựng, kịch bản.
Theo đạo diễn, tác giả Lê Hay, chi phí dàn dựng những vở kịch cho các em biểu diễn cũng được hỗ trợ nhưng chỉ ở mức tương đối.
Với những kịch bản có nội dung quá công phu thì sẽ không có khả năng đầu tư vì chi phí dàn dựng lớn. Lúc này, phải tự bỏ tiền túi để đạt được hiệu quả tốt nhất.
Trong mùa kịch Tết năm nay, Nhà hát kịch 5B gây chú ý khi là đơn vị duy nhất cho ra lò vở kịch thiếu nhi, vở Đại náo long cung.