Tình trạng thiếu hụt dầu mỏ nghiêm trọng nói trên do việc cắt giảm sản lượng dầu kéo dài của các nhà sản xuất lớn Saudi Arabia và Nga.
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) nhận định, "sự thiếu hụt nguồn cung (dầu mỏ) đáng kể" có thể gây ra biến động giá dầu trên thị trường trong bối cảnh tồn kho toàn cầu không đủ. IEA dự đoán, thị trường dầu mỏ sẽ phải đối mặt với tình trạng thâm hụt 1,2 triệu thùng/ngày (bpd) trong nửa cuối năm nay, sau khi Saudi Arabia và Nga công bố kế hoạch gia hạn xuất khẩu và cắt giảm sản lượng trong thời gian đến cuối năm 2023.
Trong khi đó, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cho biết trong một báo cáo riêng hôm 12/9 rằng mức thiếu hụt dầu có thể lên tới 3,3 triệu thùng/ngày trong quý IV nếu các nhà lãnh đạo của nhóm OPEC+ duy trì việc cắt giảm sản lượng.
IEA nhận thấy, nguồn cung dầu thế giới gặp khó khăn để đáp ứng nhu cầu vào năm 2023 và cho năm 2024. (Ảnh: Bloomberg)
Tuần trước, Nga tuyên bố sẽ gia hạn mức cắt giảm xuất khẩu dầu tự nguyện thêm 300.000 thùng/ngày vào cuối năm nay nhằm cân bằng thị trường dầu mỏ toàn cầu. Riyadh cũng gia hạn mức cắt giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng/ngày cho đến tháng 12 năm nay.
IEA cảnh báo rằng tồn kho dầu thô sẽ cạn kiệt nghiêm trọng vào năm 2024, ngay cả khi Moscow và Riyadh dỡ bỏ hạn chế, khiến giá dầu gặp "những cú sốc". Giá dầu Brent chuẩn toàn cầu đã tăng lên trên 92 USD/thùng hôm 13/9, trong khi dầu thô WTI của Mỹ giao dịch ở mức gần 89 USD/thùng.
Toril Bosoni, người đứng đầu Bộ phận Thị trường dầu mỏ của IEA, nói với Bloomberg: "Thị trường (dầu) thực sự bị thắt chặt trong nửa cuối năm nay"; "Theo dữ liệu sơ bộ, trong tháng 8, chúng tôi đã chứng kiến tồn kho dầu toàn cầu giảm tới 75 triệu thùng".
Giá dầu đã tăng hơn 25% kể từ cuối tháng 6 trong bối cảnh nhu cầu nhiên liệu toàn cầu ngày càng tăng và có thể tăng trở lại trên 100 USD/thùng, theo dự báo của JPMorgan Chase & Co. và RBC Capital Markets.