Kênh đào Panama kết nối Đại Tây Dương và Thái Bình Dương và cung cấp một lối tắt quan trọng cho các con tàu, do đó tiết kiệm thời gian và chi phí. Việc hoàn thành vào năm 1914 đã cách mạng hóa thương mại toàn cầu, giảm bớt hành trình quanh Nam Mỹ.
“Chúng tôi xử lý 55% lượng container đi từ Mỹ đến châu Á. Chúng tôi làm điều đó thông qua 13.000 chuyến vận tải mỗi năm”, Giám đốc ACP Ricuarte Vasquez cho biết.
Tăng thời gian chờ đợi
Theo báo cáo của Reuters, các biện pháp bảo tồn nước đã được thực thi vào đầu năm nay để giúp chống lại tình trạng hạn hán kéo dài. Điều này dẫn đến tình trạng tồn đọng tàu. Vì Kênh đào Panama xử lý khoảng 5% thương mại thế giới nên những hạn chế này đã gây lo ngại cho các ngành vận tải biển và hậu cần. Điều này có thể sẽ trở nên trầm trọng hơn khi mùa nghỉ lễ đang đến gần.
Báo cáo lưu ý rằng thời gian chờ đợi của tàu đi qua kênh đã tăng gấp đôi kể từ tháng 7. Điều này dẫn đến việc nhiều chủ tàu phải tìm kiếm các tuyến đường thay thế để tránh sự chậm trễ giao hàng có thể gây tốn kém cho các công ty.
Mặc dù những nỗ lực gần đây đã phần nào giải quyết được tình trạng tắc nghẽn của kênh, giúp thời gian chờ đợi giảm đi kể từ tháng 8, nhưng tình hình vẫn còn nhiều thách thức do mực nước vẫn ở mức thấp.
Mặc dù vậy, Cơ quan Quản lý Kênh đào Panama tiết lộ rằng mức độ lưu thông tàu hiện tại được xem là "bình thường" trong mùa này. Một báo cáo của CNBC cho biết kể từ đầu tháng 8, kênh đào Panama đã điều chỉnh công suất vận chuyển hàng ngày xuống 32 tàu/ngày. Trước đó là 34-36 tàu/ngày.
Mực nước hồ Gatun
“Kênh đào được vận hành bởi nước ngọt, nên hoàn toàn khác biệt với bất cứ đường thuỷ chính nào khác trên thế giới. Chúng tôi không thể bơm nước từ đại dương vào hồ”, ông Ricuarte Vasquez cho biết.
Hồ Gatun - nguồn nước chính của kênh đào - đã bị ảnh hưởng nặng nề do hạn hán và đặt ra nhiều thách thức hơn nữa. Mực nước trong hồ đã giảm mạnh, làm dấy lên mối lo ngại về mực nước thậm chí còn thấp hơn trong những tháng tới do mùa khô bắt đầu sớm.
Theo báo cáo của Cơ quan Đánh giá Quản lý Chuỗi Cung ứng (SCMR), cuộc khủng hoảng nước đang diễn ra đã ảnh hưởng tiêu cực đến Hồ Gatun. Kênh đào Panama dựa vào nguồn nước này để tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển, mỗi tàu sử dụng khoảng 51 triệu gallon nước từ hồ.
Kể từ đầu tháng 9, mực nước ở mức 24,3 m, giảm đáng kể so với hơn 26,6 m của tháng 9 năm ngoái.
SCMR cho biết, khi mùa mưa của Panama kết thúc vào tháng 11, các chuyên gia ngày càng lo ngại rằng việc mùa khô bắt đầu sớm và nhiệt độ cao hơn có thể dẫn đến tình trạng bốc hơi nhiều hơn, có khả năng dẫn đến mực nước thấp kỷ lục vào tháng 4/2024.
Trước những thách thức này, khả năng phục hồi và tính linh hoạt của chuỗi cung ứng đã trở nên tối quan trọng. Tình trạng này cũng làm sáng tỏ tầm quan trọng của khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng và sự cần thiết phải đa dạng hóa các tuyến và phương thức vận chuyển để giảm thiểu sự gián đoạn một cách hiệu quả. Khi Kênh đào Panama phải vật lộn với sự chậm trễ do hạn hán gây ra, việc lập kế hoạch cho các tình huống dự phòng và thiết lập các mối quan hệ chuỗi cung ứng linh hoạt là điều cần thiết để thích ứng với những thách thức ngày càng gia tăng của thương mại toàn cầu.