Việt-Mỹ chốt loạt thương vụ tỷ đô
Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Việt Nam từ ngày 10-11/9 đã chứng minh tầm quan trọng chiến lược của quốc gia Đông Nam Á đối với Washington. Điều này càng được thể hiện rõ qua những tuyên bố về kinh tế và ngoại giao trong và sau chuyến thăm.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Biden đã tuyên bố nâng cấp quan hệ giữa hai nước lên mức Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững, từ đó khuyến khích hợp tác song phương và hợp tác khu vực trong các lĩnh vực công nghệ quan trọng, cũng như công nghệ mới nổi.
Trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng thống Biden, các doanh nghiệp Việt-Mỹ đã chốt một loạt thương vụ đầu tư trị giá hàng tỷ USD. Thông tin trên website của Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết, các thỏa thuận đáng chú ý nhất bao gồm:
Boeing và các hãng hàng không Việt Nam
Vietnam Airlines và Boeing ký bản ghi nhớ thỏa thuận trị giá 10 tỷ USD mua 50 tàu bay 737 Max. Dự kiến số tàu bay này sẽ được bàn giao trong giai đoạn 2027 - 2030.
Bên cạnh đó, VietJet ký thỏa thuận tài trợ tàu bay trị giá 0,55 tỷ USD với Carlyle - tập đoàn tài chính lớn của Mỹ. Theo đó, Carlyle Aviation Partners (thuộc tập đoàn Carlyle) sẽ cung cấp tài chính cho loạt tàu bay 737 Max thuộc đơn hàng 200 tàu của Vietjet và Boeing.
Amkor, Marvell, Synopsis đầu tư vào Việt Nam
Amkor Technology sẽ đưa vào hoạt động nhà máy bán dẫn tại Bắc Ninh với tổng vốn đầu tư lên tới 1,6 tỷ USD trong tháng 10. Đây là nhà máy lớn nhất, hiện đại nhất của Amkor trên toàn cầu.
Trong khi đó, tập đoàn công nghệ Marvell và Synopsis sẽ đầu tư vào các trung tâm ươm tạo và thiết kế chip bán dẫn tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Trung tâm Logistics
Công ty điều hành cảng SSA Marine (trụ sở tại Seattle) và Công ty Gemadept (Việt Nam) đã công bố ý định hợp tác trong các dự án cảng chiến lược ở miền Nam Việt Nam. Hiện hai công ty đang chia sẻ mối quan tâm chung trong việc phát triển Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ trị giá 6,7 tỷ USD. Sau khi hoàn tất xây dựng, Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ sẽ trở thành trung tâm logistics lớn nhất Việt Nam.
Dự án đặc biệt
Trong số 3 thỏa thuận trên, dự án Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ đang được quan tâm đặc biệt.
Theo Hệ thống cơ sở dữ liệu học thuật Researchgate, khu cảng Cái Mép Hạ là cửa ngõ và trung tâm trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đồng bằng sông Cửu Long, tiểu vùng sông Mê Kông với các nước trong khu vực Đông Nam Á và thế giới, có hệ thống đường biển, đường sông, đường hàng không thuận tiện.
Trong đó, trung tâm logistics Cái Mép Hạ - với quy mô diện tích 1.686 ha - đang hướng tới mục tiêu trở thành cảng cửa ngõ và cảng trung chuyển tầm cỡ khu vực và thế giới .
VietnamPlus dẫn Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Trung tâm logistics Cái Mép Hạ cho biết, công suất quy hoạch khu cảng cửa ngõ Cái Mép dự kiến đạt 12,8 triệu TEU (năm 2030) và trên 34,5-41,4 triệu TEU (giai đoạn 2030-2050).
Việc xây dựng Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ sẽ giúp hoàn thành mắt xích quan trọng để Việt Nam hình thành nền kinh tế hàng hải và tạo lập hệ sinh thái hoàn chỉnh.
Bên cạnh cảng biển quốc tế, Trung tâm logistics này sẽ là nền tảng để các dịch vụ hỗ trợ hàng hải, dịch vụ kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển đa phương thức, và các dịch vụ tài chính, bảo hiểm, ngân hàng cùng thương mại quốc tế phát triển tại khu vực Cái Mép-Thị Vải.
Trung tâm logistics Cái Mép Hạ sẽ hỗ trợ phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất, đồng thời tạo điều kiện cho phát triển đô thị nhằm đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và Việt Nam nói chung.
Theo các chuyên gia kinh tế, hiện hàng hóa từ Cái Mép-Thị Vải chỉ mất 16 ngày để đến Bờ Tây của Mỹ và 21 ngày đến châu Âu. Việc đầu tư mạnh mẽ cho khu vực này không chỉ phát triển cho Bà Rịa-Vũng Tàu mà cho cả vùng trọng điểm phía Nam trong tương lai.
Ngoài ra, theo SSA Marine, dự án phát triển Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ sẽ giúp tạo ra 200.000 việc làm trực tiếp và gián tiếp, đồng thời đóng góp 3% vào GDP của Việt Nam. Nó cũng sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh và hội nhập của Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu nhờ giúp giảm chi phí hậu cần và nâng cao hiệu quả cho các nhà xuất khẩu và nhập khẩu.
Trước Mỹ, nhiều đối tác như Anh, Pháp, Nhật Bản đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt tới dự án này.
Dự báo làn sóng đầu tư mới
Báo điện tử Chính phủ hôm 12/9 đăng tải bài phỏng vấn , Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) Gregory Testerman, trong đó ông Testerman cho biết hiện tại ở Việt Nam, các công ty Mỹ đã có hơn 1.200 dự án được chính phủ Việt Nam phê duyệt thực hiện, với tổng giá trị đầu tư sắp tới là hơn 11 tỷ USD.
"Con số này chắc chắn sẽ còn tăng hơn nữa sau khi hai nước nâng tầm quan hệ song phương lên Đối tác Chiến lược toàn diện," ông nói.
Theo Giáo sư - Tiến sĩ Andreas Stoffers đến từ Quỹ Friedrich Naumann Foundation, trong những năm qua, các tập đoàn Mỹ đã tích cực đầu tư vào Việt Nam, với sự gia tăng không ngừng về số lượng dự án và vốn đăng ký.
Ông Stoffers cho rằng có nhiều lý do khiến các doanh nghiệp Mỹ thấy Việt Nam rất thu hút. Thứ nhất , nền kinh tế mở và định hướng thị trường của Việt Nam tạo được tiếng vang tốt với thị trường Mỹ.
Thứ hai , tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của đất nước khiến tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng, thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng tăng và tiềm năng thị trường mở rộng trong tương lai.
Thứ ba , lực lượng lao động trẻ và có trình độ học vấn cao của Việt Nam đang nâng cao sức hấp dẫn của quốc gia Đông Nam Á, đưa Việt Nam trở thành điểm đầu tư lý tưởng cho các doanh nghiệp Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất.
Thứ tư , vị trí chiến lược và cơ sở hạ tầng phát triển của Việt Nam mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Mỹ đang tìm cách mở rộng và đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tìm kiếm những con đường phát triển mới.
Thứ năm , vị trí trung tâm trong khu vực ASEAN khiến Việt Nam trở thành cửa ngõ cho các công ty Mỹ.
Cuối cùng, Hiệp định thương mại tự do (BTA) Việt-Mỹ đã đóng vai trò quan trọng giảm bớt các rào cản thương mại và tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác kinh tế, củng cố vị thế của Việt Nam trong vai trò đối tác đầu tư ưu tiên của các doanh nghiệp Mỹ.
Thời gian qua, với chính sách thu hút nguồn vốn nước ngoài cùng quá trình đổi mới cơ chế hiệu quả, thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đã và đang là điểm đến của nhiều doanh nghiệp Mỹ.
Theo ông Gregory Testerman, nhiều công ty, doanh nghiệp Mỹ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, y tế đang mong muốn có mặt và đầu tư tại Việt Nam, trong đó chú trọng tới TP.HCM.
Ông Testerman cho rằng, với nhiều kiến thức chuyên môn và những lợi thế sẵn có về chăm sóc sức khỏe, các công ty Mỹ có thể cung cấp cho Việt Nam nhiều dịch vụ và xu hướng mới trong y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng.