Bao năm qua, Hiền cùng mẹ thay nhau chăm sóc hai bệnh nhân như hai đứa trẻ. Mọi sinh hoạt hằng ngày họ đều không còn tự chủ được.
Bi kịch nhân đôi
Trong góc phòng của căn nhà nằm trong một kiệt nhỏ ở đường Trần Cao Vân (Đà Nẵng), cô gái Nguyễn Thị Xuân Thảo nằm trên chiếc giường đệm hơi ở góc phải. Đôi mắt Thảo đờ đẫn, thỉnh thoáng liếc nhìn vô hồn vào khoảng không rồi khép lại; khuôn miệng cắn chặt, chốc chốc lại mở ra phun đầy nước dãi lên chiếc giường.
Mở điện thoại, bà Lê Thị Đồng chỉ cho xem tấm ảnh chân dung trên phiếu dự thi vào đại học năm ấy, nước mắt bà tứa ra. Cô gái tóc ngắn trong chiếc áo dài trắng xinh xắn, khuôn mặt sáng với nụ cười hiền lành. Sẽ thật khó hình dung đó chính là cô gái thoi thóp sống thực vật đang nằm đó.
Câu chuyện quay trở về một chiều tháng 7 của bảy năm về trước. Lúc ấy, Xuân Thảo vừa nhận tin đã trúng tuyển vào Trường đại học Y Dược Huế. Cô gái hân hoan với niềm vui lớn đầu đời, xin phép cha mẹ tự thưởng cho một chuyến về thăm quê cô bạn thân. Thế rồi một chiếc xe tải quệt trúng hai cô gái mới lớn...
Người bạn đi cùng bị gãy bốn chiếc xương sườn, còn Xuân Thảo được chuyển ngay vào viện với chẩn đoán ban đầu đã chết não. Hàng loạt cuộc phẫu thuật kéo dài hết năm này qua năm khác đã giữ được mạng sống, nhưng đời Thảo cũng như đã chết khi phải sống thực vật.
Bao mơ ước tươi đẹp của cô tân sinh viên sắp bước vào trường y đột ngột khép lại sau chuyến đi tưởng chừng vui vẻ kia trong nỗi đau thấu trời xanh của cả gia đình.
Không chấp nhận được sự thật nghiệt ngã, ông Nguyễn Văn Ánh (cha Thảo) rơi vào khủng hoảng triền miên. Sau những đêm dài mất ngủ vì xót thương số phận con gái, người đàn ông này đột quỵ, xuất huyết não. Trở về từ bệnh viện, ông Ánh cũng lúc tỉnh lúc mê, đi đứng không vững.
Từ chỗ là cột trụ của gia đình nhưng nay tới bữa phải có người bón cơm, phải đeo tã. Ngôi nhà lại có thêm một người nữa nằm liệt giường, nỗi đau còn hơn nhân đôi. Đôi vai gầy của người mẹ thêm nặng hơn, bà phải xin nghỉ làm công nhân may, túc trực ở nhà để tiện chăm sóc hai người bệnh nặng.
Gánh hàng ăn nuôi cả gia đình
Thương cảnh ngặt nghèo, cán bộ Mặt trận Tổ quốc giúp bà chiếc xe bán đồ ăn và chiếc nồi hầm điện.
3h sáng hằng ngày, bà Đồng thức giấc nổi lửa nấu nồi nước dùng cho hàng ăn sáng mở ngay trong kiệt. Cái ngõ cũng nhỏ nên khách không đông.
Mỗi ngày bán được chừng 30 tô nên bà nhận giao tận nơi, cố kiếm đủ được ngày 50 tô, nhiêu đó tạm đủ chợ búa, lo cái ăn cho cả nhà trong ngày. Công việc nhọc nhằn đỡ vất vả hơn khi có con gái út phụ giúp.
Xế trưa, khi dọn dẹp xong hàng ăn sáng, bà Đồng cũng chẳng kịp nghỉ ngơi, lại tất tả chạy qua giúp việc nhà cho người quen đã hẹn trước. Tiền công dọn dẹp mỗi nhà được trả 120.000 đồng, bữa nào may mắn chủ nhà gửi thêm hoặc cho chút thức ăn mang về. Khoản tiền từ giúp việc nhà ấy được dành cho chi phí thuốc thang, bỉm sữa mỗi ngày của hai cha con Xuân Thảo.
Nhẩm tính từ lúc chồng và con gái lâm bệnh nằm một chỗ, mấy lượt mổ xẻ, thuốc thang tốn kém cũng tiền tỉ. Bao nhiêu đồng ky cóp tích lũy trước nay lần lượt đội nón ra đi. Xót cảnh căn nhà nhỏ tơi tả qua bao mùa mưa nắng mà cứ mỗi lần bão quét qua, hai mẹ con lại phải cõng hai người bệnh qua gửi nhờ nhà hàng xóm.
Vậy là bà Đồng bấm bụng vay ngân hàng mấy trăm triệu, trả chậm trong 25 năm để sửa lại căn nhà tránh mưa bão.
Ba năm phổ thông tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Nguyễn Thị Thu Hiền luôn giành học bổng học sinh giỏi. Suất học bổng ấy không chỉ là nguồn động viên của trường mà còn giúp Hiền tự lo được tiền sách vở, quần áo. Thương hoàn cảnh gia đình vất vả, các thầy dạy Hiền học thêm toán, hóa không lấy học phí.
Cô gái nhỏ biết sẽ rất tốn kém và thời gian cũng dài hơn khi chọn học ngành y nên càng quyết tâm phải gắng học thật giỏi, giành học bổng để hỗ trợ việc học hành, đỡ đần chi phí cho mẹ. Hai người khỏe trong nhà đang cùng nhau cố gắng.
Mình cố gắng xoay xở
Thu Hiền hiền lành, ít nói, một phần cũng vì gia đình đã đi qua bao biến cố lớn. Tiếp nối ước mơ dang dở của chị gái, cô bé vừa trúng tuyển Trường đại học Y Dược Huế năm nay với số điểm 27,95.
Niềm vui là vậy song trong lòng cô gái nhỏ cũng ngổn ngang trăm mối. Hiền đi học rồi, một mình mẹ ở nhà rồi sẽ phải tự xoay với các công việc trước nay vốn có hai mẹ con cùng chia sẻ với nhau. Mẹ cũng xoay được thôi nhưng sẽ cơ cực lắm, con gái biết thế. Rồi cô gái nhỏ cũng phải đơn độc tự lo một mình nơi đất khách khi vào trường với cả nỗi lòng về gia đình sau lưng...
"Mình sẽ chọn một phòng trọ gần trường rồi đi bộ để trước mắt khỏi lo việc mua sắm xe cộ. Chuyện ăn uống, chi phí sinh hoạt hằng ngày mình có thể đi dạy thêm để tự trang trải. Chỉ có chiếc máy tính là đang nan giải quá, rất cần có để học tập nhưng mình không muốn thêm nỗi lo cho mẹ!", Hiền bộc bạch.
Bạn đọc ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ: 113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.
Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể Tỉnh/Thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ: Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM; Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM với Swift code BFTVVNVX007.
Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm... cho tân sinh viên.
Một người mẹ gù đau yếu, ngày biết tin con vào đại học chỉ có vỏn vẹn 1 triệu đồng. Nhưng 5 năm sau, cuộc sống mới đang mở ra trong nhiều tiếng cười và hy vọng.