Có đến 75% người bệnh không được quản lý và điều trị kịp thời. Áp lực cuộc sống, căng thẳng kéo dài khiến nhiều người trẻ hiện nay cũng mắc phải chứng suy giảm nhận thức.
Còn trẻ nhưng lúc nhớ lúc quên
Theo thống kê từ Liên đoàn bệnh Alzheimer và sa sút trí tuệ thế giới, cứ mỗi 3 giây lại có một người suy giảm nhận thức tiến triển thành sa sút trí tuệ.
Tại Việt Nam, năm 2022 có khoảng 500.000 người bệnh sa sút trí tuệ. Tuy nhiên, có đến 75% không được chẩn đoán và quản lý kịp thời.
Bà N.V. (65 tuổi, TP.HCM) đến Bệnh viện Quân y 175 thăm khám và chia sẻ với bác sĩ về tình trạng lúc nhớ lúc quên của mình. Hơn 30 tuổi bà bắt đầu đã có triệu chứng hay quên.
Khoảng 1 năm trở lại đây triệu chứng ngày càng nhiều hơn, hay quên từ việc nhỏ như mắt kính cài trên đầu nhưng lại đi tìm, đi chợ không nhớ hết những thứ cần mua, đọc sách câu trước không nhớ câu sau, không nhớ được ngày, tháng, năm những sự việc đã xảy ra trước đó…
Tương tự, chị T.T. (43 tuổi, Đắk Lắk) cho biết thời gian gần đây chị thường xuyên xuất hiện triệu chứng hay quên trong sinh hoạt hằng ngày. Với tính chất công việc phải buôn bán, vì bận rộn chị T. hay mất ngủ, mỗi đêm chỉ ngủ được 2-3 tiếng.
"Mất ngủ kéo dài khiến trí nhớ tôi bị ảnh hưởng, khi bán quán đưa lại tiền thừa cho khách xong chỉ vài phút sau không nhớ đã đưa bao nhiêu tiền. Thậm chí khi đi ra khỏi nhà, mặc dù đã khóa cửa rồi nhưng đến nửa đường không nhớ phải quay về kiểm tra lại", chị T. kể.
Bệnh Alzheimer có xu hướng khởi phát sớm
TS Trần Công Thắng - phó chủ tịch Hội bệnh Alzheimer và rối loạn thần kinh nhận thức Việt Nam - cho hay Alzheimer là nguyên nhân chính chiếm 70 - 80% dẫn đến sa sút trí tuệ.
Một số nghiên cứu trong nước hiện nay cho thấy tỉ lệ người khởi phát bệnh Alzheimer sớm khá cao (trước 65 tuổi), trong đó 10 - 15% là có bất thường về di truyền.
Những người dễ mắc chứng sa sút trí tuệ như người lớn tuổi, bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, hút thuốc lá, stress mất ngủ, lo âu, di chứng tai biến mạch máu não, chấn thương sọ não.
Ngoài nguyên nhân do di truyền, nguyên nhân khác dẫn đến mắc bệnh Alzheimer, sa sút trí tuệ khởi phát sớm là do stress, căng thẳng kéo dài sẽ thúc đẩy hình thành sản phẩm thoái hóa tổn thương não.
Theo TS Thắng, nhiều người trẻ từ 40 - 50 tuổi đã rơi vào suy giảm nhận thức do lạm dụng sức trẻ, thức quá khuya, sử dụng rượu bia, thuốc lá, làm việc quá mức không tập thể dục. Nhất là giấc ngủ rất quan trọng trong việc sản xuất sản phẩm thoái hóa và đào thải, khi mất ngủ tế bào thần kinh hoạt động không hiệu quả, tăng sản phẩm thoái hóa.
"Nhiều người cho rằng sa sút trí tuệ là điều bình thường khi tuổi già đến, thế nhưng cần phải thay đổi tư tưởng. Tại sao trong một nhóm người già với nhau, có người nhớ vanh vách ngày tháng năm, tự chăm sóc bản thân.
Ngược lại, nhiều người phải cần hỗ trợ đến sự chăm sóc của con cái. Rõ ràng đó là bệnh lý, nghĩ rằng đó là bệnh tuổi già không đưa đi khám bệnh dẫn đến không phát hiện và điều trị kịp thời, cần phải thay đổi quan điểm đó", TS Thắng nói.
TS Thắng khuyến cáo để điều trị nhóm bệnh lý sa sút trí tuệ, việc phát hiện sớm mang lại hiệu quả điều trị rất cao vì có những loại thuốc điều trị ở giai đoạn sớm.
Nếu phát hiện muộn, bệnh nhân trên 70 tuổi không còn khả năng nhận thức, phụ thuộc người chăm sóc, tỉ lệ tử vong chỉ từ 1-3 năm.
Trong quá trình điều trị, ngoài việc bệnh nhân được dùng thuốc, người thân trong gia đình rất quan trọng trong việc kích hoạt lại não người bệnh hoạt động tăng hiệu quả điều trị. Người có cha mẹ mắc sa sút trí tuệ sớm cần phải đưa đi khám để tầm soát.
Bác sĩ Hoàng Tiến Trọng Nghĩa - trưởng khoa nội thần kinh Bệnh viện Quân y 175 - cho biết bệnh viện thường xuyên tiếp nhận nhiều bệnh nhân là người trẻ đến thăm khám vì xuất hiện triệu chứng hay quên, không tập trung được. Những người này đều có một điểm chung là gặp căng thẳng, stress kéo dài hoặc sử dụng rượu bia nhiều.
"Khi các bác sĩ kiểm tra thần kinh, nhận thức của những bệnh nhân này thì kết quả đều bình thường. Do vậy, những bạn trẻ này sẽ được xếp vào nhóm suy giảm trí nhớ, suy giảm nhận thức chủ quan", bác sĩ Nghĩa cho hay.
Theo bác sĩ Nghĩa, với những bệnh nhân trẻ này, người bệnh sẽ được điều trị song song bởi ba chân kiềng gồm: thay đổi lối sống, điều trị các yếu tố nguy cơ (kiểm soát cao huyết áp, tiểu đường) và điều trị bằng thuốc…
Thế nhưng để điều trị đạt hiệu quả cao, các bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh tập luyện nhận thức.
Đặc biệt, tập thể dục đã được chứng minh là một trong những cách phòng ngừa suy giảm nhận thức và sa sút trí tuệ. Không chỉ tốt cho việc phòng ngừa tim mạch và các bệnh khác mà còn tốt trong phòng ngừa sa sút trí tuệ.
Làm gì để phòng ngừa sa sút trí tuệ?
TS Công Thắng khuyến cáo để phòng ngừa sa sút trí tuệ cần phải điều trị hiệu quả các bệnh lý nền như cao huyết áp, đái tháo đường, béo phì, rối loạn lipid máu.
Ngoài ra, bỏ thuốc lá, tập thể dục thường xuyên, chế độ ăn ít béo, nhiều rau, trái cây, nhất là uống đủ nước, tham gia các hoạt động xã hội, học và tiếp thu những thông tin mới.
Theo Bộ Y tế, có gần 15 triệu người Việt Nam mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp, đặt ra nhiều thách thức trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần.