Tín dụng mới đạt mức tăng 5,56%...
Báo cáo Giám sát trái phiếu châu Á của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa công bố cảnh báo, các chính phủ và ngân hàng trung ương ở Đông Á mới nổi cần cảnh giác để phòng ngừa những rủi ro tài chính tiềm tàng gắn với các mức lãi suất cao hơn. Theo ADB, khu vực Đông Á mới nổi bao gồm các nền kinh tế: Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Hàn Quốc và các thành viên của ASEAN (trong đó có Việt Nam).
ADB nhận định, sự dịch chuyển khỏi xu hướng tăng lãi suất gần đây cùng với yếu tố nền tảng kinh tế vững chắc đã hỗ trợ cải thiện các điều kiện kinh tế ở hầu hết các thị trường Đông Á mới nổi trong giai đoạn từ đầu tháng 6 đến cuối tháng 8/2023. Tuy nhiên, lãi suất trong khu vực vẫn neo cao.
“Lĩnh vực ngân hàng của châu Á đã cho thấy khả năng chống chịu trong giai đoạn biến động ngân hàng ở Mỹ và châu Âu gần đây, nhưng chúng tôi đã nhận thấy những điểm yếu và khả năng vỡ nợ của các khách hàng vay ở cả khu vực công và tư. Chi phí vay cao hơn là một thách thức, đặc biệt đối với những bên vay có năng lực quản trị và bảng cân đối kế toán yếu kém”, ông Albert Park, chuyên gia Kinh tế trưởng ADB nhấn mạnh.
Đó là hệ lụy của lãi suất cao, nhưng tại Việt Nam, lãi suất trong thời gian qua không tăng, mà có diễn biến giảm mạnh. Trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp BIDV cho biết, mặt bằng lãi suất huy động trong tháng 8/2023 tiếp tục giảm thêm từ 0,3 - 1%/năm tại hầu hết các kỳ hạn.
Cụ thể, trong khi các ngân hàng thuộc khối ngân hàng thương mại nhà nước giảm lãi suất từ 0,3-0,5%/năm cho cả khách hàng cá nhân và khách hàng tổ chức, thì khối ngân hàng thương mại cổ phần giảm trung bình từ 0,6 - 0,8%/năm. Tính đến thời điểm hiện tại, lãi suất niêm yết kỳ hạn 12 tháng dao động quanh mức 5,5 - 6,2%/năm, thấp hơn khoảng 3,5 - 4,0%/năm so với mặt bằng hồi đầu năm nay.
Đáng chú ý, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần đã đưa mặt bằng lãi suất huy động xuống mức thấp hơn so với nhóm ngân hàng thương mại nhà nước từ 0,2 - 0,8%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng.
Theo vị lãnh đạo BIDV, các yếu tố vẫn hỗ trợ cho đà giảm của mặt bằng lãi suất trên thị trường.
Thứ nhất, chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước duy trì nhất quán theo định hướng nới lỏng, với mục tiêu ưu tiên là giảm lãi suất cho vay để đồng hành hỗ trợ nền kinh tế. Bên cạnh việc giữ nguyên lãi suất điều hành ở mức thấp, cơ quan này tập trung triển khai các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng như đẩy mạnh giải ngân các gói hỗ trợ cho vay (gói 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, gói 15.000 tỷ đồng cho vay ngành đồ gỗ, thủy sản), đồng thời tiếp tục yêu cầu các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, qua đó giảm lãi suất cho vay.
Thứ hai, cân đối huy động vốn tín dụng nhìn chung được cải thiện nhẹ so với tháng trước, khi tín dụng vẫn tăng trưởng với tốc độ rất chậm. Theo số liệu công bố của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 30/8/2023 là 5,56%, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14% cho cả năm.
… nhưng lãi suất điều hành chưa cần thiết giảm thêm
Mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng hiện dao động quanh mức 5,5 - 6,2%/năm, thấp hơn khoảng 3,5 - 4,0%/năm so với đầu năm nay.
Bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Rồng Việt nhận định, lãi suất huy động nối tiếp đà giảm bằng một nhịp giảm mạnh trong tháng 8/2023, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng còn rất chậm. Nhịp giảm mạnh của mặt bằng lãi suất trong tháng 8 dự báo kích hoạt tiếp đà giảm lãi suất cho vay, từ đó giúp tăng trưởng tín dụng cải thiện trong các tháng tới.
“Nếu so với mức lãi suất thấp kỷ lục trong giai đoạn dịch Covid-19, mặt bằng lãi suất hiện tại cao hơn khoảng 0,3 -1,0%/năm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, lãi suất huy động của hệ thống ở hầu hết các kỳ hạn đã giảm về tương đương mặt bằng lãi suất tại thời điểm tháng 9/2022”, bà Phương Lam cho biết.
Trong khi đó, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng duy trì ở mức thấp kỷ lục trong suốt tháng 8. Ngoài ra, tháng 9 là một trong những tháng đỉnh điểm về áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản với quy mô đáo hạn khoảng 27.000 tỷ đồng.
“Tôi cho rằng, hoạt động huy động vốn qua kênh trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản đã có sự phục hồi đáng kể trong tháng 8, cùng với hoạt động đàm phán về kỳ hạn trả nợ và lãi vay của các tổ chức phát hành vẫn đang diễn ra tương đối tích cực. Theo đó, vấn đề trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn có thể sẽ không tạo ra nhiều áp lực thanh khoản đối với hệ thống trong tháng 9”, bà Phương Lam nhận xét.
Điểm đáng chú ý được các chuyên gia phân tích nhận định, nhu cầu tín dụng tháng 9 tiếp tục phục hồi, nhưng Thông tư 06/2023/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng theo hướng nới lỏng điều kiện về mục đích vay vốn sẽ tạo tiền đề để giúp thanh khoản hệ thống ổn định.
“Tổng hợp diễn biến lãi suất huy động giảm mạnh trong tháng 8, tín dụng phục hồi trong bối cảnh thanh khoản hệ thống không chịu quá nhiều áp lực trong tháng 9, cùng với yếu tố lạm phát dự kiến sẽ tăng trở lại, tôi cho rằng chưa cần thiết để Ngân hàng Nhà nước giảm tiếp lãi suất điều hành trong quý III/2023. Với những dữ liệu hiện tại, kịch bản là mặt bằng lãi suất điều hành sẽ giữ nguyên cho đến hết năm nay”, bà Phương Lam nói.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, mặt bằng lãi suất thời gian tới có thể giảm chậm hơn so với các tháng vừa qua. Hiện mặt bằng lãi suất điều hành và lãi suất huy động đều đã giảm gần tới mức thấp nhất trong giai đoạn đại dịch Covid-19. Do đó, dư địa giảm lãi suất điều hành và lãi suất huy động không còn nhiều.
“Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất chủ chốt thêm 0,25% điểm vào ngày thứ Năm (14/9) đã đẩy lãi suất tiền gửi của ECB lên 4,0%, mức cao nhất kể từ khi đồng Euro được ra mắt vào năm 1999. Các chuyên gia và nhà đầu tư kỳ vọng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cân nhắc giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp vào ngày 19 - 20/9. Tuy nhiên, nguy cơ về một đợt tăng lãi suất khác trong 2 tháng cuối năm đã đi lên, sau khi báo cáo mới nhất cho thấy lạm phát lõi đã tăng tốc trong tháng 8. Diễn biến từ hai nền kinh tế này là điểm mà các thị trường cần theo dõi chặt chẽ”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.
Vị lãnh đạo BIDV nhận định, trong tháng 9, lãi suất sẽ duy trì ở mặt bằng thấp, lãi suất huy động dự kiến có xu hướng đi ngang hoặc giảm 0,1 - 0,3%/năm.
Các yếu tố tác động chính liên quan đến điều hành chính sách tiền tệ là tư tưởng nhất quán của Ngân hàng Nhà nước với định hướng nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh áp lực từ thị trường ngoại hối có xu hướng gia tăng thời gian gần đây, Ngân hàng Nhà nước cũng thể hiện quan điểm điều hành có phần thận trọng hơn, nhằm cân đối các mục tiêu vĩ mô khác như lạm phát hay tỷ giá.
“Theo đó, tôi cho rằng, việc hạ lãi suất điều hành nhiều khả năng chưa sớm được thực hiện trong quý III/2023, mà Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục quan sát thêm tác động của các giải pháp nới lỏng trước đó với nền kinh tế. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp để giảm lãi suất cho vay, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế”, vị lãnh đạo BIDV nói.
Đối với câu chuyện cân đối huy động vốn - tín dụng, vị lãnh đạo BIDV dự báo, trong tháng 9 sẽ duy trì ổn định. Tăng trưởng tín dụng được kỳ vọng cải thiện so với hai tháng trước, nhưng đặt trong tương quan với tăng trưởng huy động vốn thì khó có thể đột biến khi khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn còn thấp do hoạt động sản xuất - kinh doanh gặp nhiều khó khăn.
“Đà giảm của lãi suất huy động nhìn chung sẽ chậm lại so với các tháng đầu năm khi mặt bằng lãi suất đã ở mức tương đối thấp, xét trong tương quan với lợi ích người gửi tiền cũng như yếu tố lạm phát”, vị lãnh đạo BIDV nhấn mạnh.