Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - chủ tịch Hội đồng thẩm định nhà nước - vừa phê duyệt kế hoạch thẩm định dự án đường sắt đô thị TP Hà Nội, tuyến Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc (tuyến đường sắt đô thị Văn Cao - Hòa Lạc).
Huy động 2,7 tỉ USD làm đường sắt Văn Cao - Hòa Lạc
Dự án đường sắt đô thị Văn Cao - Hòa Lạc thuộc nhóm dự án quan trọng quốc gia, theo quy định thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội.
Trước đó, theo đề xuất của Hà Nội, tuyến đường sắt đô thị Văn Cao - Hòa Lạc có chiều dài toàn tuyến khoảng 39km, với 21 ga dừng đỗ, chạy qua bốn quận Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm và ba huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất của TP Hà Nội.
Đoạn đi ngầm của tuyến đường sắt đô thị Văn Cao - Hòa Lạc từ Văn Cao - Trung tâm Hội nghị quốc gia khoảng 6,5km, tiếp đó tuyến chạy trên cao khoảng 2km và chạy trên mặt đất khoảng 30km.
Điểm đầu của tuyến là ga Quần Ngựa trên đường Văn Cao, điểm cuối là ga Thạch Bình, thuộc xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất.
Sơ bộ tổng vốn đầu tư dự án khoảng 65.404 tỉ đồng (khoảng 2,7 tỉ USD), trong đó chi phí quản lý, tư vấn và chi phí khác 6.220 tỉ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư 811 tỉ đồng, chi phí xây dựng 24.844 tỉ đồng, chi phí thiết bị 16.629 tỉ đồng, chi phí dự phòng 16.900 tỉ đồng.
Tuyến đường sắt đô thị này là một trong những dự án TP Hà Nội sẽ ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025 theo hình thức đầu tư công, nguồn vốn thực hiện dự án dự kiến được huy động từ năm nguồn.
Đó là vốn đầu tư công và tiết kiệm chi giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 15.000 tỉ đồng; tiền thu từ cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước khoảng 18.000 - 20.000 tỉ đồng.
Vốn đấu giá một số khu đất trên địa bàn Hà Nội khoảng 15.000 tỉ đồng; vốn phát hành trái phiếu của thành phố khoảng 10.000 tỉ đồng; và phần vốn còn lại làm dự án dự kiến vay từ các tổ chức tài chính quốc tế.
Sẽ chạy thử tàu vào năm 2025?
Theo kế hoạch của TP Hà Nội, tuyến đường sắt Văn Cao - Hòa Lạc sẽ được đầu tư trong giai đoạn từ 2020 - 2025, được vận hành thử và bàn giao vào cuối năm 2025, nghiệm thu và thanh quyết toán trong hai năm 2026 - 2027.
TP Hà Nội cho biết việc đưa vào vận hành tuyến đường sắt này sẽ giảm thiểu đáng kể ùn tắc giao thông trên trục đường hướng tâm này, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các đô thị ngoài trung tâm, phân bổ lại dân cư vùng đô thị lõi.
Dự báo giao thông trên tuyến đường sắt này vào năm 2025 khoảng 273.035 lượt khách/ngày đêm, tương đương 24.776 lượt khách/giờ cao điểm.
Đến năm 2050, lượng khách trên tuyến theo dự báo tăng lên 780.092 lượt hành khách/ngày đêm, tương đương 63.821 lượt khách/giờ cao điểm.
Từ dự báo này, TP Hà Nội đề xuất lựa chọn hệ thống vận tải trung bình (MRT) cho tuyến đường sắt đô thị Văn Cao - Hòa Lạc, với tốc độ chạy tàu trung bình khoảng 120km/h, đoạn ngầm khoảng 90km/h.
Và do mật độ khách đoạn Quần Ngựa - Song Phương chênh lệch lớn với đoạn Song Phương - Thạch Bình nên TP Hà Nội đã đề xuất số lượng tàu chạy trên đoạn Quần Ngựa - Song Phương sẽ nhiều hơn số tàu chạy toàn tuyến Quần Ngựa - Thạch Bình để phát huy tối đa hiệu quả dự án.
Cũng theo đề xuất của TP Hà Nội, trong giai đoạn 2025 - 2050 tuyến đường sắt này sẽ chạy tàu bốn toa, giai đoạn sau 2050 sẽ nâng lên chạy tàu sáu toa để đáp ứng nhu cầu khách tăng trên tuyến.
TP Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu đến 2025 chạy thử đường sắt Văn Cao - Hòa Lạc, đồng nghĩa với việc tuyến đường sắt này được đầu tư trong thời gian rất ngắn từ 2 - 3 năm.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia thì điều này khó khả thi, bởi các tuyến đường sắt đô thị tương tự tại Hà Nội như Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - ga Hà Nội đều mất cả chục năm thi công mới có thể đưa vào vận hành, khai thác.
Học kinh nghiệm Malaysia để làm dự án
TP Hà Nội kiến nghị học tập kinh nghiệm của Malaysia để tổ chức quản lý thực hiện dự án theo mô hình đối tác thực hiện dự án PDP.
Theo đó, chủ đầu tư sẽ chọn một nhà thầu có kinh nghiệm và năng lực quản lý triển khai thực hiện dự án theo hình thức PDP.
Đối tác PDP có vai trò là đầu mối duy nhất chịu trách nhiệm và chịu toàn bộ rủi ro trong thực hiện dự án; đảm bảo dự án được vận hành chạy thử trong thời gian và chi phí dự kiến; làm việc với chủ đầu tư để mua sắm các gói thầu, hợp đồng cho toàn bộ công trình cạnh tranh nhất; quản lý và khớp nối tất cả các nhà thầu dự án; tìm cách triển khai sáng tạo để giảm chi phí dự án.
Trên thực tế đối tác PDP sẽ đóng vai trò như một tư vấn quản lý thực hiện dự án, đồng thời đóng vai trò của tổng thầu EPC.
Ngày 11-5, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một lãnh đạo Hanoi Metro cho biết doanh thu từ bán vé và khoản trợ giá 417 tỉ đồng là nguyên nhân chính giúp doanh nghiệp này có lãi trong năm 2022.