Tăng giá điện 3% giải quyết một phần khó khăn cho EVN
Theo đó, từ cuối năm 2020 đến hết 2022, giá điện đã được Chính phủ, bộ, ngành và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giữ ổn định. Trong các năm 2020, 2021, dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất của doanh nghiệp và đời sống người dân. Vì vậy, EVN đã có 5 đợt hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện với tổng số tiền hỗ trợ khoảng 15.234 tỉ đồng cho 65,462 triệu khách hàng.
Tuy vậy từ cuối quý 1-2022, giá nhiên liệu tăng cao làm chi phí mua điện của EVN tăng cao, ảnh hưởng đến cân bằng tài chính của EVN. Trên cơ sở đánh giá kỹ các tác động đến tình hình vĩ mô và khách hàng sử dụng điện, giá bán lẻ điện bình quân năm 2023 đã được EVN điều chỉnh tăng ở mức 3% từ ngày 4-5.
Báo cáo chỉ ra đây là mức điều chỉnh tăng thấp nhất theo quy định tại quyết định số 24 nhằm giảm thiểu tác động đến nền kinh tế vĩ mô, sản xuất của doanh nghiệp và đời sống người dân, đồng thời cũng giải quyết một phần khó khăn về tình hình tài chính và dòng tiền của EVN.
Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định thời gian tới, giá điện sẽ tiếp tục được điều hành theo quyết định số 24. Đồng thời, bộ hiện đang nghiên cứu sửa đổi quyết định 24 để hoàn thiện cơ chế điều chỉnh giá điện, có tính đến quá trình thực hiện thời gian qua và phù hợp với giai đoạn sắp tới, báo cáo Thủ tướng xem xét và quyết định.
Tuy vậy trong báo cáo thẩm tra do tổng thư ký Quốc hội gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề đã đánh giá, dù đã triển khai các giải pháp điều chỉnh giá điện, đảm bảo cung ứng điện, song cơ chế giá bán lẻ điện chưa đồng bộ với thực tế phát triển thị trường điện, không phản ánh kịp thời chi phí nhiên liệu đầu vào cũng như khan hiếm cung - cầu điện...
Nghiên cứu hoàn thiện cơ chế giá điện, đảm bảo minh bạch
Khung pháp lý cho việc tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh vẫn chưa được hoàn thiện. Các nhà máy điện tái tạo được xây dựng theo tư duy “giá FIT” gặp nhiều rủi ro khi tham gia chào giá trên thị trường điện cạnh tranh.
Thêm vào đó, chính sách pháp luật về giá điện còn bộc lộ một số bất cập. Bao gồm việc luật hóa cơ chế điều chỉnh giá điện, chưa có quy định về giá phân phối điện, “giá phân phối điện” sẽ do Nhà nước điều tiết tương tự “giá truyền tải điện”; phí điều độ vận hành hệ thống điện và phí điều hành giao dịch; hợp đồng mua bán điện...
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng việc điều chỉnh giá điện có thể gây tác động lớn tới kinh tế vĩ mô, sản xuất của doanh nghiệp và đời sống của người dân nên cần được đặc biệt chú trọng.
Vì vậy việc điều hành giá điện trong thời gian tới, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện cơ chế điều chỉnh giá điện. Bảo đảm điều hành minh bạch, không gây ảnh hưởng lớn, đột ngột và tiêu cực đến sản xuất và đời sống của người dân.
Gắn với đó là các giải pháp bảo đảm cung ứng điện mùa khô cuối năm 2023; đẩy nhanh tiến độ các công trình nguồn, lưới đang triển khai, duy trì vận hành ổn định lưới điện truyền tải, khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của doanh nghiệp...
Bộ Công Thương vừa có tờ trình gửi Thủ tướng về dự thảo quyết định thay thế quyết định 24/2017 về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, sau khi Bộ Tư pháp thẩm định.