Trong Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ Việt Nam - Mỹ lên Đối tác chiến lược toàn diện, Việt Nam và Mỹ đã "quyết định đẩy mạnh hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực số, coi đây là đột phá mới của quan hệ".
Hai ngày ở Mỹ vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cho thấy tinh thần bắt tay vào việc của Việt Nam để cụ thể hóa đột phá ấy.
Ưu tiên doanh nghiệp
Cách đây hơn một năm, vào tháng 5-2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã tới Mỹ để dự Hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN và kết hợp một số hoạt động khác. Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam khi ấy đến bờ đông của nước Mỹ trước, nơi tập trung các tinh hoa chính trị của xứ cờ hoa.
Còn lần này, trong chuyến công tác từ ngày 17 đến 23-9, Thủ tướng đã chọn đến TP San Francisco ở bờ tây, nơi tập trung các tinh hoa của nước Mỹ trong ngành khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Việc hai nước ra tuyên bố chung nâng cấp quan hệ cho thấy ý chí chính trị của hai bên trong việc thúc đẩy quan hệ tiến lên phía trước. Và bây giờ, để mối quan hệ đó đạt được "trái ngọt", cần có sự tham gia sôi nổi của doanh nghiệp hai nước, đặc biệt là doanh nghiệp Mỹ.
Nhấn mạnh "sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, doanh nghiệp", Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp Mỹ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam để cùng nhau chiến thắng, cùng có lợi, trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".
Thông điệp đó đã được Thủ tướng nêu rõ trong Diễn đàn kinh doanh Việt Nam - Mỹ về đổi mới sáng tạo và công nghệ sáng 18-9 (giờ Mỹ, tức sáng 19-9 theo giờ Việt Nam). Việc khán phòng không còn một chỗ trống nào trong sự kiện này cho thấy những kỳ vọng của giới doanh nhân khi quan hệ song phương Việt - Mỹ có tên gọi mới.
Nhắc lại việc Mỹ cam kết ủng hộ một Việt Nam "mạnh, độc lập, tự cường và thịnh vượng", Thủ tướng đề xuất các doanh nghiệp tập trung vào các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đặc biệt là công nghệ số và chuyển đổi năng lượng, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ.
"Dù chiến tranh đã lùi xa, vẫn có những người còn chưa hiểu Việt Nam, còn e ngại và băn khoăn. Chính vì vậy nhân đây, tôi muốn nhờ chính quyền các cấp ở Mỹ, Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN giải thích với họ rằng Chính phủ Việt Nam sẵn sàng mở cửa đón tất cả doanh nghiệp tới đầu tư kinh doanh đúng pháp luật, ổn định và hiệu quả", Thủ tướng nhắn gửi.
Kết thúc diễn đàn, doanh nghiệp hai nước đã trao đổi bốn bản thỏa thuận hợp tác trong công nghệ số, công nghệ sinh học trước sự chứng kiến của Thủ tướng.
Doanh nghiệp Mỹ kỳ vọng ở Việt Nam
Rời diễn đàn doanh nghiệp, Thủ tướng đến thăm Thung lũng Silicon, ngôi nhà chung của nhiều tập đoàn công nghệ Mỹ hàng đầu thế giới.
Tại Tập đoàn Nvidia, nhà cung ứng máy chủ hàng đầu cho Việt Nam hiện nay, Thủ tướng đã trao đổi khá lâu với ông Jensen Huang (chủ tịch kiêm sáng lập tập đoàn) về xu thế phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) trên toàn cầu.
Thủ tướng cũng đề xuất ông Huang đưa ra những góp ý cho chiến lược quốc gia về bán dẫn mà Việt Nam đang xây dựng, sớm mở nhà máy sản xuất tại Việt Nam và lấy Việt Nam làm cứ điểm ở Đông Nam Á.
Tại cuộc họp, chủ tịch Nvidia đã giới thiệu với Thủ tướng con chip dựa trên AI A100 mà tập đoàn tin rằng sẽ là "át chủ bài" mới. Trên thực tế, Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam đã bắt đầu nghiên cứu phát triển hệ thống siêu tính toán với chip A100 của Nvidia. Hai bên dự kiến hoàn tất cả thủ tục nội bộ và ký kết thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn vào tháng 10 tới.
Rời Nvidia, Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm công ty thiết kế chip toàn cầu Synopsys và Meta - công ty mẹ của Facebook.
Lãnh đạo Synopsys chia sẻ mục tiêu của công ty không chỉ dừng lại ở việc thiết kế chip mà còn muốn xây dựng hệ sinh thái bán dẫn toàn cầu. Với tầm nhìn đó, công ty nhìn thấy nhiều cơ hội ở Việt Nam. Bằng chứng là chỉ sau một thời gian ngắn mở văn phòng, Synopsys đã có 500 kỹ sư hàng đầu là người Việt.
Để đáp ứng mục tiêu đưa Việt Nam trở thành cứ điểm quan trọng, Synopsys đã quyết định hỗ trợ Việt Nam. Trước sự chứng kiến của Thủ tướng, hai bên đã trao đổi biên bản ghi nhớ về phát triển nguồn nhân lực tài năng thiết kế vi mạch (IC) tại Việt Nam, hỗ trợ thành lập một trung tâm ươm tạo thiết kế chip và bản ghi nhớ về hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam, hướng tới thiết lập Viện nghiên cứu bán dẫn tại Việt Nam.
Lãnh đạo Meta thì bày tỏ mong muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam, trong đó có việc tiếp tục sản xuất các thiết bị của "vũ trụ ảo" metaverse.
"Sẽ còn một quãng đường dài nữa để Việt Nam trở thành quốc gia sản xuất chip tiên tiến, nhưng các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam đang rất khéo léo tận dụng sự độc lập, tự chủ về địa chính trị và đầu tư nước ngoài để xây dựng nền tảng cho một nền kinh tế dựa trên công nghệ.
Rất đáng để theo dõi Việt Nam nói chung, ngành công nghiệp bán dẫn của nước này nói riêng sẽ phát triển ra sao trong thế giới ngày càng đa cực sắp tới", học giả Arrian Ebrahimi, người từng có nhiều năm vận động chính sách cho ngành công nghiệp bán dẫn tại Mỹ, nhận xét trong bài viết về công nghiệp bán dẫn Việt Nam trên tạp chí The Diplomat.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thủ đô nước Mỹ
Sáng 19-9 (giờ địa phương, tối cùng ngày theo giờ Việt Nam), Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu Việt Nam đã đến sân bay Andrew, điểm dừng chân thứ hai trong chuyến công tác tại Mỹ với lịch trình dày đặc hơn.
Sau một ngày làm việc liên tục đến tận cuối ngày 18-9 ở San Francisco, Thủ tướng lên chuyên cơ bay xuyên đêm từ bờ tây sang bờ đông. Chặng dừng chân thứ hai của ông là thủ đô Washington D.C.
Ngay sau khi đến nơi, Thủ tướng đã tới ĐH Georgetown nói chuyện với các sinh viên. Sau đó ông có cuộc ăn trưa, làm việc với các giám đốc điều hành doanh nghiệp bán dẫn do Hiệp hội Doanh nghiệp bán dẫn Mỹ tổ chức.
Buổi chiều, Thủ tướng sẽ gặp lãnh đạo chính quyền và Quốc hội Mỹ trước khi dự lễ chào mừng quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Mỹ và 78 năm Quốc khánh Việt Nam.
Định hướng phát triển kinh tế chú trọng công nghệ cao của Việt Nam có nhiều điểm phù hợp với chiến lược định hình chuỗi cung ứng của Mỹ trong khu vực.