Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Quỹ Đầu tư Khám phá Giá trị Việt Nam (VVDIF2020), tổ chức có liên quan đến ông Nguyễn Hải Châu - Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán Everest (HNX: EVS) đã đăng ký mua 5 triệu cổ phiếu EVS. Giao dịch được thực hiện từ ngày 21/9 đến ngày 20/10 theo phương thức thoả thuận và khớp lệnh.
Trong thông báo cũng nêu rõ hai thành viên liên quan tại tổ chức niêm yết là ông Nguyễn Hải Châu giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Chứng khoán Everest kiêm Phó Chủ tịch HĐQT VVDIF và ông Vũ Mạnh Tiến, Phó Chủ tịch HĐQT EVS, đồng thời là Chủ tịch HĐQT VVDIF.
Theo tìm hiểu, ông Hải Châu hiện đang giữ trong tay hơn 4 triệu cổ phiếu EVS và ông Mạnh Tiến đang ở hữu 10 triệu cổ phiếu, là cổ đông lớn của EVS, chiếm tỉ lệ lần lượt 3,94% và 9,71% vốn điều lệ.
Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên giao dịch ngày 20/9, cổ phiếu EVS có giá 12.000 đồng/cổ phiếu, tăng 5,26%. Tạm tính theo mức thị giá này, nếu giao dịch thành công, Quỹ Đầu tư VVDIF sẽ dự tính chi ra 60 tỷ đồng cho 5 triệu cổ phiếu trên.
Cùng ngày, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội cũng có thông báo chấp thuận cho Chứng khoán Everest được niêm yết bổ sung thêm 61.800.218 cổ phiếu sau khi công ty này phát hành cổ phiếu để tăng vốn chủ sở hữu thành công từ hồi tháng 6/2023. Do vậy tổng số cổ phiếu niêm yết hiện tại của công ty là hơn 164 triệu cổ phiếu EVS, tương đương 1.648 tỷ đồng.
Hoàn tất giao dịch, Quỹ Đầu tư VVDIF sẽ nâng sở hữu của mình tại chứng khoán Everest từ hơn 2 triệu cổ phiếu, tương ứng tỉ lệ 1,22% lên hơn 7 triệu cổ phiếu, tương ứng tỉ lệ 4,2% theo số lượng cổ phiếu mới bổ sung. Mục đích là giao dịch theo phương án sử dụng vốn thu được từ đợt tăng vốn điều lệ quỹ.
Chứng khoán Everest tiền thân là CTCP Chứng khoán Đại Dương, ngành nghề kinh doanh chính là môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán. Công ty đã niêm yết cổ phiếu EVS từ cuối tháng 6/2019 và hiện đang có vốn điều lệ 1.030 tỷ đồng.
Trước đó, HĐQT của Chứng khoán Everest đã thông qua nghị quyết triển khai phương án phát hành cổ phiếu thưởng để tăng vốn.
Cụ thể, EVS sẽ phát hành cổ phiếu thưởng theo tỉ lệ 10:6, cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu sẽ được nhận về 6 cổ phiếu mới, khối lượng phát hành hơn 61,8 triệu cổ phiếu. Số cổ phiếu thưởng này sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng. Thời gian phát hành dự kiến trong năm 2023, sau khi có sự chấp thuận của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.
Nguồn vốn thực hiện phát hành cổ phiếu để tăng vốn được lấy từ toàn bộ thặng dư vốn cổ phần khoảng 240 tỷ đồng và một phần lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến thời điểm 31/12/2022, khoảng 378 tỷ đồng.
Việc tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu là một trong những mục tiêu kinh doanh năm nay của Chứng khoán Everest. Đây cũng là nội dung đã được ĐHĐCĐ thường niên 2023 của EVS tổ chức ngày 27/4 thông qua.
Trong diễn biến liên quan, hồi cuối tháng 5/2023, HĐQT của Chứng khoán Everest đã có quyết định rút hồ sơ nộp Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước về việc đăng ký chào bán thêm hơn 103 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ lên gấp đôi, đã được ĐHĐCĐ năm 2022 thông qua.
Theo kế hoạch ban đầu, mức giá chào bán dự kiến là 10.000 đồng/cổ phiếu. Số tiền thu về từ đợt chào bán dự kiến là hơn 1.030 tỷ đồng sẽ được dùng cho vay ký quỹ, đầu tư tự doanh, bảo lãnh phát hành chứng khoán và bổ sung nguồn vốn mua sắm, thuê tài sản cố định.