Tiến sĩ Ivan Polunin đến Singapore vào năm 1948 và làm việc tại các bệnh viện. Khi ấy, ông là một bác sĩ y khoa 28 tuổi muốn dành sự nghiệp của mình để giảng dạy cho sinh viên và nghiên cứu các bệnh nhiệt đới.
Polunin sử dụng máy ảnh để lưu lại hình của những người dân bản địa bị bệnh ở Malaya. Từ đó, vị bác sĩ trẻ tích luỹ được gần 40.000 bức ảnh, 400 bản ghi âm và 25 tiếng ghi hình ở khắp Đông Nam Á.
Trong số đó, ông ghi lại nhiều hình ảnh về Singapore những năm “non trẻ” cả trước và sau khi độc lập.
Ông Kazymir Rabier, cháu trai của tiến sĩ Ivan Polunin, nói rằng Tiến sĩ có mối quan tâm sâu sắc đến nghiên cứu văn hoá và nhân chủng học.
Trao đổi với tờ The Straits Times, kỹ sư phần mềm 27 tuổi nói về bộ sưu tập của ông nội mình: “Mọi người trong thế hệ của tôi đều ý thức được cú xoay chuyển kỳ diệu của Singapore trong khoảng 60 năm qua. Nhưng để nhìn thấy bằng chứng rằng điều đó đẹp đến nhường nào, thì những tấm ảnh thước phim chất lượng cao rất hiếm”.
Tiến sĩ Polunin qua đời năm 2010, hưởng thọ 90 tuổi. Ông đã dành những năm tháng cuối đời để biên soạn một cuốn sách kể lại quá khứ của Singapore.
Trong quá trình tìm hiểu lịch sử Singapore từ kho lưu trữ của ông nội, ông Rabier nhận thấy công việc canh tác rất phổ biến vào thời kỳ đó. “Nông nghiệp là một ngành lớn vào thời điểm đó, chiếm 9% GDP”, ông nói.
Ngày nay, những cánh đồng rộng lớn từng để trồng rau và chăn nuôi trở thành đất xây dựng các toà chung cư.
Đối với bà Asmara Rabier, cháu gái của Tiến sĩ Ivan Polunin, việc xem lại các đoạn phim và bức ảnh mô tả những người đi xúc phân bón, người viết thư, người làm mì, phụ nữ lao động nhập cư (Samsui women), công nhân xây dựng, cũng như nông dân khiến lịch sử trở nên sống động.
Bà nói: “Điều khiến tôi ngạc nhiên nhất là ngay cả cuối những năm 1960,1970, vẫn có những người trụ vững nhờ đất đai”.
Bà Rabier nói rằng khối “gia sản” phong phú của ông cô thể hiện lòng nhân ái sâu sắc, cũng như tình yêu và sự tôn trọng của ông đối với thiên nhiên và con người.
“Tôi thực sự tin rằng tất cả chúng ta có thể rút ra một bài học quý giá từ câu chuyện này”, bà nói.