Sáng 20-9 theo giờ New York (tối cùng ngày giờ Việt Nam), Hội nghị thượng đỉnh tham vọng khí hậu đã khai mạc tại trụ sở Liên Hiệp Quốc với sự tham gia của đông đảo lãnh đạo cấp cao các nước và các tổ chức quốc tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự hội nghị. Đây cũng là sự kiện đầu tiên tại Liên Hiệp Quốc của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam trong chuyến công tác lần này.
Việt Nam cam kết hơn 70% điện tái tạo năm 2050
Phát biểu tại hội nghị, lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế bày tỏ lo ngại trước những tác động khốc liệt của biến đổi khí hậu.
Nhấn mạnh việc ứng phó biến đổi khí hậu là trách nhiệm chung, đại diện các nước kêu gọi giảm dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, chuyển đổi xanh công bằng, cải tổ hệ thống tài chính toàn cầu.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres kêu gọi các nước phát thải nhiều cần đi đầu trong giảm phát thải khí nhà kính. Trong đó, các nước phát triển cần đạt phát thải ròng bằng 0 muộn nhất vào năm 2040 và các nền kinh tế lớn mới nổi là vào năm 2050.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc giải quyết biến đổi khí hậu cần phải có cách tiếp cận toàn cầu và toàn dân, với các hành động khẩn trương hơn và mạnh mẽ hơn.
Thủ tướng đề xuất đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng xanh công bằng và công lý. Trong đó lấy người dân làm trung tâm, chủ thể và không để ai bị bỏ lại phía sau.
Người đứng đầu Chính phủ cũng kêu gọi các quốc gia phát triển, các tổ chức quốc tế tích cực hỗ trợ các nước đang phát triển, các nước kém phát triển về công nghệ xanh, tài chính xanh, xây dựng ngành năng lượng tái tạo…
Thủ tướng cũng đề xuất các nước phát triển và tổ chức quốc tế đưa Quỹ tổn thất và thiệt hại vào hoạt động tại COP28 như đã cam kết nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển và kém phát triển khắc phục những hậu quả do biến đổi khí hậu gây ra.
"Mặc dù là một quốc gia đang phát triển còn gặp không ít khó khăn, với tinh thần hành động vì Trái đất xanh, Việt Nam quyết tâm thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050", Thủ tướng nhấn mạnh tại Liên Hiệp Quốc.
Với sự đồng hành, hỗ trợ đầy đủ của cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẽ phấn đấu giảm nhanh lượng phát thải khí nhà kính đến 43,5% vào năm 2030 và đạt tỉ lệ năng lượng tái tạo hơn 70% vào năm 2050.
Việt Nam ủng hộ ưu tiên an ninh y tế toàn cầu
Chiều 20-9, cũng tại trụ sở Liên Hiệp Quốc, Thủ tướng Phạm Minh chính đã dự và phát biểu Hội nghị cấp cao của Liên Hiệp Quốc về sẵn sàng ứng phó và phòng chống đại dịch. Nhiều lãnh đạo quốc gia, các tổ chức quốc tế khác cũng có mặt.
Việc triệu tập hội nghị cấp cao lần này là sáng kiến của Việt Nam phối hợp cùng một số nước chủ chốt đưa ra và được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc nhất trí hồi tháng 9-2022.
Việc tổ chức nhằm đề ra các giải pháp hiệu quả để khắc phục thiếu sót ở cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu trong việc chuẩn bị, phòng ngừa, phát hiện và ứng phó với các tình huống y tế khẩn cấp.
Từ kinh nghiệm COVID-19, các đại biểu kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế, điều phối ở cấp cao nhất để đảm bảo tiếp cận công bằng, kịp thời các sản phẩm y tế liên quan đến đại dịch.
Các đại biểu cũng đề nghị xóa bỏ các hàng rào thương mại, tăng cường chuỗi cung ứng để tạo thuận lợi cho việc vận chuyển thuốc và các sản phẩm y tế công cộng.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh những hậu quả hết sức nặng nề của đại dịch.
Người đứng đầu Chính phủ kêu gọi cộng đồng quốc tế nỗ lực hành động để thế hệ tương lai không phải chịu thảm họa đại dịch, có cách tiếp cận và các giải pháp mang tính toàn cầu và toàn dân.
Thủ tướng đề nghị ưu tiên tăng cường khả năng tiếp cận vắc xin kịp thời và bình đẳng, nâng cao năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng cũng như đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất vắc xin, thuốc điều trị và hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển, kém phát triển.
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định Việt Nam ủng hộ đưa an ninh y tế toàn cầu thành một ưu tiên trong chương trình nghị sự để sớm ngăn ngừa, chuẩn bị sẵn sàng và ứng phó hiệu quả với các loại dịch bệnh.
Hội nghị đã nhất trí thông qua bằng đồng thuận nội dung tuyên bố chính trị về sẵn sàng ứng phó và phòng chống đại dịch. Trong đó quyết định sẽ tổ chức hội nghị cấp cao vào năm 2026 để đánh giá toàn diện việc triển khai tuyên bố.
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa có bài phát biểu chính sách đáng chú ý tại Đại học Georgetown, thủ đô Washington (Mỹ).