Lãi suất huy động trái phiếu doanh nghiệp bình quân tăng mạnh
Tại hội thảo về giải pháp phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp ngày 21-9, đại diện FiinRatings cho biết tổng giá trị phát hành trái phiếu 8 tháng đầu năm nay 140.000 tỉ đồng. Phát hành riêng lẻ chiếm phần lớn với 90%, còn lại ra công chúng.
Quy mô phát hành trái phiếu tiếp tục ảm đạm. Theo đại diện FiinRatings, điều này tương đối dễ giải thích trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, khẩu vị rủi ro nhà đầu tư thay đổi, nhu cầu vốn của doanh nghiệp thấp hơn.
Đáng chú ý, dữ liệu của FiinRatings cho thấy lãi suất bình quân huy động trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong những tháng đầu năm nay tăng mạnh (khoảng 3%) so với cùng kỳ.
Các tổ chức phát hành buộc phải nâng lãi suất để tăng khả năng thành công khi phát hành, FiinRatings lý giải.
Ghi nhận thực tế, trong bối cảnh lãi suất ngân hàng hạ nhiệt, thị trường ghi nhận nhiều lô trái phiếu doanh nghiệp chào lãi suất tới 12-15%.
Lãi suất cao chủ yếu ở nhóm bất động sản. Trong khi nhóm ngân hàng huy động trái phiếu với lãi 5-7%. Liệu có bất thường?
Bà Trịnh Quỳnh Giao, tổng giám đốc Công ty cổ phần Quản lý quỹ PVI (PVIAM), cho rằng lãi suất cao đi kèm với rủi ro cao. Đánh giá lãi suất trái phiếu phụ thuộc nhiều yếu tố, bao gồm lĩnh vực đó là gì và tính thanh khoản ra sao.
Tuy nhiên, không phải cứ huy động lãi suất cao là tổ chức có "vấn đề". Bà Giao nhấn mạnh, thực tế có những doanh nghiệp cần tiền làm dự án sẽ đưa ra các thương thảo.
"Với doanh nghiệp bất động sản có được lợi nhuận 30-40% sau khi huy động vốn thì lãi suất 15% không cao. Thậm chí họ có thể chấp nhận huy động 20%", bà Giao ví dụ.
Do vậy, bà cho rằng lãi suất tại một thời điểm không đánh giá được sức khỏe tổng thể của doanh nghiệp. Riêng với trái phiếu ngân hàng, khả năng mất vốn thấp nên lãi suất chỉ ở mức 5-7%, theo bà Giao, là "dễ hiểu".
Nhiều doanh nghiệp đầu tư vẫn có lãi dù lãi suất cao
Bàn về lãi suất, ông Nguyễn Quang Thuân - chủ tịch Fiingroup - nói thêm, ai cũng muốn "vay giá rẻ" nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp, lĩnh vực phải chấp nhận trả lãi cao.
"Không thể có chuyện tất cả các khoản tín dụng đều dưới 9-10% được. Nhà đầu tư đánh giá lãi suất trên mức độ rủi ro, không thể đánh đồng lãi suất cao là tốt hay không tốt", ông Thuân nói.
Ông giải thích, bình quân chi phí vốn dự án bất động sản dân cư chiếm 5-7% trên tổng đầu tư, trong khi biên lợi nhuận ngành có thể lên tới 30-40%, cá biệt có dự án lên tới 50-60%.
Một số dự án, ngành nghề, doanh nghiệp chấp nhận vay lãi suất cao và đầu tư vẫn có lãi. Do vậy theo chuyên gia, khó nói "bất thường" nếu chỉ nhìn lãi suất được chào.
Về phía nhà đầu tư, ông Thuân cho biết rủi ro là khẩu vị của nhiều quỹ, tổ chức, không phải ai cũng thích an toàn. Muốn lợi nhuận cao thì phải chấp nhận rủi ro nhất định.
Chia sẻ tại hội thảo, phía FiinRatings cũng cho biết với tổng giá trị phát hành trái phiếu 140.000 tỉ đồng, chiếm khá nhiều là hoạt động tái cấu trúc, đảo nợ, "sang tay". Tuy nhiên điều đó là chức năng của thị trường, góp phần giúp doanh nghiệp "hạ cánh mềm".
Ông Nguyễn Quang Thuân cũng cho rằng cần nhiều giải pháp và thời gian để phát triển thị trường trái phiếu, trong đó phía cung cần được làm "chuẩn" theo quy định về phát hành, và phía cầu cũng cần được khai thông.
"Đặc biệt cần đẩy mạnh công bố thông tin, nâng cao tính minh bạch của thị trường. Nhu cầu đầu tư hiện nay lớn trong bối cảnh lãi suất thấp, nhưng lại rất khát thông tin", ông Thuân đặt vấn đề.
Trái phiếu doanh nghiệp với mức lãi suất lên tới 14% chủ yếu tập trung ở nhóm doanh nghiệp bất động sản. Còn lại với nhóm sản xuất hoặc tài chính ngân hàng mặt bằng thấp hơn.