Trên tờ The Conversation, ông Andi Hoxhaj - chuyên gia về Liên minh châu Âu (EU) tại ĐH Warwick nhận định việc cứ mải để các quốc gia và vùng lãnh thổ vùng Balkan bao gồm Albania, Bosnia và Herzegovina, Montenegro, Kosovo, North Macedonia và Serbia trong danh sách chờ gia nhập, EU đang đẩy khu vực này tới gần hơn với Nga.
Albania, một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), gần đây cho biết việc EU không có cam kết kết nạp Tây Balkan là một vấn đề an ninh khu vực và yêu cầu NATO thiết lập các hoạt động gìn giữ hòa bình để đối phó ảnh hưởng của Nga. Nước này cũng thông báo sẽ thành lập một căn cứ hải quân NATO dọc theo bờ biển Adriatic.
Các nước Balkan có cảm giác bị bỏ rơi
Các nước Tây Balkan bắt đầu thảo luận về tư cách thành viên EU vào giữa những năm 2000, nhưng vẫn chưa có sự đồng thuận từ các thành viên về việc gia nhập khối. Việc phải chờ đợi quá lâu đang là tác nhân thúc đẩy thái độ chống đối EU ở khu vực Balkan và tạo ra nhiều không gian hơn cho Nga và Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng.
Với việc để Tây Balkan chờ đợi 20 năm, EU đã làm suy yếu ảnh hưởng của chính mình ở khu vực này. Việc thiếu mốc thời gian để các nước ứng cử viên này tham gia đồng nghĩa việc họ có ít động lực cải cách hơn.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Ảnh: ALLIANCE |
Ngoài ra, EU tiếp tục khiến khu vực này bất bình hơn nữa bằng cách thực hiện một cách tiếp cận khác với Ukraine với cách tiếp cận đã được đặt ra cho phía Tây Balkan.
Cụ thể, để được trao tư cách ứng viên, các quốc gia muốn gia nhập EU thường phải đáp ứng một loạt yêu cầu từ Ủy ban châu Âu (EC). Trường hợp của Albania là một ví dụ.
Cả Albania và North Macedonia đều đáp ứng các tiêu chí để mở các cuộc đàm phán gia nhập vào năm 2018, song đến nay quá trình gia nhập vẫn chưa có nhiều tiến triển.
Trong khi đó, theo ông Hoxhaj, Ukraine khó có thể bắt đầu đàm phán gia nhập EU cho đến khi nước này kiểm soát được biên giới và đáp ứng một loạt tiêu chí do EC nêu ra. Chúng bao gồm việc thẩm tra các thẩm phán và công tố viên của Ukraine và cho thấy thành tích (truy tố và kết án) trong cuộc chiến chống tham nhũng và tội phạm có tổ chức cấp cao.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: REUTERS |
Dù vậy, EU lại khuyến nghị cấp tư cách ứng cử viên cho Ukraine với sự “nhận thức” rằng nước này sẽ thực hiện các bước hữu hình để đáp ứng các điều kiện trên. Tuy nhiên, các cuộc hội đàm sẽ không được mở ra cho đến khi Ukraine cho thấy rõ ràng rằng nước này đang đề cao pháp quyền và cuộc chiến chống tham nhũng.
Cách tiếp cận này đã khiến các quốc gia và vùng lãnh thổ Balkan, đặc biệt là Bosnia và Herzegovina, Kosovo và North Macedonia khó chịu.
Khoảng trống cho Nga
Trong khi đó, Nga từ lâu đã là một lực lượng có ảnh hưởng ở Tây Balkan sau việc giúp thành lập các hiệp hội thân Nga, đến việc giữ cổ phần quan trọng trong các dự án dầu khí.
Theo ông Hoxhaj, Nga đang tiếp tục làm suy yếu hơn nữa sự ủng hộ chính trị và công chúng dành cho EU. Moscow đã có một số thành công ở Serbia, nơi chỉ có dưới một nửa dân số ủng hộ việc gia nhập EU.
Trong khi đó, các quốc gia phía tây Balkan đang phải trải qua tình trạng chảy máu chất xám lớn vì kinh tế tăng trưởng đột ngột và thiếu ổn định chính trị. Những người trẻ tuổi đang chuyển đến các nước EU để tìm kiếm việc làm.
Khu vực Balkan dự kiến mất hơn một nửa số công dân trong hai thập niên tới. Và với tốc độ chậm chạp của chính sách mở rộng của EU, khu vực này ngày càng ít cơ hội gia nhập liên minh.
Bên cạnh đó, EU cần những đồng minh này để chống lại những thách thức an ninh lớn. Nếu không, nó sẽ để lại một khu vực ngày càng rạn nứt, nơi Nga bị cáo buộc đã nuôi dưỡng các nhóm dân tộc chủ nghĩa và sử dụng thông tin sai lệch.
Nhưng bất chấp điều này, các quan chức EU thậm chí còn không tham gia cuộc họp báo dự kiến với các nhà lãnh đạo phía tây Balkan sau hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày gần đây giữa hai nhóm. Lời giải thích rõ ràng nhất cho sự bế tắc là một nước khác luôn được ưu tiên: hiện tại là Ukraine.
EU cần làm gì?
Nếu EU mải phớt lờ ảnh hưởng ngày càng tăng của Nga ở Tây Balkan, thì họ có nguy cơ tạo ra những kẻ thù ở biên giới. Trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine đang bùng phát, việc này vô cùng nguy hiểm đối với EU.
EU hiện đang tranh luận về việc chuyển sang hình thức bỏ phiếu đa số tuyệt đối để thông qua các chính sách đối ngoại và an ninh. Điều này xảy ra sau khi Hungary phản đối EU áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga liên quan chiến dịch quân sự ở Ukraine, trừ khi nước này nhận được nhiều tiền hơn từ quỹ phục hồi COVID-19 của EU.
Việc chuyển sang hình thức bỏ phiếu mới sẽ buộc EU phải sửa đổi hiệp ước.
Tuy nhiên, nếu EU mở rộng phạm vi áp dụng hình thức này đối với các lĩnh vực chính sách mới, thì EU cũng có thể áp dụng với chính sách mở rộng. Điều này sẽ giúp đảm bảo các quốc gia ứng cử viên không bị các chính phủ dân túy do Nga ủng hộ hoặc sử dụng làm con bài thương lượng, theo ông Hoxhaj.