Tối 21-9, Tòa án nhân dân TP.HCM tuyên phạt bà Nguyễn Phương Hằng (52 tuổi, tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam) 3 năm tù về tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích của cá nhân" theo điều 331 Bộ luật Hình sự.
Cùng bị xử phạt về tội danh trên, ông Đặng Anh Quân (45 tuổi, giảng viên Trường đại học Luật TP.HCM) lãnh mức án 2 năm 6 tháng tù.
Các bị cáo Nguyễn Thị Mai Nhi (40 tuổi, trợ lý của bà Nguyễn Phương Hằng), Lê Thị Thu Hà (31 tuổi, nhân viên Công ty cổ phần Đại Nam) và Huỳnh Công Tân (29 tuổi, trưởng phòng truyền thông Công ty cổ phần Đại Nam) cùng nhận mức án 1 năm 6 tháng tù.
Con bà Nguyễn Phương Hằng tố cáo ông Huỳnh Uy Dũng
Theo hội đồng xét xử, tại phiên tòa, các bị cáo đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố. Lời khai của các bị cáo phù hợp với các tài liệu có trong hồ sơ vụ án.
Riêng bị cáo Đặng Anh Quân thừa nhận hành vi khách quan như cáo trạng nhưng không đồng ý với tội danh bị truy tố.
Hội đồng xét xử cho rằng có đủ cơ sở xác định bị cáo Đặng Anh Quân đã tương tác, tham gia bình luận trực tiếp với bà Hằng trong 11 buổi livestream, tiếp thêm ý chí cho bà Hằng thực hiện hành vi phạm tội.
Ngoài ra trong buổi livestream ngày 24-12-2021, ông Quân đã phát ngôn có nội dung đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín, danh dự và nhân phẩm của nghệ sĩ Hoài Linh. Nên bị cáo Quân là đồng phạm với vai trò giúp sức với bị cáo Hằng.
Tuy bị cáo Quân kêu oan nhưng ngoài lời khai của bị cáo thì không có chứng cứ nào khác nên tòa án không có cơ sở để xem xét.
Theo hội đồng xét xử, trong quá trình thụ lý giải quyết vụ án, hội đồng xét xử nhận nhiều đơn thư khiếu nại kèm tài liệu từ ông Nguyễn Quang Tuấn (con trai bà Phương Hằng) tố cáo vai trò đồng phạm của ông Huỳnh Uy Dũng trong vụ án này.
Kiến nghị làm rõ hành vi của ông Huỳnh Uy Dũng
Việc kiến nghị phòng ngừa tội phạm thuộc thẩm quyền của hội đồng xét xử nên hội đồng xét xử kiến nghị làm rõ hành vi của ông Dũng theo đơn tố cáo đính kèm tài liệu của ông Nguyễn Quang Tuấn. Nếu đủ cấu thành tội phạm thì sẽ xử lý theo quy định.
Vì sao 10 người liên quan không được xác định là bị hại?
Ngoài ra, từ khi ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử và tại phiên tòa, luật sư của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã khiếu nại, đề nghị xác định lại tư cách tham gia tố tụng của những người này là bị hại, hội đồng xét xử cho rằng hành vi của các bị cáo có dấu hiệu của tội theo điều 331 Bộ luật Hình sự, thuộc chương 22 - các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý hành chính. Do đó, 10 cá nhân có đơn tố cáo được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Hành vi của các bị cáo thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của nhiều tội phạm như: lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích của cá nhân; làm nhục người khác; vu khống.
Trong đó tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích của cá nhân là tội nặng hơn hai tội còn lại, cho nên các bị cáo bị truy cứu theo tội danh nặng hơn.
Hội đồng xét xử nhận định các bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, bị cáo Phương Hằng từng được một số cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội tặng nhiều giấy khen, bằng khen về hoạt động thiện nguyện.
Động cơ phạm tội của bị cáo Phương Hằng cũng một phần do một số đương sự trong vụ án cũng có lỗi, đây là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên các bị cáo phạm tội có tổ chức, liên tục nhiều lần.
Từ những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, hội đồng xét xử tuyên mức án như trên. Ngoài trách nhiệm hình sự, các bị cáo còn phải liên đới bồi thường tổn thất tinh thần cho bà Đặng Thị Hàn Ni và bà Đinh Thị Lan tổng cộng 36 triệu đồng.
20h ngày 21-9, TAND TP.HCM đã tuyên án đối với bà Nguyễn Phương Hằng và 4 đồng phạm. Theo đó, bà Phương Hằng nhận mức án 3 năm tù, ông Đặng Anh Quân 2 năm 6 tháng tù.