Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng lãi suất cơ bản từ 25% lên 30%, tương đương mức tăng 500 điểm cơ bản. Mục tiêu của nước này là giải quyết lạm phát đang ở mức hai chữ số.
Sau thông tin tăng lãi suất, đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ giảm nhẹ xuống còn 27,06 TRY so với đồng USD.
Thổ Nhĩ Kỳ gần đây đã thực hiện một đợt tăng lãi suất hàng loạt gây khó khăn cho người dân. Nước này đặt mục tiêu khắc phục tình trạng lạm phát tăng vọt trong nhiều năm và đồng tiền suy yếu nghiêm trọng.
Từ đầu năm cho đến nay, đồng lira giảm 30% so với đồng USD và đã giảm 78% giá trị so với đồng bạc xanh trong 5 năm qua.
Vào tháng 6, Thổ Nhĩ Kỳ tăng lãi suất sau hơn hai năm. Trước đó, ngân hàng trung ương liên tục hạ lãi suất chính sách từ 19% cuối năm 2021 xuống 8,5% vào tháng 3/2022. Lạm phát vào cuối năm 2022 đã tăng vọt lên trên 80% và hạ dần xuống khoảng 40% vào tháng 6/2023.
Sau khi bắt đầu lộ trình tăng lãi suất, ngân hàng trung ương vào tháng 7 tuyên bố mục tiêu sẽ đưa lạm phát xuống 5% trong trung hạn. Đây là một mục tiêu đầy tham vọng khi lạm phát Thổ Nhĩ Kỳ tăng gần 59% trong tháng 8. Các chuyên gia dự đoán lạm phát Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đạt 65% vào cuối năm 2023, tăng so với dự báo 24,9% hồi năm ngoái.
Chuyên gia kinh tế cấp cao Liam Peach tại Capital Economics cho biết động thái tăng lãi suất sẽ khẳng định cam kết của các nhà hoạch định chính sách trong việc giải quyết lạm phát. Tất cả những điều này duy trì tâm lý lạc quan của các nhà đầu tư và giữ cho chênh lệch trái phiếu chính phủ bằng đồng USD của Thổ Nhĩ Kỳ ở gần mức thấp nhất trong nhiều năm.
Sau khi tăng mạnh lãi suất vào tháng 6 và tháng 7, ngân hàng trung ương đã gây bất ngờ cho thị trường khi tiếp tục tăng lãi suất tháng 8 cao vượt dự đoán là 750 điểm cơ bản, lên mức 25%. Động thái mới nhất hôm 21/9 của ngân hàng trung ương thể hiện rằng con đường tăng lãi suất sẽ còn kéo dài.
Trong một báo cáo phân tích, chuyên gia Peach viết: “Tuy nhiên, vẫn cần phải thắt chặt hơn nữa”. Ông nói thêm rằng Capital Economics dự đoán lãi suất sẽ tăng lên ít nhất là 35% vào cuối năm nay.
Theo CNBC