Chiều 21-9, tại hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP Hà Nội, do Ngân hàng Nhà nước và UBND TP Hà Nội tổ chức, nhiều DN cho biết lãi suất cho vay vẫn quá cao, vượt quá sức chịu đựng của DN, nhất là trong bối cảnh sức mua giảm, thị trường gặp khó.
Ngành lúa gạo vẫn phải chịu lãi vay cao
Phát biểu tại hội nghị kết nối ngân hàng - DN trên địa bàn TP Hà Nội chiều 21-9, ông Nguyễn Trọng Hoa, giám đốc Công ty TNHH vật tư kết cấu thép, cho biết năm 2023 DN vô cùng khó khăn khi cầu suy giảm. Chia sẻ với DN, từ đầu năm ngân hàng giảm lãi suất cho vay nhưng mức lãi suất cho vay là 7,5%/năm vẫn khá cao.
Bà Nguyễn Thị Huyền Thương, tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Nagakawa, cho rằng lãi suất cho vay còn ở mức cao khiến hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng lực tài chính của DN suy giảm bởi theo tính toán, chi phí lãi suất rất cao, chiếm khoảng 2% tổng chi phí sản xuất kinh doanh của DN.
Theo bà Trịnh Thị Ngân - Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội, cần giảm tiếp lãi suất đối với khoản vay dài hạn để giúp DN đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, đổi mới thiết bị, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Ông Lê Vĩnh Sơn, chủ tịch Hội DN sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực của Hà Nội, mong mỏi các ngân hàng nên chủ động giảm lãi suất cho các khách hàng hiện hữu chứ không đợi DN đề xuất.
Trước đó, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Phước Hưng, giám đốc Công ty TNHH lương thực Phước Hưng (Cần Thơ), cho biết công ty có khoản vay 45 tỉ đồng để thu mua sản xuất và xuất khẩu lúa gạo. Đầu năm nay, lãi suất cho vay là 9,5%/năm, rồi xuống 8%/năm và từ ngày 8-9 mới hạ xuống còn 6,5%/năm. Nhưng đây là lãi suất vay áp cho vốn lưu động có thời gian vay ngắn, chỉ 5 tháng.
Với khoản vay đầu tư, có thời hạn dài hơi, lãi suất vẫn ở mức rất cao. Ông Hưng cho biết nhìn thấy cơ hội ở thị trường xuất khẩu lúa gạo trong những năm tới và cần vay ngân hàng thêm 130 tỉ đồng vốn trung, dài hạn để đầu tư máy móc, hệ thống công nghệ sấy và xay xát lúa gạo cho dây chuyền sản xuất có quy mô 6ha. Nhưng khoản vay này ngân hàng chào đến 9 - 9,5%/năm khiến ông ngán ngại.
"Tôi mong mỏi lãi suất cho vay khoảng 7%/năm chứ với mức lãi mà ngân hàng đang chào, DN không dám vay để mở rộng sản xuất kinh doanh hay tính chuyện làm ăn bài bản, lâu dài", ông Hưng bày tỏ.
Phí trả nợ trước hạn quá cao
Không chỉ kiến nghị giảm lãi suất, các DN cũng đề xuất ngân hàng giảm phí, trong đó có phí phạt trả nợ trước hạn chỉ nên còn 1% chứ nếu áp dụng 3 - 4%/năm, thậm chí 5% thì DN sẽ vô cùng khó khăn. Bên cạnh đó, các ngân hàng cần áp dụng công nghệ vào quá trình phê duyệt để cắt giảm thủ tục rườm rà và rút ngắn thời gian thẩm định.
Phát biểu tại hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đánh giá tình hình sức khỏe của DN vẫn còn nhiều khó khăn, đồng thời yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí, để giảm lãi suất các hợp đồng vay mới và cả các khoản vay cũ.
Song song đó là rà soát thủ tục, hồ sơ vay vốn để giảm thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ để tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân.
"Các tổ chức tín dụng cần tăng cường đồng hành với DN, thường xuyên làm việc với DN để thấy rõ tầm quan trọng đối với việc quản trị dòng tiền, tính khả thi của dự án... nhằm tăng khả năng tiếp cận tín dụng của DN. Có thể có nhiều DN tốt nhưng hồ sơ vay vốn không chứng minh được khả năng trả nợ nên đôi khi khó khăn. Nhưng nếu minh bạch chứng từ, báo cáo tình hình hoạt động của DN sẽ thuận lợi hơn", bà Hồng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, tổng giám đốc Vietcombank, cho biết từ đầu năm đến nay ngân hàng này gặp khó khăn trong tăng trưởng tín dụng do khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế do xuất khẩu giảm, đơn hàng giảm, khả năng mở rộng sản xuất kinh doanh của DN giảm... Như tín dụng tám tháng đầu năm trên địa bàn Hà Nội - nơi tập trung nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn - giảm 2,2%.
Theo khảo sát của Vietcombank, DN chưa yên tâm về xu hướng mặt bằng lãi suất có duy trì như hiện nay hay không nên những tháng đầu năm, DN lớn hạn chế đầu tư mới. Ngoài ra, dư nợ FDI, dư nợ lĩnh vực bất động sản và cho vay tiêu dùng bất động sản cũng giảm mạnh.
Để hỗ trợ khách hàng, tổng giám đốc Vietcombank cam kết tiếp tục tiết giảm chi phí để từ nay đến cuối năm giảm tiếp lãi suất cho vay. Bên cạnh việc giảm lãi suất đối với khoản vay mới, ngân hàng này cũng cam kết giảm tiếp lãi suất đối với dư nợ hiện hữu, với tổng số tiền 1.850 tỉ đồng lợi nhuận trong năm nay. Đối với phí trả nợ trước hạn, ngân hàng sẽ linh hoạt, đảm bảo lợi ích của cả hai bên.
Người vay mắc kẹt với lãi suất cao
Nhiều người vay cảm thấy sốt ruột khi thấy lãi suất huy động tuột dốc nhanh nhưng lãi vay chỉ giảm rất nhẹ, thậm chí còn tăng nếu hết thời hạn ưu đãi lãi suất, nhất là với các khoản vay mua nhà.
Nhiều ngân hàng công bố khoản vay ưu đãi với lãi suất ban đầu rất thấp, chỉ từ 5,9%/năm và 7,7%/năm đối với cho vay mua nhà. Nhưng mức này chỉ được cố định trong 3 - 6 tháng sau khi giải ngân, sau đó lãi suất sẽ được thả nổi bằng lãi suất cơ sở cộng với biên độ 3,5%/năm. Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, nhiều người vay mua nhà đang mắc kẹt với lãi suất cao, dao động từ 12,5 - 14%/năm.
Nhiều người cho biết dù đã có cơ chế cho phép vay vốn ở ngân hàng này để trả ngân hàng khác nhưng vẫn rất cân nhắc vì phí phạt trả nợ quá hạn rất cao, chưa kể còn tốn hàng loạt phí để vay ở ngân hàng mới như phí công chứng, thẩm định tài sản, phí giải ngân, phí sắp xếp vốn...
Lãi suất huy động xuống đáy, tăng trưởng tín dụng vẫn thấp
Theo bà Hà Thu Giang - vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, từ đầu năm nay Ngân hàng Nhà nước đã liên tục giảm bốn lần các mức lãi suất điều hành với mức 0,5 - 2%/năm. Tuy nhiên, lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới giảm hơn 1%/năm. Do đó, Ngân hàng Nhà nước đã đề nghị ngân hàng tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Trong khi đó, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, lãi suất huy động đã xuống đến mức kỷ lục. Mức lãi suất huy động kỳ hạn từ 3 tháng đến dưới 6 tháng tại nhóm các ngân hàng lớn chỉ còn khoảng 3,5%/năm, mức lãi suất huy động cao nhất ở các kỳ hạn dài cũng chỉ còn 5,5%/năm.
Ở nhóm các ngân hàng cổ phần, lãi suất huy động cũng giảm liên tục. Có ngân hàng huy động gần ngang mức lãi suất tại nhóm các ngân hàng quốc doanh.
Cũng theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước đến ngày 15-9, tín dụng toàn nền kinh tế mới tăng 5,56% so với cuối năm 2022, chỉ bằng hơn 1/3 so với mục tiêu đặt ra từ đầu năm. Ngoài việc nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện hoặc không dám vay, theo các chuyên gia, việc lãi suất cho vay vẫn được neo ở mức cao cũng là một trong những lý do khiến cho tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế không như kỳ vọng.
Tín dụng tăng thấp, ngân hàng đang phải "chữa bệnh thừa tiền", do vậy khi quy định được vay vốn để trả nợ ngân hàng khác chính thức có hiệu lực từ ngày 1-9, nhiều ngân hàng đã tích cực quảng bá chương trình này với mức lãi suất khá thấp.