Chiều 21-9 (giờ địa phương, rạng sáng 22-9 theo giờ Việt Nam), tại trụ sở Liên Hiệp Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam ủng hộ các ưu tiên hiện nay của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc. Trong đó có tiến trình chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh tương lai dự kiến tổ chức năm 2024, Sáng kiến "Chương trình nghị sự mới về hòa bình".
Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam là một trong những nước chịu tác động nhiều nhất từ biến đổi khí hậu. Do đó, Việt Nam cam kết hành động mạnh mẽ theo hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng thúc đẩy công bằng và công lý. Đồng thời các nước đang phát triển cần được ưu tiên hỗ trợ về vốn, công nghệ, đào tạo, quản trị.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres chuyển lời thăm hỏi và lời chúc sức khỏe đến Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.
Ông cảm ơn sự hợp tác và ủng hộ tuyệt vời của Việt Nam dành cho Liên Hiệp Quốc trên tất cả các lĩnh vực hoạt động ưu tiên, đặc biệt là gìn giữ hòa bình, an ninh quốc tế, biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, bảo đảm quyền con người.
Tổng thư ký Guterres cũng hoàn toàn chia sẻ các quan điểm Việt Nam về đề cao chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy phát triển bền vững và cải tổ các thể chế tài chính quốc tế để hỗ trợ các nước đang phát triển.
Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính trân trọng mời Tổng thư ký Guterres thăm lại Việt Nam. Ông Guterres từng sang thăm Việt Nam hồi tháng 10 năm ngoái.
Thủ tướng đang ở New York, Mỹ, nơi đặt trụ sở Liên Hiệp Quốc, để tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao khóa 78 Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Trước đó, ngày 19-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu tại hai hội nghị của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu và ứng phó đại dịch.
Người đứng đầu Chính phủ đến Mỹ từ ngày 17-9, kết hợp việc dự phiên thảo luận của Liên Hiệp Quốc với các hoạt động song phương.
Việt Nam ký kết thiết lập quan hệ ngoại giao với Tonga
Chiều 21-9 (giờ địa phương, rạng sáng 22-9 giờ Việt Nam), Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã gặp Ngoại trưởng Tonga Fekitamoeloa Utoikamanu và cùng chứng kiến lễ ký thông cáo chung về thiết lập quan hệ hai nước.
Với việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Tonga, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với tổng cộng 193 quốc gia trên thế giới.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn trân trọng mời bà Fekitamoeloa Utoikamanu thăm chính thức Việt Nam và đề xuất thiết lập các cơ chế tạo khuôn khổ hợp tác lâu dài, nhất là các lĩnh vực nhiều tiềm năng về kinh tế - thương mại và du lịch.
Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh không ai có thể tưởng tượng có một ngày tổng thống Mỹ đứng cạnh lãnh đạo Việt Nam và tuyên bố hợp tác ở mức cao nhất.