Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 34,31 điểm (-2,8%), xuống 1.193,05 điểm. Trong đó, riêng phiên cuối tuần, chỉ số đã lao dốc và cắt xuống đường MA50 ngày. Thanh khoản trên sàn HOSE đạt hơn 118.474 tỷ đồng, giảm 11,1% so với tuần trước, khối lượng giao dịch giảm 12,5%.
Chỉ số HNX-Index giảm 9,61 điểm (-3,8%), xuống 243,15 điểm. Thanh khoản trên sàn HNX giảm 5,5% so với tuần trước đó xuống 11.663,2 tỷ đồng.
Tuần qua, thị trường đón nhận những thông tin mới như quyết định giữ nguyên lãi suất của Fed, vốn không gây bất ngờ. Nhưng Fed duy trì quan điểm ủng hộ một đợt tăng lãi suất vào cuối năm 2023 và tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt cho đến năm 2024 đã khiến giới đầu tư thất vọng và gây nên một đợt xả cổ phiếu khá mạnh trên phố Wall.
Thêm vào đó, một số ngân hàng trung ương lớn khác như Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), Anh (BOE) hay Thụy Sỹ cũng có chung quan điểm về giữ lãi suất cao trong thời gian dài hơn cũng gây thêm sức ép tâm lý chung lên các thị trường toàn cầu.
Ở trong nước, thông tin đáng chú ý là vào ngày 21/9, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành gần 10.000 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 28 ngày với lãi suất 0,69%/năm. Đây là đợt phát hành tín phiếu đầu tiên của Ngân hàng Nhà nước kể từ tháng 3/2023 và động thái này diễn ra trong bối cảnh thanh khoản hệ thống ngân hàng đang ở trạng thái dư thừa.
Điều này được cho là có ảnh hưởng tiêu cực tác động lên nhóm cổ phiếu nhạy cảm là chứng khoán và bất động sản và hai nhóm này đã có phiên thứ Sáu lao dốc rất mạnh với không ít đã giảm sàn.
Theo đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán tuần qua với những cái tên giảm khá mạnh như VIX (-9,44%), SHS (-9,18%), VFS (-8,9%), BSI (-8,78%), TVS (-8,7%), FTS (-8,2%), VCI (-8,2%), SSI (-8,2%), APG (-8%), CTS (-8%), HCM (-7,6%), VND (-6,04%) …
Nhóm bất động sản có những cổ phiếu CEO (-11,81%), QCG (-10%), CII (-9,44%), TDH (-9%), SGR (-8,9), NVL (-7,94%), LDG (-7,7%), ITA (-7,7%), HTN (-7,6%), LGL (-7,6%), HDG (-6,53%), PDR (-6,31%)....
Trong khi đó nhóm cổ phiếu xuất khẩu lại có diễn biến khá tích cực, nhờ kỳ vọng tình hình xuất khẩu cải thiện cho nhu cầu cuối năm và đồng USD tăng giá hỗ trợ với thủy sản ANV (+15,29%), IDI (+10,79%), CMX (+8,84%), VHC (+8,55%).... hóa chất với CSV (+16,06%), DGC (+7,93%)...
Trên sàn HOSE, cổ phiếu TCO ghi nhận tuần thứ hai liên tiếp là mã tăng tốt nhất sàn, sau mức tăng hơn 18% trong tuần trước đó. Dù vậy, mã này cũng đã có dấu hiệu bị chốt lời với phiên cuối tuần giảm sàn.
Một số cổ phiếu khác đáng kể ở nhóm định hướng xuất khẩu, thủy sản như ANV, GIL, IDI, hay xây dựng công trình là NO1, CCI, nguyên vật liệu với CSV, TLH.
Trong khi đó, cổ phiếu KPF được mua bắt đáy, sau khi nằm trong số những mã giảm sâu nhất sàn vào tuần trước với mức giảm gần 16%.
Ở chiều ngược lại, có thể thấy nhóm giảm mạnh nhất đa phần là các mã bất động sản, xây dựng như FCN, EVG, TDG, QCG, HU1, GEX, do chịu ảnh hưởng lớn của phiên bán tháo cuối tuần.
Trên sàn HNX, không nhiều cổ phiếu đáng chú ý, khi nhóm tăng, giảm mạnh nhất phần lớn thanh khoản thấp, hoặc là các mã nhỏ có tính đầu cơ cao.
Đáng chú ý là cổ phiếu L16, khi sau tăng mạnh nhất sàn vào tuần trước với mức tăng 50% đã bị chốt lời và dẫn đầu đà đi xuống trong tuần qua.
Trên UpCoM, cổ phiếu LSG của CTCP Bất động sản Sài Gòn VINA có tuần tăng vọt 4 phiên tăng trần, thanh khoản dù chỉ đạt hơn 100.000 đơn vị/phiên trong 4 phiên này.
Trong phiên cuối tuần, cổ phiếu LSG cũng đã có lúc chạm giá trần, trước khi đóng cửa giảm hơn 5% về 15.500 đồng, khớp hơn 326.000 đơn vị.
Cổ phiếu CEN của CTCP Cencon Việt Nam cũng tăng tốc và thanh khoản gia tăng mạnh và ghi nhận phiên thanh khoản kỷ lục của mã này với hơn 4 triệu đơn vị khớp lệnh trong ngày 21/9.
Mới đây, HĐQT của CEN đã thông qua việc góp vốn thành lập Công ty TNHH Ô tô điện Cencon với ngành nghề kinh doanh chính là bán buôn ô tô và xe có động cơ khác. Doanh nghiệp có vốn điều lệ 80 tỷ đồng. Trong đó, CEN dự kiến góp 38,4 tỷ đồng tương ứng 48%.