Năm 2022 tôi có mua một mảnh đất ở Sóc Sơn (Hà Nội) để xây nhà. Sau đó tôi phải vào Nam để giải quyết công việc nên chưa kịp xây tường bao để ngăn cách với các thửa đất bên cạnh. Đầu năm 2023, tôi về lại Sóc Sơn thì phát hiện hàng xóm đang xây dựng nhà ở và lấn sang đất nhà tôi 30cm. Tôi yêu cầu hàng xóm tháo dỡ phần đã xây dựng lấn sang đất nhà tôi nhưng hàng xóm không chịu. Vậy luật sư cho tôi hỏi trong trường hợp có căn cứ cho rằng hàng xóm lấn đất nhà tôi, thì tôi phải làm gì để lấy lại đất?
Chị Dương Thị Hồng (Nghệ An) có đặt câu hỏi nhờ luật sư tư vấn.
Luật sư Lê Hồng Hiển, Đoàn luật sư TP Hà Nội, trả lời về việc bị lấn đất như sau:
Căn cứ quy định tại khoản 1 điều 170 Luật Đất đai năm 2013 về nghĩa vụ của người sử dụng đất thì: "Sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất, đúng quy định về sử dụng độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên không, bảo vệ các công trình công cộng trong lòng đất và tuân theo các quy định khác của pháp luật có liên quan".
Đồng thời, điều 12 luật này cũng nghiêm cấm hành vi lấn chiếm hủy hoại đất đai.
Như vậy, hành vi xây nhà lấn sang đất nhà hàng xóm 30cm là hành vi vi phạm pháp luật. Theo đó, để giải quyết tranh chấp đất đai về hành vi xây nhà lấn chiếm đất, bạn có thể lựa chọn một trong số các cách sau đây:
+ Cách 1: Hai bên tự thương lượng, giải quyết
Bạn và người thực hiện hành vi lấn đất có thể tự thương lượng với nhau về phương án giải quyết. Theo đó, bạn có thể yêu cầu hàng xóm phải thực hiện tháo dỡ phần công trình đã xây dựng trên diện tích đất của mình. Trường hợp nhà bạn thì hàng xóm không hợp tác nên rất khó để thực hiện theo cách này.
+ Cách 2: Đề nghị xử lý vi phạm hành chính
Trong trường hợp hai bên không tìm được tiếng nói chung qua giải pháp thương lượng, người hàng xóm kia không có thiện chí giải quyết, bạn có thể gửi đơn đề nghị/đơn yêu cầu xử lý hành vi xây dựng nhà ở lấn sang diện tích đất được sử dụng hợp pháp để xử lý hành vi vi phạm của người thực hiện hành vi lấn đất.
Nếu đủ căn cứ để xử phạt, cơ quan có thẩm quyền sẽ ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt cụ thể quy định tại điều 14 nghị định 91/2019 và điều 16 nghị định 16/2022 (biện pháp xử phạt là phạt tiền, yêu cầu phải tháo dỡ công trình, phần công trình vi phạm).
+ Cách 3: Thực hiện giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định pháp luật
Theo quy định của Luật Đất đai 2013, tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không thương lượng được thì gửi đơn đến UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải. Đây là thủ tục bắt buộc, là điều kiện để tranh chấp có thể được giải quyết ở các cơ quan khác.
Nếu hòa giải không thành, người bị lấn chiếm đất có quyền làm thủ tục khởi kiện ra tòa án nhân dân có thẩm quyền để giải quyết theo quy định của pháp luật.
Trên đây là các phương án mà bạn có thể áp dụng để đòi lại phần đất bị hàng xóm lấn chiếm. Tùy bối cảnh của bạn và hàng xóm mà có giải pháp phù hợp nhất nhé.
Mời bạn đọc gửi câu hỏi để được luật sư tư vấn
Với đội ngũ các luật sư và chuyên gia pháp lý dày dạn kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực như hôn nhân - gia đình, kinh doanh - thương mại, mua bán đất đai, sở hữu trí tuệ, lao động, hộ tịch, thừa kế..., chuyên mục Tư vấn pháp luật trên Tuổi Trẻ Sao sẽ giải đáp thắc mắc của bạn một cách nhiệt tình, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.
Bạn đọc vui lòng gửi câu hỏi (gõ bằng tiếng Việt có dấu, font chữ UNICODE) về Tuổi Trẻ Sao qua địa chỉ tuvanphapluat@tuoitre.com.vn.