Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải cùng tham dự phiên làm việc này của Đại hội Công đoàn TP.HCM nhiệm kỳ 2023 - 2028.
Nhiều vấn đề mới đặt ra với Công đoàn
Phát biểu khai mạc, bà Trần Thị Diệu Thúy - chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM - nhận định hoạt động Công đoàn thành phố đang đứng trước nhiều vấn đề mới.
Đặc biệt khi Việt Nam đang trong quá trình thực hiện cam kết các định chế quốc tế, theo bà Thúy, điều này đòi hỏi tổ chức Công đoàn phải đổi mới trong hoạt động.
"Công đoàn phải thực sự là tổ chức tập hợp, đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động.
Cũng vậy, Công đoàn tham gia giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của công nhân thành phố tốt hơn", bà Thúy trình bày.
Những điểm sáng trong hoạt động
Tại phiên khai mạc, đại hội đã thông qua báo cáo của Ban chấp hành Liên đoàn Lao động TP.HCM. Nổi bật trong báo cáo thể hiện rõ công tác đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ.
Trong đó, nhiệm kỳ 2018 - 2023 với điểm sáng ở việc đề xuất chính sách của tổ chức Công đoàn Việt Nam hỗ trợ đoàn viên, người lao động gặp khó khăn vì đại dịch COVID-19 và tình trạng giảm việc, mất việc.
Các chương trình "Phúc lợi đoàn viên" của hệ thống công đoàn các cơ sở tại thành phố đã hỗ trợ, chăm lo kịp thời cho đoàn viên.
Đồng thời hệ thống tư vấn pháp luật của Công đoàn thành phố với đầu tàu là Trung tâm Tư vấn pháp luật đã trực tiếp tư vấn, giải quyết các vướng mắc của đoàn viên, người lao động, hướng dẫn tập thể người lao động giải quyết tranh chấp, xử lý các tình huống pháp lý, tranh tụng tại tòa án…
Tại phiên làm việc sáng nay, các đại biểu đã bỏ phiếu bầu Ban chấp hành Liên đoàn Lao động TP.HCM nhiệm kỳ 2023 - 2028 với 55 thành viên.
Một vài con số nổi bật
Trong dịch COVID-19, các cấp Công đoàn TP.HCM đã chăm lo cho hơn 1,3 triệu lượt công nhân với tổng kinh phí hơn 692 tỉ đồng.
Cụ thể chi hỗ trợ cho gần 240.000 lao động theo quyết định của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam với gần 368 tỉ đồng.
Chi gần 3,4 tỉ đồng trợ giúp cho 15.000 lao động về chăm lo, hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Hỗ trợ bữa ăn cho gần 62.000 người lao động tại 213 doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ" với kinh phí 61,4 tỉ đồng.
Chương trình "Tết sum vầy" có gần 2,4 triệu lượt đoàn viên tham gia; hơn 6,2 triệu lượt đoàn viên, người lao động được các doanh nghiệp, công đoàn cơ sở chăm lo gần 3.089 tỉ đồng.
Chương trình "Tấm vé nghĩa tình" hỗ trợ 230.335 vé xe, 4.754 vé tàu lửa và 185 vé máy bay, tổng kinh phí gần 150 tỉ đồng.
Chương trình "Gia đình công nhân lao động vui Tết cùng thành phố" cho 14.650 hộ gia đình công nhân lao động tiêu biểu, với tổng kinh phí hơn 7,3 tỉ đồng. Chương trình "Mái ấm Công đoàn" giai đoạn 2018 - 2022 đã tặng 304 căn nhà, tổng kinh phí hơn 22 tỉ đồng.
Có những sáng kiến tưởng chừng nhỏ thôi song giá trị làm lợi, tiết kiệm cho đơn vị khi tính ra những con số khiến nhiều người bất ngờ. Và nhiều công nhân, người lao động tại TP.HCM vẫn âm thầm mày mò, sáng kiến từ thực tiễn công việc hằng ngày.