Sáng 14.11, Sở GTVT tỉnh Quảng Nam cho biết mưa lớn kéo dài đã khiến một số tuyến đường quốc lộ bị ngập sâu, sạt lở taluy, giao thông bị chia cắt cục bộ.
Cụ thể, tuyến QL 40B qua địa phận H.Bắc Trà My tắc đường tại ngầm sông Trường (Km 62+378) và ngầm Nước Oa (Km 62+880) do nước ngập sâu từ 0,7 - 1 m gây chia cắt.
Ngoài ra, mặt đường QL 40B hư hỏng, phát sinh ổ gà, sình lún nhiều vị trí từ Km 3 - Km 141+080 khiến phương tiện đi lại khó khăn.
Đáng chú ý, tuyến QL 14H bị chia cắt đoạn qua cầu Khe Rinh (xã Phước Ninh, H.Nông Sơn) do nước ngập sâu 1 m.
Mưa lớn khiến tuyến ĐH5 từ Tắc Pỏ vào Trà Mai - Trà Vân - Trà Vinh (H.Nam Trà My) bị sạt lở đất đá, gây ách tắc giao thông.
Tuyến QL 14E đoạn qua xã Phước Hòa (H.Phước Sơn) sạt lở cũng xảy ra gây ách tắc giao thông hoàn toàn.
Tại những vị trí ngập sâu, sạt lở các địa phương đã cử lực lượng đến hiện trường để phân luồng, điều tiết giao thông và cùng với các lực lượng khác triển khai công tác khắc phục sạt lở.
Trong khi đó, UBND xã Trà Leng (H.Nam Trà My) cho biết hiện nay nước lũ trên sông Xoan và sông Leng cuồn cuộn đổ về, nên Trạm Y tế xã đã chủ động di dời trang thiết bị khám chữa bệnh từ tầng 1 lên tầng 2 đề phòng ngập lụt. Tại trụ sở xã và Trường tiểu học Trà Leng cũng đã sẵn sàng phương án sơ tán nếu lũ tiếp tục dâng cao để đảm bảo tài sản.
Trước tình hình mưa lũ diễn ra phức tạp, UBND H.Nam Trà My đã chỉ đạo tất cả các xã trên địa bàn trung kiểm tra hiện trạng các khu dân cư, công sở, trường học và sẵn sàng lực lượng để di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn khi có nguy hiểm. Đồng thời huy động phương tiện, máy móc để giải phóng các vị trí sạt lở để đảm bảo lưu thông an toàn cho nhân dân.
Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Nam cũng dự báo trong 24 đến 48 giờ tới, các địa phương trong tỉnh có mưa vừa, mưa to, đến mưa rất to. Tổng lượng mưa các địa phương vùng núi phía bắc phổ biến từ 80 - 180 mm, có nơi trên 250 mm; các địa phương vùng đồng bằng ven biển và vùng núi phía nam phổ biến từ 150 - 300 mm, có nơi trên 450 mm.
Ngoài ra, mưa lớn gây ra nguy cơ xảy ra lũ, lũ quét tại các sông, suối vùng núi; sạt lở đất đá ở sườn dốc, sông, suối nhỏ; gây ngập úng tại các vùng thấp trũng, nơi tập trung đông dân cư...