Lắp đặt hơn 400 camera giám sát
Q.Lê Chân là một trong 3 quận của TP.Hải Phòng có nhiều tuyến phố lớn nhưng vỉa hè dành cho người đi bộ chật hẹp, có nơi không có vỉa hè. Năm 2017, Q.Lê Chân lấy chủ đề năm là "Kỷ cương công vụ - Văn minh đô thị". Theo đó, 15 phường trên địa bàn quận xây dựng kế hoạch về tăng cường đảm bảo an toàn giao thông, trật tự đường hè, vệ sinh môi trường tại địa phương…
Bên cạnh đó, thực hiện tuần tra, kiểm soát trong và ngoài giờ hành chính, lực lượng chức năng kiên quyết xử lý các trường hợp cố tình lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi sản xuất, kinh doanh, họp chợ, để vật dụng, phương tiện sai quy định; tháo dỡ các vật dụng trái phép, không đúng quy định.
UBND các phường khi đó ký cam kết với UBND quận, nếu để xảy ra tình trạng tái lấn chiếm việc sử dụng vỉa hè vào mục đích khác, sẽ chịu sự phê bình, thậm chí luân chuyển cán bộ.
Năm 2018, Q.Lê Chân đã giao 15 phường thực hiện xã hội hóa lắp đặt camera giám sát hè đường tại các tuyến phố lớn, nhằm mục đích răn đe, nhắc nhở các hộ cố tình vi phạm; đồng thời hỗ trợ công an trong vấn đề phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự.
Về kinh phí lắp đặt 414 mắt camera tại 15 phường, theo Phòng Quản lý đô thị Q.Lê Chân, tổng kinh phí hết 2,014 tỉ đồng. Toàn bộ số tiền mua sắm, lắp đặt chủ yếu từ nguồn xã hội hóa do UBND các phường huy động và nhân dân tổ chức lắp đặt.
Nhiều camera giám sát bị rơi rụng, 'buông như tơ chuối'
Ghi nhận của PV Thanh Niên trong những ngày giữa tháng 9 cho thấy, tại một số tuyến phố từng là tâm điểm trong chiến dịch lấy lại vỉa hè nhiều năm trước được lắp đặt cả trăm camera như: Tô Hiệu, Lâm Tường, Tôn Đức Thắng thuộc địa bàn 3 phường: Trại Cau, Hồ Nam và Trần Nguyên Hãn, vỉa hè hiện bị lấn chiếm trở lại một cách công khai. Trong khi đó hệ thống camera mất tác dụng giám sát do các camera bị hư hỏng, rơi rụng...
Nhiều người dân kinh doanh hàng ăn, buôn bán trên vỉa hè, đầu ngõ ngay bên dưới các camera cho biết, các camera bị rơi rụng, "buông như tơ chuối" từ nhiều năm nay nhưng không thấy cơ quan có thẩm quyền nào sửa chữa.
Chiều 22.9, trao đổi với PV Thanh Niên, đại diện lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị Q.Lê Chân cho biết, hệ thống camera giám sát được lắp từ năm 2018 và từ đó đến nay chưa có tổng kết đánh giá kết quả thực hiện.
Các hệ thống camera giám sát hè đường quận không quản lý mà giao cho địa phương quản lý. Các máy chủ được đặt ở nhà tổ trưởng tổ dân phố và chủ yếu tại trụ sở công an phường.
Cũng theo Phòng Quản lý đô thị Q.Lê Chân, đến nay hệ thống camera hỗ trợ giám sát an ninh, trật tự đô thị trên địa bàn một số phường đã hư hỏng; không được sửa chữa, bảo dưỡng thường xuyên; hiệu quả sử dụng chưa cao…
Trước tình trạng trên, ngày 18.7, UBND Q.Lê Chân có Công văn số 2344/UBND-QLĐT giao UBND các phường kiểm tra, rà soát và tổ chức bảo hành, sửa chữa những hệ thống camera bị hỏng hóc; yêu cầu các đơn vị, chủ đầu tư thi công các công trình xây dựng trên các tuyến đường làm hỏng hệ thống dây dẫn, đường truyền camera có trách nhiệm hoàn trả lại nguyên trạng như ban đầu nếu để xảy ra tình trạng hư hỏng hệ thống camera đã lắp đặt; tăng cường phát huy tính năng, tác dụng có hiệu quả của hệ thống camera trong công tác giám sát an ninh trật tự, trật tự đô thị trên địa bàn.
Tuy nhiên, dù công văn đã được phát đi đến nay đã hơn 2 tháng nhưng các phường vẫn trong tình trạng "án binh bất động", hệ thống camera giám sát vẫn rơi rụng lủng lẳng trên cao, chờ người đến sửa chữa, thay thế.