Trong phiên giao dịch ngày 22/9, cổ phiếu của Công ty Cổ phần xây lắp dầu khí Thanh Hóa (PVH) đóng cửa ở mức giá 1.100đ/cp cùng khối lượng giao dịch 1.300 cổ phiếu. Mức giá này tương đương mức giảm 90% so với mệnh giá.
Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, PVH là đơn vị thành viên của Tổng Công ty Cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), hoạt động trong lĩnh vực xây dựng công trình dân dụng, xây lắp công nghiệp dầu khí, đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, đầu tư kinh doanh bất động sản, khai thác khoáng sản tại tỉnh Thanh Hoá và khu vực Bắc Trung Bộ.
Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 19/5/2017, 21 triệu cổ phiếu Công ty Cổ phần xây lắp dầu khí Thanh Hóa với mã cổ phiếu là PVH chính thức niêm yết, giao dịch trên sàn giao dịch Upcom. Tại phiên mở đầu này, PVH có giá tham chiếu chào sàn 6.600đ/cp. Tuy vậy, đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên này đã không có cổ phiếu PVH nào được giao dịch thành công.
Kể từ phiên giao dịch chào sàn, giá cổ phiếu PVH liên tục trồi sụt theo xu hướng "đi lùi" và hiện còn ghi nhận 1.100đ/cp như phiên giao dịch gần đây. Mặc dù vậy, trong quá trình giao dịch 7 năm qua, cũng ghi nhận một số thời điểm khối lượng giao dịch cổ phiếu PVH có khối lượng giao dịch tương đối sôi động từ các nhà đầu tư.
Cụ thể, trong năm 2017, sau khi chào sàn cổ phiếu PVH giảm một mạch từ giá tham chiếu về 1.400đ/cp thời điểm tháng 12/2017. Trong năm 2017, PVH cũng ghi nhận giao dịch tương đối sôi động với gần 1 triệu cổ phiếu được các nhà đầu tư giao dịch trên sàn Upcom.
Tới năm 2018, cổ phiếu PVH ghi nhận mức đáy 1.200đ/cp kể từ khi chào sàn trong tháng 4 và khối lượng giao dịch trong cả năm 2018 đạt khoảng 250.000 cổ phiếu. Một con số tương đối hạn chế khi so sánh với khối lượng giao dịch trong hơn nửa cuối năm 2017.
Trong năm 2019, thị giá cổ phiếu PVH tiếp tục rơi tự do về mức đáy kỷ lục 600đ/cp trong tháng 11, đồng thời khối lượng giao dịch đạt khoảng 300.000 cổ phiếu giao dịch. Trong năm 2020, giá cổ phiếu PVH có dấu hiệu phục hồi và tạo đỉnh ở mức 1.100đ. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch trong năm này tương đối hạn chế với khoảng 100.000 cổ phiếu được giao dịch thành công.
Tiếp đà phục hồi trong năm 2020, tới năm 2021 cổ phiếu PVH leo lên mức 3.900đ/cp trong tháng 12, và tạo đỉnh 4.500đ trong tháng 1/2022. Khoảng thời gian từ năm 2021 và 2022, cổ phiếu PVH ghi nhận khối lượng giao dịch đột biến với khoảng 3.700.000 cp được giao dịch thành công. Đây cũng là giai đoạn chứng kiến thị trường chứng khoán Việt Nam hồi phục và giao dịch sôi động sau dịch Covid-19.
Tới năm 2023, cổ phiếu PVH không thể duy trì đà tăng giá trước xu hướng chung của thị trường, kết hợp với tình hình kết quả kinh doanh thua lỗ đã kéo thị giá PVH về mức 1.100 VND, theo như giá đóng cửa trong phiên giao dịch chiều 22/9.
Trong QĐ số 314/QĐ- SGDHN ngày 5/4/2023, của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) thông báo tiếp tục duy trì diện hạn chế giao dịch đối với cổ phiếu của CTCP Xây lắp Dầu khí Thanh Hóa. Sau đó, ngày 20/4, PVH có văn bản giải trình về việc bị hạn chế giao dịch và đưa ra phương án khắc phục việc bị hạn chế giao dịch do kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính 2022. Việc kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến liên quan tới các khoản mục nợ phải thu, hàng tồn kho, chi phí lãi vay, chi phí quản lý...
Trước tình trạng trên, tương tự như các giải trình trước, PVH tiếp tục đưa ra các giải trình liên quan mà phía kiểm toán nêu. Trong đó, cơ bản PVH cho biết đang thực hiện các thủ tục để thu hồi các khoản nợ, đồng thời, nêu những khó khăn đang được giải quyết trong quyết toán các công trình xây dựng dở dang, hạch toán chi phí...
Hiện, cổ phiếu PVH vẫn thuộc diện hạn chế giao dịch trên sàn Upcom.
Việt Phương