Thế nhưng bạn nghề, khán giả đều không cảm thấy chị "bỏ nghề". Bởi mỗi lần xuất hiện "cho vui", làn hơi, phong cách diễn xuất, nụ cười trong vắt của chị vẫn quyến rũ người ta như thuở nào.
Cảm ơn Cô đào hát
Phương Hồng Thủy vừa từ Mỹ trở về thăm quê. Mỗi chuyến về chị đều không thông báo trước nhưng người làm nghề đều có thể biết bởi chị rất siêng đi coi đồng nghiệp diễn.
Đợt này, "bà bầu" Bình Tinh nghe "cô Thủy" về mời liền vào đêm hát mừng giỗ tổ tối 24-9, chị vui vẻ tham gia hát vài câu như là cơ hội để gặp gỡ khán giả. Nếu một số nghệ sĩ hải ngoại về Việt Nam chủ yếu để chạy sô thì Phương Hồng Thủy chủ yếu... đi chơi.
Năm 12 tuổi Phương Hồng Thủy vào học dự thính tại Trường quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ, sau 1975 chị chuyển qua Trường Nghệ thuật sân khấu II. Thế mạnh của Phương Hồng Thủy là những vai diễn tâm lý xã hội.
Ngày xưa, Vũ Linh từng nói rằng: "Giao vai xã hội cho Phương Hồng Thủy là yên tâm". Bởi vậy, Vũ Linh và Phương Hồng Thủy đã từng tạo nên ấn tượng trong vở Duyên kiếp. Và vở Cô đào hát cũng là sự hạnh ngộ rất bất ngờ.
Tác giả Nguyễn Thị Minh Ngọc, người phóng tác truyện Người đàn bà đức hạnh của nhà văn Nguyễn Quang Sáng sang kịch bản Cô đào hát, cho biết khi ấy vở vừa có bản kịch trên sân khấu Idecaf với Hồng Vân, Quốc Thảo, Lê Vũ Cầu, Thương Tín.
Thời điểm đó Nhà hát Trần Hữu Trang dựng vở đi thi liên hoan sân khấu Mùa thu, cận kề ngày thi vở bị gãy. Thế là ông Quốc Hùng, giám đốc nhà hát, nhờ Minh Ngọc tìm gấp kịch bản thay thế. Cô đào hát được chọn và Hoa Hạ đạo diễn vì mọi người luôn tin tưởng bà có khả năng trong thời gian ngắn có thể khiến bản cải lương không là cái bóng của bản kịch nói.
Phương Hồng Thủy nhớ lúc đó liên hoan đã khai mạc (thường hội diễn, liên hoan kéo dài gần nửa tháng), ê kíp mới gấp rút lên sàn tập với Phương Hồng Thủy, Vũ Linh, Linh Tâm và Ngân Tuấn.
Phương Hồng Thủy kể đó là khoảng thời gian chị "mang thương tích đầy mình" bởi Hoa Hạ là đạo diễn giỏi nhưng cực kỳ nóng tánh: "Tôi bị chị mắng té tát: Như vầy sao mà hát? Nhiều lần bật khóc, khóc rồi quẹt nước mắt tập tiếp. Ráng cố gắng hoàn thành vai diễn để đi thi". Nhưng sau đó càng diễn càng thấm.
Vui niềm vui Người mần zườn
Trong Cô đào hát hai nhân vật chính là cô đào Cầm Thanh (Phương Hồng Thủy) và thông ngôn Liêm (Vũ Linh), khán giả say mê nghệ thuật, hâm mộ nghệ sĩ một cách thuần khiết. Phương Hồng Thủy nói chị tâm đắc với Cô đào hát vì ở ngoài đời chị cũng có vài mối quan hệ với khán giả tri âm mấy chục năm.
Có một khán giả hiện ở Pháp, họ chỉ gặp một lần duy nhất khi ông về Việt Nam. Ông chỉ từ xa ngắm nhìn Phương Hồng Thủy. Vai diễn của chị, ông phân tích góp ý rất hay. Mỗi lần chị diễn ở đâu ông đều nhờ người quen mua hoa lên tặng chị. Phương Hồng Thủy trân trọng những mối quan hệ đó. Và cách để chị giữ sự bền lâu với những tri âm như vậy là tuyệt đối không lợi dụng khán giả. Không vì người ta yêu quý, hâm mộ mình mà nhờ vả, gợi ý quà cáp, vật chất.
Không đi hát nhiều, ở Mỹ, Phương Hồng Thủy dành thời gian chăm sóc vườn. Chị tự đặt nick vui cho mình là "Người mần zườn". Ông xã Phương Hồng Thủy là dân kỹ thuật, yêu và lặng lẽ cùng vợ. Ở tuổi này, Phương Hồng Thủy ngại ồn ào, hạn chế lên mạng.
Niềm vui của chị là theo dõi mỗi ngày cái bông trong vườn nở được tới đâu, cọng rau đang lớn lên từng chút. Với vài sô diễn "cho vui" người ta ngạc nhiên vì giọng Phương Hồng Thủy vẫn rất ngọt, nụ cười "đặc trưng" rất tươi nhưng đôi mắt vẫn buồn đúng kiểu đào thương.
Nhìn Phương Hồng Thủy khó ai tin chị đã ngoài 60 bởi vẫn còn quá đẹp. Chị nói không theo liệu trình làm đẹp vì không có thời gian, ở nhà có trái dưa leo, quả trứng đắp đại lên mặt là xong.
Cuộc đời Phương Hồng Thủy có những quãng thăng trầm, giờ chị chọn bình an, giữ mối quan hệ với những người thương quý, mua vé xem nghệ thuật như khán giả bình thường, dành dụm chút tiền làm từ thiện. Vậy mà lâu lâu chị hát trên sân khấu đồng nghiệp khán giả vẫn bị mê mệt, nói như dân trong nghề là "Tổ đãi". Và với Phương Hồng Thủy đó là hạnh phúc của một cô đào hát!
TTO - Nghệ sĩ Phương Hồng Thủy vừa có buổi biểu diễn với những người bạn mà chị yêu quý, một buổi diễn mà theo chị là "hát với những ân tình".