Một đoạn trong vở Đợi Kiều do sinh viên diễn năm 2022 - Ảnh: HUỲNH VY
Vở Đợi Kiều của sinh viên "hot"
Tác phẩm được viết và đạo diễn bởi tiến sĩ Đào Lê Na và do các sinh viên thuộc câu lạc bộ Sân khấu và điện ảnh đảm nhiệm. Vở diễn "sáng đèn" lần đầu tại Nhà văn hoá Thanh niên TP.HCM vào tháng 9-2022.
Mới đây thông báo trở lại tại khu đô thị Đại học Quốc gia TP.HCM của Đợi Kiều vào tháng 9-2023 tạo cơn "sốt" vé trong nhiều cộng đồng sinh viên.
Bạn Nguyễn Anh Kiệt, Chủ nhiệm câu lạc bộ Sân khấu và điện ảnh, chia sẻ: "Mình khá bất ngờ khi các bạn trẻ lại đón nhận và hưởng ứng rất nhiều khi biết vở diễn quay trở lại, đó cũng chính là niềm vui và là nguồn động lực rất lớn cho mình và cả ekip thực hiện dự án".
Anh Kiệt cho biết trong lần tái diễn này, các nhân vật trong Đợi Kiều sẽ không dừng lại ở những trang sách mà được hiện hữu hóa sống động bằng cách tiếp cận thể nghiệm mới lạ.
Đặc biệt nhiều bạn trẻ trước khi cộng tác với dự án Đợi Kiều chưa hề biết đến cải lương. Anh Kiệt tâm sự trong dự án, dần dần các bạn được tìm hiểu, được biết và được xúc động với những câu chuyện của loại hình nghệ thuật này.
"Đó chính là sự thành công của mình khi thực hiện dự án, điều đó đã tạo được rung cảm cho chính mình và cho cả những người bạn đồng hành", Anh Kiệt nói.
Một buổi sinh hoạt của câu lạc bộ Dân ca và nhạc bổ truyền - Ảnh: NVCC
Trong khi đó "tất cả đều xuất phát từ đam mê" chính là lý do của các cựu sinh viên sáng lập câu lạc bộ dân ca và nhạc cổ truyền của trường Đại học Ngân Hàng TP.HCM vào năm 2009.
Những năm đầu tiên, các đêm nhạc dân ca của câu lạc bộ chỉ được tổ chức ở phòng học nhỏ về sau nhận được sự đầu tư và ủng hộ từ những người đi trước và phía nhà trường chương trình ngày càng chỉn chu hơn khi có thể diễn ra tại hội trường lớn trường Đại học Ngân Hàng TP.HCM.
Bạn Yến Ngọc, chủ nhiệm câu lạc bộ, chia sẻ thành viên câu lạc bộ đều học hỏi từ người đi trước và trong quá trình biểu diễn thì dần đúc kết kinh nghiệm để có thể truyền lại cho thế hệ thành viên sau.
Theo Yến Ngọc, chương trình "đinh" mỗi năm của câu lạc bộ là show diễn "Việt Nam Quê hương tôi". Các thành viên phải mất từ 4 đến 6 tháng cho công tác chuẩn bị, nhất là tìm kiếm nhà tài trợ.
Bên cạnh đó, các bạn sinh viên tự lên lên kế hoạch tiết mục, tính toán âm thanh - ánh sáng, làm việc với nhà trường và quảng bá đến sinh viên,… Động lực tạo hứng khởi cho câu lạc bộ là mỗi năm, số sinh viên tham dự đều tăng.
Từ câu lạc bộ đến sân khấu chuyên nghiệp
Câu lạc bộ Giai điệu phương Nam thuộc Nhà văn hóa sinh viên TP.HCM là xuất phát điểm cho nhiều sinh viên đam mê, nhiệt huyết với nghệ thuật đờn ca tài tử và cải lương Nam bộ.
Trước hết, câu lạc bộ mong muốn sẽ là nơi để các bạn sinh viên có thể thoải mái giao lưu, học hỏi, trau dồi nhiều chuyên môn về nghệ thuật này. Với các bạn đã biết và có khả năng biểu diễn, câu lạc bộ sẽ mở ra cơ hội để các bạn được thể hiện mình ở những sân khấu lớn nhỏ.
Một buổi diễn của câu lạc bộ Giai Điệu Phương Nam - Ảnh: NVCC
Bên cạnh đó câu lạc bộ thường trăn trở để sáng tạo những vở diễn, trích đoạn mang bản sắc riêng. Trong đó trích đoạn "Hòn Vọng Phu" và ca cảnh "Giọt sữa cuối cùng" là hai trong số các tác phẩm đặc biệt ấn tượng và nhận được nhiều lời khen từ khán giả, được lưu diễn trong nhiều chương trình ca nhạc chuyên nghiệp tại TP.HCM.
Cùng sinh hoạt tại câu lạc bộ Giai Điệu Phương Nam, Thanh Trinh bộc bạch từ nhỏ nghe những lời ca của mẹ, nghe các cô hò trên tivi và băng cát sét niềm say mê âm nhạc dân tộc của mình được lớn lên từng ngày.
Đến khi lên thành phố để học tập bạn tìm đến nơi đây để được trải nghiệm gần hơn với sân khấu, với đờn ca tài tử, được giao lưu học hỏi giữa các thành viên.
"Âm nhạc dân tộc là cái nôi của truyền thống, là điều đặc trưng của đất nước. Mình và các thành viên của câu lạc bộ xem đó là sứ mệnh và nhiệm vụ để tiếp tục lan truyền và phát huy những giá trị âm nhạc dân tộc đến với mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ", Trinh nói.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình theo ngành y tại California (Mỹ), nhưng dòng máu âm nhạc dân tộc Việt Nam vẫn chảy trong cậu con trai Brian Bùi. Niềm đam mê này được hun đúc bởi cha và mẹ của anh là những bác sĩ yêu âm nhạc dân tộc.