Tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) được tổ chức tại Glasgow (Vương quốc Anh) vào tháng 11/2021, Việt Nam đã đưa ra cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Cam kết này cho thấy quyết tâm của Việt Nam trong việc giảm phát thải khí carbon, chống biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26). (Ảnh: Dương Giang-TTXVN)
Ngay sau COP26, Việt Nam đã khẩn trương cụ thể hóa, thực hiện ngay những cam kết của mình trước cộng đồng quốc tế. Trong đó nổi bật là việc hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) cho thấy xu hướng dịch chuyển năng lượng theo hướng xanh và bền vững hơn. Quy hoạch đề ra lộ trình cắt giảm điện than mạnh mẽ để chuyển đổi, thay thế bằng các nguồn năng lượng sạch, đặc biệt là điện gió và điện khí.
Theo quy hoạch, chỉ thực hiện tiếp các dự án điện than đã có trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh và đang đầu tư xây dựng đến năm 2030. Định hướng thực hiện chuyển đổi nhiên liệu sang sinh khối và amoniac với các nhà máy đã vận hành được 20 năm khi giá thành phù hợp. Dừng hoạt động các nhà máy có tuổi thọ trên 40 năm nếu không thể chuyển đổi nhiên liệu. Định hướng năm 2050, Việt Nam không còn sử dụng than để phát điện, chuyển hoàn toàn nhiên liệu sang sinh khối và amoniac.
Bên cạnh việc thay thế các nguồn năng lượng hóa thạch bằng các nguồn năng lượng sạch, trong quá trình Chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng cũng là một trong những ưu tiên hàng hàng đầu.
Trong những năm qua, nhiều hoạt động tuyên truyền về tiết kiệm điện đã được tổ chức thường xuyên.
Có thể kể đến như Chiến dịch Giờ Trái đất, năm 2023 là năm thứ 15 Việt Nam tham gia hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam và Bộ Công Thương đồng chủ trì. Sau 1 giờ tắt đèn hưởng ứng Chiến dịch, cả nước đã tiết kiệm được 298.000 kWh, tương đương số tiền khoảng 555,6 triệu đồng.
Không chỉ thế, mùa hè năm nay nắng nóng kéo dài, lượng tiêu thụ điện cao, trong 6 tháng đầu năm, Hà Nội đã phát trên 3.500 lượt clip tuyên truyền về tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng tại các khu vực đông dân cư; và gửi 120.000 tin nhắn SMS với thông điệp “Thành phố Hà Nội chung tay tiết kiệm năng lượng, tắt thiết bị khi không sử dụng, ưu tiên sử dụng thiết bị dán nhãn năng lượng” …
Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2023 "Tiết kiệm điện -Thành thói quen"
Về phía các doanh nghiệp, EVN đã chỉ đạo các đơn vị thành viên thực hiện tiết kiệm điện tại các trụ sở làm việc. Cụ thể các biện pháp tiết kiệm điện được triển khai ngay như: Không sử dụng điều hòa không khí tại các phòng làm việc, các khu vực công cộng khi nhiệt độ ngoài trời dưới 35 độ C; Tận dụng tối đa nguồn ánh sáng tự nhiên, không sử dụng đèn chiếu sáng hành lang, các khu vực công cộng không thật sự cần thiết và không sử dụng đèn chiếu sáng khu vực sân vườn, hàng rào, đèn trang trí…
Về trang phục tại công sở, cán bộ công nhân viên cũng được lưu ý ưu tiên sử dụng trang phục mùa hè giản dị nhưng lịch sự (áo ngắn tay, thoáng mát). Bên cạnh đó, các thiết bị sử dụng điện không cần thiết như cây nước nóng lạnh, các màn hình hiển thị tại các khu vực công cộng… cũng được yêu cầu hạn chế sử dụng.
Công ty TNHH MTV Chiếu sáng & thiết bị đô thị (Hapulico) đã thực hiện vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội theo chế độ tiết kiệm điện: Bật đèn muộn hơn 30 phút, tắt đèn sớm hơn 30 phút so với chế độ vận hành thông thường; Đối với đèn chiếu sáng đường phố, ngõ xóm và khu vực ngoại thành: thực hiện cắt giảm 1/3 số đèn ngay từ đầu giờ vận hành, sau 23h đêm tiếp tục tiết giảm thêm 1/3 số đèn; Đối với các tuyến đường có 4 làn đèn, thực hiện cắt giảm 50% số đèn ngay từ đầu giờ, tắt hàng đèn ở giải giữa sau 23h (như đường Võ Chí Công, Hoàng Sa - Trường Sa, Đại lộ Thăng Long...).
Đối với hệ thống chiếu sáng trong các công viên, vườn hoa hở: vận hành tối đa không quá 50% số đèn và cắt toàn bộ sau 23h; Đối với hệ thống trang trí thường xuyên vận hành thứ 7 và chủ nhật chỉ được vận hành đến 23h tại các khu vực trung tâm; Không vận hành toàn bộ 100% hệ thống trang trí chiếu sáng kiến trúc, số đèn trang trí trên dải phân cách và trên hè (dành cho người đi bộ); Trung tâm điều khiển chiếu sáng công cộng vận hành linh hoạt theo diễn biến thời tiết.
Sử dụng các dòng sản phẩm tiết kiệm năng lượng để giảm điện năng tiêu thụ cũng là một giải pháp được sử dụng để tiết kiệm điện. Trong đó, bóng đèn đi-ốt phát quang (bóng đèn LED) là sản phẩm tốt để thay thế cho các bóng đèn truyền thống với những ưu điểm vượt bậc như tuổi thọ dài, tiêu hao điện ít hơn, thân thiện với môi trường và an toàn sử dụng.
Để quảng bá công dụng của việc sử dụng bóng đèn LED cũng như thúc đẩy việc sử dụng đèn LED thay thế cho các loại bóng đèn khác, CTCP Tập đoàn Vianco sẽ thực hiện chương trình “Đổi bóng - Sáng đèn” vào tháng 9/2023 này.
Cụ thể, miễn phí đổi 01 bóng đèn cũ (bóng đèn sợi đốt, bóng đèn huỳnh quang) lấy 01 bóng đèn LED Vianco. Mỗi người dân được đổi một bóng đèn duy nhất. Đồng thời, trợ giá 50% khi mua các sản phẩm bóng đèn LED của Vianco. Hoạt động được tổ chức trên toàn quốc, chia thành 05 đợt, mỗi đợt kéo dài 04 ngày tại các tỉnh, thành phố khác nhau.
Đây là một hoạt động mang lại ý nghĩa cho xã hội, góp phần tuyên truyền về sử dụng năng lượng hiệu quả, hướng đến phát triển bền vững. Năng lượng đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. Sử dụng năng lượng hiệu quả với các sản phẩm tiết kiệm năng lượng đang là một trong những xu hướng chung trên phạm vi toàn cầu, nó không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế với tuổi thọ dài hơn, tiêu hao điện ít hơn mà còn thân thiện với môi trường, giảm thiểu phát thải khí nhà kính, giúp ngăn chặn sự nóng lên của Trái Đất.