Ông Phạm Quang Nghị nêu rõ sau 10 năm thực hiện Luật Thủ đô 2012, việc trình Quốc hội xem xét sửa đổi luật lúc này là cần thiết.
Bởi qua quá trình thực hiện đã thấy được những nội dung nào trong luật là phù hợp, nội dung nào cần sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển thủ đô văn minh, hiện đại theo tinh thần nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng, phát triển thủ đô đến 2030, tầm nhìn 2045.
Ông cho rằng trên cơ sở quy định về vị trí, vai trò của thủ đô, luật cần đi sâu cụ thể hóa trên một số lĩnh vực trọng yếu. Đi liền với đó là các cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với vị trí, vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của chính quyền thủ đô.
Định hướng lớn, bao trùm của luật là hướng tới xây dựng thủ đô Hà Nội văn minh, hiện đại, là thể chế hóa những định hướng, yêu cầu, nhiệm vụ… đã được chỉ ra trong nghị quyết 15 của Bộ Chính trị. Không nên nhắc lại quá nhiều các điều khoản chung của các luật khác.
Cần làm rõ những lĩnh vực đặc thù nào cần phải áp dụng riêng cho Hà Nội. Tính chất, mức độ vượt trội, mức độ phân cấp, phân quyền cho bộ máy chính quyền thành phố Hà Nội sao cho tương xứng với vai trò, trách nhiệm, yêu cầu, nhiệm vụ bộ máy ấy cần phải thực hiện.
Phân quyền phải đi đôi với trách nhiệm… Không được khác, không được trái với Hiến pháp, nhưng được khác với các luật chuyên ngành.
Phạt cho tồn tại nên có người "chỉ mong được phạt"
* Là người trực tiếp tham gia và chủ trì xây dựng Luật Thủ đô 2012, theo ông các chính sách đột phá, đặc thù trong dự luật sửa đổi đã đủ để Hà Nội bứt phá, thể hiện rõ vai trò đầu tàu?
- So với Luật Thủ đô năm 2012, luật sửa đổi lần này đã bổ sung thêm khá nhiều chương, điều mới (3 chương, 32 điều). Việc sửa đổi, bổ sung là rất cần thiết.
Song phần bổ sung thêm dường như đã sao chép lại rất nhiều điều, khoản các luật chuyên ngành, như các luật xây dựng, đất đai, tài nguyên và môi trường, văn hóa, giáo dục, y tế…
Trong khi yêu cầu, đòi hỏi, đặt ra là rất cần những quy định riêng, vượt trội đối với thủ đô Hà Nội. HĐND thành phố, UBND, chủ tịch UBND thành phố Hà Nội được những thẩm quyền gì lớn hơn so với các địa phương khác?.
Cái khác riêng có của Luật Thủ đô chính là ở những quy định đặc thù, vượt trội. Chẳng hạn, HĐND thành phố Hà Nội được quyền quy định mức phí một số lĩnh vực như vệ sinh, môi trường, phòng cháy chữa cháy (nếu có)… cao hơn mức phí do Bộ Tài chính quy định.
Ông PHẠM QUANG NGHỊ
Hiện nay, Hà Nội đang dùng khoản ngân sách rất lớn, hơn 1.000 tỉ đồng mỗi năm bù lỗ cho phương tiện giao thông công cộng (xe buýt, tàu điện) nhằm giảm lưu lượng phương tiện cá nhân, giảm ách tắc, đỡ khói bụi, ô nhiễm, xây dựng văn minh đô thị.
Một số lĩnh vực khác rất quan trọng, nóng bỏng, đã và đang xảy ra nhiều vi phạm, làm xấu hình ảnh của thủ đô, như vấn đề quy hoạch và quản lý quy hoạch, vấn đề trật tự xây dựng, quản lý đất đai, môi trường, giao thông… cũng rất cần những chế tài đủ mức răn đe.
* Trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một vấn đề được các đại biểu đặt ra là quy hoạch, tiêu chuẩn xây dựng của Hà Nội còn nhiều tồn tại, bất cập, nhất là sau vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ (Thanh Xuân). Theo ông, thời gian tới cần có quy định thế nào để giải quyết?
- Vụ cháy nổ xảy ra ở chung cư mini trên phố Khương Hạ (Thanh Xuân) là một ví dụ về việc thiếu những chế tài xử phạt đủ nghiêm khắc của luật dẫn đến hậu quả thương tâm, rất nghiêm trọng.
Ở công trình này, UBND quận Thanh Xuân cấp phép cho xây 6 tầng, chứ không phải 9 tầng. Khi công trình vi phạm quận cũng đã xử phạt hành chính.
Tuy nhiên, ở đây cần có quy định, không chỉ mỗi việc phạt hành chính mà phải yêu cầu chủ đầu tư “cắt ngọn” công trình. Nếu không chấp hành sẽ không cho phép đưa vào khai thác, sử dụng, không được giao dịch, mua bán các căn hộ ở công trình vi phạm.
Nhắc lại điều này để thấy dự luật rất cần những quy định, các chế tài xử phạt đủ mức răn đe trên một số lĩnh vực. Quy định xử phạt hành chính nhưng không vượt quá hai lần như hiện nay rõ ràng là chưa phù hợp.
Việc phạt hành chính nhẹ dẫn đến những đối tượng vi phạm chỉ mong được phạt để cho tồn tại.
Giá một mét vuông đất, một mét vuông nhà ở Hà Nội cao gấp cả trăm lần ở các địa phương khác. Nếu phạt không quá hai lần rồi để được tồn tại thì lợi ích mang lại cho chủ đầu tư lớn hơn rất nhiều lần so với số tiền bỏ ra nộp phạt.
Do vậy, lần này việc quy định trong luật phạt gấp bao nhiêu lần, nên chăng giao thẩm quyền đó cho HĐND, UBND thành phố nghiên cứu, quy định.
Đồng thời, khi đã trao quyền cho chính quyền thành phố, nếu để tình trạng vi phạm đó tiếp tục xảy ra thì cấp trên sẽ xem xét trách nhiệm của thành phố. Như vậy, pháp luật sẽ nghiêm cả với dưới, với trên.
Một vấn đề rất quan trọng, liên quan mật thiết đến quy hoạch chung, đó là vấn đề quản lý quy mô dân số của Hà Nội, nhất là khu vực nội thành. Nhưng trong luật sửa đổi lại không đề cập.
Vậy lập quy hoạch trường học, bệnh viện, nhà ở, giao thông… như thế nào để thành phố không bị quá tải?
* Như vậy, theo ông cần chấm dứt việc “phạt cho tồn tại” và nên ủng hộ đề xuất “cắt điện, cắt nước” công trình vi phạm như dự thảo luật nêu?
- Đúng như vậy, phải chấm dứt việc phạt cho tồn tại, hoặc phạt quá nhẹ. Bởi sự vi phạm đó đem lại lợi ích rất lớn cho chủ đầu tư. Và cũng chính do những lợi ích lớn đó mới dẫn đến những tiêu cực, chuyện “có thế lực chống lưng” sau các công trình này.
Khi xử lý vi phạm, chính quyền thường là không chỉ đương đầu với chủ công trình mà còn cả với thế lực chống lưng.
Do vậy bên cạnh việc tuyên truyền, giáo dục, chúng ta cần ủng hộ việc quy định những biện pháp, chế tài đủ mạnh, như đình chỉ thi công, “cắt điện, cắt nước”, “cắt ngọn công trình”, không cho phép đưa vào khai thác, sử dụng và nâng mức xử phạt thật nặng. Cùng đó phải tăng quyền hạn cho HĐND, UBND, chủ tịch UBND thành phố, đi kèm với trách nhiệm.
Thực tế, việc “cắt điện, cắt nước”, “cắt ngọn công trình” không hề mới. Những năm trước thành phố đã chỉ đạo, thực hiện quyết liệt việc này.
Nhiều công trình lớn xây dựng sai phép, vượt nhiều tầng ở phố Đào Duy Anh, Đặng Dung, Bạch Mai, Nguyễn Chí Thanh, hồ Trúc Bạch… đã bị “cắt ngọn”.
Sau này là tòa nhà 8B Lê Trực từng bị cắt điện, cắt nước, “cắt ngọn” các tầng vi phạm. Lúc đó cũng có nhiều ý kiến cho rằng xử như thế là gây tổn thất cho xã hội, nhưng vấn đề sâu xa ẩn sau đó là ai được lợi từ những vi phạm này?
* Có ý kiến cho rằng vấn đề cắt “điện, nước” liên quan đến quyền con người, quyền công dân, thưa ông?
- Trong việc này, muốn đảm bảo quyền con người, quyền công dân, muốn được công bằng trước pháp luật thì các cá nhân, chủ đầu tư phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Còn khi vi phạm, làm sai pháp luật thì phải bị xử lý nghiêm minh. Luật pháp không thể bảo vệ những người làm sai được.
Vì sao "Hà Nội không vội được đâu"?
* Pháp luật là quan trọng nhưng cán bộ mới là “then chốt của then chốt”. Thực tế thời gian qua, câu chuyện cán bộ ở Hà Nội vẫn còn nhiều điều đáng bàn. Vậy, theo ông, thời gian tới cần những lưu ý gì?
- Vấn đề cán bộ ở đâu, khi nào cũng là nhân tố quan trọng, quyết định nhất. Nói đến nhân tố cán bộ không phải nói trình độ, năng lực một cách chung chung, mà cần phải lựa chọn những con người thật sự phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ, công việc ở thủ đô Hà Nội. Bởi đây là nơi việc vừa nhiều, vừa khó, rất kén người.
* Qua 10 năm giữ cương vị bí thư Thành ủy Hà Nội, ông có cảm nhận gì về công việc ở thủ đô?
- Tôi luôn cảm nhận áp lực công việc đặt ra hằng ngày, hằng giờ. Việc vừa nhiều, vừa khó, yêu cầu, đòi hỏi lại cao. Tôi vẫn thường nói “công việc ở Hà Nội nhiều như nước sông Hồng” nên phải chọn những việc quan trọng, cần kíp để làm.
Và hầu như việc nào cũng có rất nhiều người tham gia ý kiến. Hà Nội là nơi “trên soi, dưới xét”.
Câu nói “Hà Nội không vội được đâu” không phải là để biện hộ cho sự trì trệ của bộ máy, mà do tính chất khó khăn của công việc.
Phải cân nhắc, đắn đo, tiên lượng, đánh giá kỹ mới có thể quyết được. Quyết rồi phải bám sát, đối diện với biết bao khó khăn, thách thức mới có thể hoàn thành. Nếu vội vàng, thiếu cân nhắc sẽ bị trả giá.
* Như ông nói, Hà Nội cần những quy định và tiêu chuẩn vượt trội, xứng tầm thủ đô. Nhưng thực tế, có nơi lĩnh vực thiết yếu chưa đáp ứng nhu cầu bình thường như thiếu trường học, phải bốc thăm suất vào lớp 1. Hay di dời bệnh viện, cơ sở giáo dục được nêu từ lâu song thực thi còn chậm. Dự thảo luật đã đưa ra một số điểm bổ sung, theo ông cần làm gì để đẩy mạnh?
- Nói thiếu trường ở Hà Nội là thiếu trường công lập. Nguyên nhân có nhiều và khi còn làm bí thư Thành ủy, tôi cũng đã phải giải quyết việc này. Hà Nội không thiếu đất, không thiếu tiền. Vấn đề mấu chốt là chưa làm tốt công tác quy hoạch.
Do đó, thời gian tới cần làm tốt việc này và đảm bảo khi xây chung cư, xây nhà cao tầng phải đi liền với xây trường cho học sinh.
Còn việc chậm di dời các cơ sở giáo dục, bệnh viện, trụ sở bộ, ngành, cơ quan… ra khỏi nội đô có lý do về quy hoạch, về nguồn lực không đủ.
Nhưng cũng có lý do việc tổ chức thực hiện không nghiêm. Nhiều bộ, ngành sau khi di dời, xây dựng xong trụ sở mới to, đẹp, khang trang nhưng vẫn không bàn giao lại cơ sở cũ.
Do đó, trong dự luật mới đã có bổ sung các quy định về nội dung này, đồng thời nêu rõ thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, của thành phố.
Hà Nội phải phạt nặng hơn các nơi khác
Theo ông Phạm Quang Nghị, vi phạm Luật Giao thông ở Hà Nội, như vượt đèn đỏ, có thể gây tắc đường và gây thiệt hại rất lớn cho xã hội.
"Do vậy, hành vi vượt đèn đỏ ở Hà Nội mức phạt phải khác so với quy định chung. Hay đổ phế thải ra đường phố cũng phải phạt nặng hơn ở những nơi khác…", ông Nghị nói.
Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nói như vậy về thực trạng xây dựng sai phép chung cư mini ở Hà Nội bên lề Hội nghị đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) do Thành ủy, HĐND, UBND TP tổ chức sáng 18-9.