Anh Lâm Ngọc Tuấn - chủ nhiệm HTX nông nghiệp Tuấn Ngọc (TP Thủ Đức) và chị Trần Thị Ngọc Thảo - chủ vườn lan Sơn Hà (huyện Bình Chánh) là hai trong số nhiều nhà nông tại TP.HCM đã thành công bước đầu với cách làm ấy.
Tăng gấp 3 lần sản lượng
Từng có 15 năm làm ngân hàng, thẩm định các dự án nông nghiệp vay vốn, anh Tuấn nhận ra hướng đầu tư nông nghiệp công nghệ cao khả quan. Vậy là anh nghỉ làm, gầy dựng tổ hợp tác rau thủy canh - mô hình khá mới mẻ tại TP.HCM lúc ấy.
Mảnh đất 1.000m2 ban đầu được lắp đặt hệ thống thủy canh và nhà màng cùng số vốn 1 tỉ đồng, anh bắt đầu với các loại rau cải, muống, dền cơm, tần ô...
Tay ngang làm nông nghiệp, anh Tuấn phải tự tìm tòi học hỏi từ nhiều nguồn. Lúc thành lập hợp tác xã phải mua dung dịch nhập từ nước ngoài nhưng sau ba năm đã tự pha chế dung dịch, kiểm nghiệm cho thấy đảm bảo dinh dưỡng cho cây và các yếu tố an toàn cho người dùng.
"Cách làm này khá tiết kiệm diện tích. Nếu trồng rau truyền thống thu về khoảng 10 - 14 tấn rau nhưng đầu tư công nghệ cao, sản lượng thu về khoảng 30 tấn. Chưa kể giá bán rau cũng tăng hơn, nhất là ít bị ảnh hưởng bởi thiên tai", anh Tuấn cho hay.
Từ 1.000m2 ban đầu, đến nay diện tích hợp tác xã đã tăng gấp 10 lần, đầu tư cả 2.000m2 nhà màng ở Ninh Thuận để tận dụng điều kiện nắng gió thích hợp cho một số loại rau thường năng suất không tốt vào mùa mưa tại TP.HCM. Khác với cách trồng thủy canh hồi lưu thông thường, hệ thống thủy canh tại cơ sở Tuấn Ngọc được cải tiến với hệ thống châm phân tự động giúp tiết kiệm nước tối đa, làm giảm chi phí điện nước khá lớn.
Tin vui khi gần đây anh đã trồng được loại xà lách thủy tinh trong điều kiện khí hậu nóng của TP.HCM. Loại xà lách này vốn là giống rau ôn đới thường chỉ trồng được ở xứ lạnh như Lâm Đồng. Mô hình này hiện đã được chuyển giao tại Long An, Bình Dương.
Nhận giải thưởng nông dân Việt Nam xuất sắc 2022, anh Tuấn có mặt trong hành trình đến với Trường Sa và quà anh tặng chiến sĩ đảo xa chính là hệ thống trồng rau thủy canh. Hồi dịch COVID-19, anh cũng ủng hộ 20 tấn rau (khoảng 600 triệu đồng) tặng bà con khu phong tỏa, cách ly.
Anh Tuấn nói khi ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp không chỉ giúp mang lại hiệu quả kinh tế tăng gấp đôi, gấp ba so với cách làm truyền thống mà người nông dân sẽ chủ động hơn trong quá trình chăm sóc, quản lý.
"Chúng ta còn có thể khai thác được cả những vùng đất nhiễm phèn vì mô hình thủy canh hầu như chỉ cần dùng diện tích trên không để lắp đặt hệ thống thủy canh, nhà màng, ít tương tác với nguồn đất", anh Tuấn tâm đắc.
Đất đã nở hoa
Rời công việc đang ổn định tại một viện nghiên cứu, thạc sĩ sinh học Trần Thị Ngọc Thảo rẽ ngang làm nông dân khi đến vùng đất nhiễm phèn ở xã Đa Phước (huyện Bình Chánh, TP.HCM). Khởi nghiệp từ chục năm trước với mô hình trồng hoa lan từ mảnh đất thuê hơn 1.800m2, đến nay chị đã là chủ vườn Sơn Hà 1, Sơn Hà 2 có diện tích 12.000m2 với khoảng 300.000 cây lan.
Ý tưởng trồng lan xuất hiện sau chuyến tham quan học tập tại Thái Lan với ước mong cũng có được vườn lan như xứ họ do nhận ra nhu cầu thị trường ở trong nước khá lớn. Thuê đất trồng thử nghiệm, cũng thất bại lên xuống nhưng chị Thảo không bỏ cuộc. Chị quyết định nghỉ việc, đầu tư trồng 10.000 cây giống, trực tiếp hướng dẫn nhân công chăm sóc. Khi chị mở rộng vườn và trồng nhiều hơn, ông xã cũng nghỉ làm công ty nước ngoài về làm cùng vợ.
Với chuyên môn sẵn có, chị Thảo phối hợp với phòng thí nghiệm tạo ra khoảng 20% giống cây cho vườn. Còn lại chị nhập thêm giống từ Thái Lan để đa dạng loài, màu sắc. Đó cũng là trăn trở của chị hiện tại, làm sao phải chủ động khâu tạo ra giống cây hơn.
Lan được trồng trong chậu nhựa trên giàn cao 1m, phía dưới có mương nước giúp tạo độ ẩm mát cho cây sinh trưởng và phát triển tốt. Thêm nữa, bên trên dùng lưới giảm nắng rồi sử dụng hệ thống tưới phun bán tự động cung cấp nước và phân bón.
Lối đi lại trong vườn được lót đan, phủ bạt để hạn chế cỏ và tránh các loại côn trùng, sâu hại. Vườn còn sử dụng máy bắt côn trùng vào chập choạng tối, hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật, vừa giảm chi phí vừa không gây độc hại cho nông dân.
Vườn lan nhà chị Thảo giờ đi khắp các tỉnh thành cả nước, buôn bán quanh năm, tấp nập nhất vào mùa Tết. Năm 2021, chị Thảo được tuyên dương nông dân Việt Nam xuất sắc, năm sau đó được nhận bằng khen của Thủ tướng. Vườn lan nhà chị tạo việc làm cho cả chục nhân công, giúp nông dân đổi mới cách làm nông theo hướng ứng dụng công nghệ mới.
Đây còn là điểm hẹn hướng nghiệp cho các bạn học sinh được một số trường đưa đến tham gia các buổi học ngoại khóa, tìm hiểu kiến thức về mô hình phát triển nông nghiệp, góp phần định hướng nghề nghiệp tương lai.
Theo viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam, công nghệ AI giúp nông dân dự báo sản lượng của một mùa vụ trồng trọt, đồng thời nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm chi phí.