vĐồng tin tức tài chính 365

Các hãng dầu cũng sợ giá tăng cao

2023-09-25 12:57

Năm nay, giá dầu Brent chủ yếu dưới 90 USD một thùng. Tuy nhiên, loại dầu này liên tiếp tăng cao từ đầu tháng, sau khi Nga và Arab Saudi cho biết sẽ gia hạn việc siết cung dầu đến hết năm nay. Hiện tại, kể cả những nhà phân tích bi quan nhất cũng dự báo giá dầu sắp chạm mốc 3 chữ số, ít nhất là trong ngắn hạn. Hiện tại, mỗi thùng Brent giao dịch quanh 94 USD.

Dù giá cổ phiếu các hãng dầu khí thường tỷ lệ thuận với giá dầu trong năm qua, mối quan hệ này gần đây đã không còn đúng. Từ ngày 8/9, dầu Brent đã tăng 2,6%. Tuy nhiên, chỉ số theo dõi cổ phiếu các hãng dầu khí tại Mỹ lại giảm 5,3%. Đây có thể là sự điều chỉnh tự nhiên sau đợt tăng dài kể từ năm 2021. Tuy nhiên, nó cũng là lý do khiến các nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng suy nghĩ lại về giá dầu.

Một nguyên nhân khiến nhà đầu tư thận trọng là giá dầu cao ảnh hưởng đến nhu cầu. Nhìn chung, giá dầu trên 100 USD một thùng sẽ khiến nhu cầu đi xe giảm xuống. Trong tháng 6 và tháng 7/2022 - thời điểm giá dầu Brent đạt trung bình 100 USD một thùng, nhu cầu xăng tại Mỹ giảm 4,1% so với cùng kỳ năm trước đó (lúc giá dầu chỉ là 70 USD). Vài tháng sau đó, mức giảm thu hẹp dần khi giá dầu đi xuống. Mỹ hiện là nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới.

Một cơ sở lọc dầu của ExxonMobil tại Texas (Mỹ). Ảnh: Reuters

Một cơ sở lọc dầu của ExxonMobil tại Texas (Mỹ). Ảnh: Reuters

Rủi ro tiêu thụ giảm đặc biệt cao tại các nước đang phát triển. Dù giá dầu và giá USD thường diễn biến ngược nhau, vài tháng gần đây, chúng lại tỷ lệ thuận. Ilia Bouchouev - một lãnh đạo tại Pentathlon Investments cho biết điều này đang gây sức ép lớn lên các nước như Trung Quốc hay Ấn Độ, do họ phải mua dầu bằng USD.

"Sức ép tăng gấp đôi, khi giá dầu đắt đỏ và USD mạnh lên", Bouchouev cho biết.

Nếu tính theo USD, giá dầu Brent đã tăng 7,4% năm nay. Nhưng tính theo nhân dân tệ, mức tăng lên tới 13%. Dù trần giá dầu mà các nước phương Tây áp lên Nga phần nào xoa dịu ảnh hưởng này, Trung Quốc và Ấn Độ vẫn phải mua dầu từ nhiều nước khác nữa.

Đáng chú ý hơn, nếu giá dầu vượt mốc tâm lý quan trọng, các chính phủ chắc chắn có phản ứng bất lợi với các hãng năng lượng. Năm ngoái, việc các công ty dầu ghi nhận lợi nhuận kỷ lục đã khiến Liên minh châu Âu (EU) áp thuế lợi nhuận bất thường. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng cảnh báo làm điều tương tự tại Mỹ.

Năm ngoái, tổng lợi nhuận của 5 hãng dầu lớn nhất phương Tây, gồm Exxon Mobil, Chevron, BP, Shell và TotalEnergies lập kỷ lục với 196,3 tỷ USD. Trong đó, khoản lãi 56 tỷ USD của Exxon còn là cao nhất trong lịch sử ngành dầu mỏ phương Tây.

Các hãng lãi lớn do giá nhiên liệu hóa thạch tăng vọt sau xung đột Nga - Ukraine. Các doanh nghiệp đã sử dụng số tiền này để tăng cổ tức và mua cổ phiếu quỹ.

Nếu giá duy trì ở mức cao trong thời gian dài, phản ứng của chính phủ có thể càng mạnh mẽ. Ví dụ, sau cú sốc giá dầu thập niên 70, Mỹ đã thông qua một loạt tiêu chuẩn về tiêu thụ nhiên liệu năm 1975.

Dan Dan Pickering - Giám đốc đầu tư tại Pickering Energy Partners - ước tính giá dầu 75-90 USD một thùng là phù hợp. Mức này vừa giúp các hãng dầu có lợi nhuận chấp nhận được, vừa đảm bảo nhu cầu tiêu thụ. Diễn biến trên thị trường tương lai cũng đang cho thấy xu hướng giảm. Giá dầu giao tháng 10/2024 hiện về dưới 84 USD một thùng.

Giới phân tích cho rằng còn có nhiều lý do khác khiến giá dầu không thể ở mức trên 100 USD trong thời gian dài. Arab Saudi sẽ có động lực bơm thêm dầu ra thị trường nếu thấy dấu hiệu giá hàng hóa đang siết kinh tế toàn cầu. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết Arab Saudi hiện có công suất dự phòng lên tới 3,3 triệu thùng một ngày.

Dù vậy, điều này không đồng nghĩa giá không thể lên lại mốc 100 USD lần nữa. Khi sản xuất dầu đá phiến tại Mỹ chậm lại và công suất dự phòng ở các nước sản xuất dầu giảm sút, "giá có thể thường xuyên lên 100 USD một thùng", Arjun Murti tại hãng đầu tư năng lượng Veriten cho biết.

Các biến động chính trị bất ngờ, hoặc nguồn cung gián đoạn đột ngột có thể khiến giá duy trì trên 100 USD trong thời gian dài. Kịch bản này không phải là điều ai cũng chào đón, kể cả với các hãng dầu lớn.

Hà Thu (theo WSJ)

Xem thêm: lmth.9007564-oac-gnat-aig-os-gnuc-uad-gnah-cac/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Các hãng dầu cũng sợ giá tăng cao”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools