Phương án tránh nhà dân khi làm vành đai 4 TP.HCM
UBND TP.HCM vừa chấp thuận về mặt chủ trương điều chỉnh hướng tuyến đường vành đai 4 đoạn từ cầu qua sông Sài Gòn - kênh Thầy Cai (gồm cầu vượt sông Sài Gòn) thuộc dự án vành đai 4 TP.HCM, theo ý kiến đề xuất của Sở Giao thông vận tải và các sở ngành.
Lãnh đạo UBND TP giao Sở Giao thông vận tải TP khẩn trương lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án với hướng tuyến theo phương án 2 để lấy ý kiến góp ý. Đồng thời, xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai dự án theo đúng quy định; tham mưu, đề xuất UBND TP trong tháng 10-2023.
Vành đai 4 TP.HCM dài gần 200km đi qua 5 địa phương TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Bà Rịa – Vũng Tàu. Ở giai đoạn 1, các địa phương sẽ đầu tư 4 làn xe cao tốc và giải phóng mặt bằng một lần cho giai đoạn hoàn thiện 8 làn xe. Hiện các địa phương đang hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.
Theo quy hoạch, hướng tuyến vành đai 4 TP.HCM sẽ đi trùng với các tuyến đường Bàu Lách, Nguyễn Thị Rành, Trung Viết, Cao Thị Bèo... qua huyện Củ Chi. Trên thực tế, đoạn đi theo đường Bàu Lách dài khoảng 4,7km và đoạn theo đường Nguyễn Thị Rành khoảng 2,1km ở huyện Củ Chi đã có nhiều nhà cửa, công trình.
Khi triển khai theo hướng tuyến này, mức độ ảnh hưởng đến đời sống cư dân hai bên tuyến rất lớn, số hộ phải di dời nhiều. TP phải nghiên cứu, đầu tư xây dựng các cầu vượt bộ hành để tổ chức kết nối giao thông người dân dọc hai bên tuyến.
Vì vậy, phương án điều chỉnh tuyến vành đai 4 TP.HCM né đường hiện hữu và nơi đông dân khi lấy ý kiến các sở ngành, đơn vị liên quan đã nhận được sự đồng thuận cao.
Chi phí giảm 4.000 tỉ đồng, khai thác thêm quỹ đất 590ha
Theo phương án điều chỉnh được TP chọn, tổng thể hướng tuyến đi về phía đông nam (phía trái) so với hướng tuyến trong quy hoạch. Tuyến hạn chế ảnh hưởng các đồ án quy hoạch đã thực hiện, hạn chế ảnh hưởng Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi giai đoạn 2. Hướng tuyến điều chỉnh đoạn xa nhất cách đường Nguyễn Thị Rành - tuyến quy hoạch - khoảng 1,1km.
Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, hướng tuyến điều chỉnh phần lớn đi qua đất đồng ruộng, đất trồng cây sẽ hạn chế tối đa qua các tuyến đường hiện hữu, các khu dân cư hiện hữu. Vì vậy, khối lượng giải phóng mặt bằng, chi phí bồi thường thấp.
Qua tính toán, phương án thực hiện hướng tuyến theo quy hoạch khoảng hơn 4.000 tỉ đồng, rút ngắn thời gian thực hiện đầu tư. Phương án điều chỉnh hướng tuyến chỉ khoảng 486 trường hợp di dời, còn theo hướng tuyến quy hoạch có khoảng 1.150 trường hợp bị ảnh hưởng.
Cũng theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, việc điều chỉnh hướng tuyến còn tạo điều kiện để khai thác các quỹ đất dọc tuyến, tạo nguồn thu cho ngân sách (dự kiến khoảng 590ha); góp phần mở rộng, phát triển khu công nghiệp, dịch vụ, khu đô thị mới dọc hai bên tuyến. Dự án cũng sẽ ảnh hưởng rất nhỏ đến Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi giai đoạn 2.
Hai phương án thiết kế
Đối với mức vốn đầu tư khi thực hiện theo phương án điều chỉnh hướng tuyến, Sở Giao thông vận tải TP cũng nghiên cứu cả phương án đi trên cao và đi bằng.
Phương án đi bằng giai đoạn 1 có mức vốn khoảng 13.893 tỉ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng là 7.156 tỉ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 6.736 tỉ đồng.
Phương án đi trên cao giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư khoảng 25.951 tỉ đồng. Bao gồm chi phí xây dựng là 19.540 tỉ đồng, mặt bằng 6.411 tỉ đồng.
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của Sở Giao thông vận tải TP.HCM, hướng tuyến ban đầu của dự án vành đai 4 TP.HCM trùng với đường hiện hữu có nhiều nhà dân sẽ được đề xuất nắn để né nhà cửa nhằm giảm chi phí, đền bù...