vĐồng tin tức tài chính 365

Người Trung Á đổ đến Anh làm nông dân

2023-09-26 11:44

"Tiền kiếm được ở đây một tuần bằng một tháng ở quê nhà. Tôi đến đây vì tiền", chàng trai từng là giám đốc dự án lọc nước cho một ngân hàng lớn tại Kyrgyzstan, nói. Anh tranh thủ trả lời khi đang chất các thùng dâu tây lên xe tải trong trang trại của gia đình bà Christine Snell tại Herefordshire.

Nhà Christine Snell sở hữu khoảng 160 ha trồng dâu tây, mâm xôi, lý chua đen. Sau Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu), lao động trong khối không còn di chuyển tự do đến Anh, nên gia đình bà phải tuyển người từ những nơi xa hơn.

"Bây giờ họ đến từ các quốc gia (tên nước có chữ cuối là stan) như Kazakhstan, Kyrgyzstan, Uzbekistan", bà cho biết. Ngày nay, Trung Á đang thay thế Trung Âu trở thành nguồn lao động cần thiết để hái 1.000 tấn dâu tây và duy trì hoạt động của nhà máy đóng gói.

Vào cao điểm mùa hè, trang trại bà cần gần 300 người và giảm xuống khoảng 40 khi đến mùa đông. Hầu hết người lao động sống tại chỗ trong những ngôi nhà di động trong tối đa sáu tháng, tương ứng thời hạn thị thực. Họ nhận lương tối thiểu 10,42 bảng Anh (tương đương 12,76 USD) một giờ, cộng thêm tiền thưởng có thể lên tới 50% hoặc hơn đối với người làm theo năng suất hái quả.

Công nhân hái dâu trong trang trại bà Christine Snell. Ảnh: Le Monde

Công nhân hái dâu trong trang trại bà Christine Snell. Ảnh: Le Monde

Trên các cánh đồng ở Anh, lực lượng lao động nước ngoài giờ phân thành các cấp độ khác nhau. Đứng đầu là những người châu Âu đến trước Brexit và đã có được quy chế định cư, cho phép họ có quyền ở lại Anh. Ví dụ như Ion Avram, một người Romania đã đến làm việc tại trang trại của bà Snell được 19 năm.

Ông về nước vào mùa đông và trở lại dịp thu hoạch mỗi hè. "Công việc vất vả nhưng tôi đến hàng năm để kiếm tiền", Avram nói. Tiếp đến là thế hệ người mới, hầu hết không nói được tiếng Anh, dẫn đến những thách thức trong giao tiếp. "Tôi nói được một chút tiếng Nga, họ cũng vậy và chúng tôi có thể hiểu nhau bằng ngôn ngữ đó", Avram kể.

Trên những ngọn đồi gần biên giới với xứ Wales, bà Snell đã chứng kiến làn sóng người nhập cư kể từ khi cùng chồng thành lập trang trại hơn ba thập kỷ trước. Cuối những năm 1990, hàng loạt người Nga và Ukraine đến theo hệ thống thị thực tạm thời. Sau đó, chương trình mở rộng đến các nước của Liên minh châu Âu, bao gồm 8 quốc gia Trung Âu vào 2004 và bổ sung Romania và Bulgaria 3 năm sau đó.

Nhờ vậy, Anh có lực lượng lao động nhập cư lớn. Nhưng kể từ 1/1/2021, khi rời khỏi thị trường chung châu Âu, hệ thống này đã chấm dứt. Giới chủ cần phải tìm lao động từ xa hơn. Ngoài ra, người Nga và Ukraine đã không đến từ sau xung đột.

Dù vậy, bà Snell, người đã bỏ phiếu cho Brexit, cho rằng đây không phải là vấn đề. "Chúng tôi không thiếu lao động. Lúc đầu, đúng là chính phủ không cấp đủ thị thực, chưa kể dịch Covid-19 phức tạp. Nhưng bây giờ, chúng tôi không gặp vấn đề gì trong tuyển dụng", bà nói.

Mỗi mùa thu, bà liên hệ với một trong 5 cơ quan được chính thức công nhận tuyển dụng lao động thời vụ để đặt nhân sự cho mùa tiếp theo. Bà thậm chí còn thấy tốt hơn là thuê nhân viên châu Âu, những người có xu hướng không ở lại trang trại và bỏ đi sau vài tuần nếu thấy công việc quá khó.

"Với thị thực tạm thời, người lao động bị ràng buộc với trang trại đã tuyển dụng họ. Nếu muốn thay đổi chủ, họ phải hỏi tôi và xin phép Bộ Nội vụ. Nếu không, họ sẽ bị mắc kẹt ở đây", Snell giải thích.

Những ngôi nhà di động để công nhân nhập cư cư trú tại trang trại bà Christine Snell. Ảnh: Le Monde

Những ngôi nhà di động để công nhân nhập cư cư trú tại trang trại bà Christine Snell. Ảnh: Le Monde

Nhưng không phải ai cũng thấy dễ dàng. John Shropshire, Chủ tịch tập đoàn nông sản G's Fresh, cho biết việc tiếp nhận lao động nhập cư là rất quan trọng để lấp đầy khoảng trống nhân lực trong chuỗi cung ứng thực phẩm. Tuy nhiên, việc thu hút ngày càng khó khăn.

Một trong những lời hứa của Brexit là giảm nhập cư, "lấy lại quyền kiểm soát biên giới của chúng ta", như cựu thủ tướng Boris Johnson đã từng nói nhiều lần. Điều này đã va chạm với thực tế kinh tế. Ban đầu, chính phủ Anh giới hạn số lượng thị thực nông nghiệp theo mùa ở mức 30.000.

Năm nay, họ phải tăng giới hạn lên 45.000 và có khả năng tăng thêm 10.000 nếu cần thiết. Theo báo cáo do Shropshire công bố, điều đó vẫn chưa đủ: "Phải xem xét việc dỡ bỏ giới hạn. Thị thực cần có thời hạn chín tháng để tính thời gian thu hoạch dài hơn", báo cáo công ty đánh giá.

Thiếu nông dân là minh họa cho nỗ lực thất bại của Anh trong việc loại bỏ lao động nước ngoài giá rẻ. Kêu gọi Brexit, Thủ tướng Boris Johnson khi ấy hứa về nền kinh tế "lương cao, kỹ năng cao, năng suất cao". Điều này có nghĩa là cấp ít thị thực hơn và phát triển hoạt động đào tạo tại chỗ.

Nhưng đến nay, điều ngược lại diễn ra. Lượng người nhập cư đã tăng gấp đôi kể từ khi Brexit có hiệu lực, với gần 600.000 người chuyển đến Anh vào năm 2022. Con số này có tính đến 114.000 người Ukraine và 52.000 người từ Hong Kong vì các yếu tố địa chính trị. Nhưng nhìn chung, dòng di cư chưa dừng lại mà chỉ là thay đổi quốc tịch. Người châu Âu giờ chỉ chiếm 13% lượng người mới đến dù từng chiếm hơn một nửa trước Brexit.

Bà Snell rất muốn tuyển dụng tại chỗ, nhưng tỷ lệ thất nghiệp ở Herefordshire chỉ 3%. Có rất ít người sẵn sàng dành cả ngày hái dâu với mức lương tối thiểu. Các loại quả mọng hiện được trồng trên giàn cao để người hái có thể đứng thu hoạch thay vì ngồi xổm cả ngày như xưa. Nhưng cải thiện điều kiện việc làm chưa đủ. Trong khi, các trang trại không thể tăng lương vì áp lực giá của các siêu thị lớn.

Tại thị trấn Spalding ở bờ Đông nước Anh, lao động nhập cư từ Trung Âu vẫn phổ biến. Với nhiều trang trại trồng rau, vùng nông nghiệp này được mệnh danh là "thung lũng thực phẩm của Anh". Nơi đây có sẵn lượng lớn người nhập cư trong 20 năm qua nên ít cần thêm lao động thời vụ. Các cửa hàng tạp hóa địa phương có những cái tên như "Siêu thị Warsaw", "Baltic" và "Kabanosik". Nhiều cơ quan cung cấp nhân sự được điều hành bởi người Ba Lan và Litva.

Trên cánh đồng hoa hướng dương của Matthew Naylor, hầu hết lao động là người Litva. Họ được trả 2,3 pence Anh (gần 2,9 cent USD) cho mỗi bông hoa. Naylor cho biết họ được đảm bảo mức lương tối thiểu nhưng kiếm được nhiều hơn thế, lên tới 1.500 bảng Anh (1.860 USD) mỗi tuần vào mùa cao điểm. "Gần đây, họ phàn nàn vì bị áp thuế cao hơn, mức 40%. Họ yêu cầu tôi trả tiền ngoài thêm vì các đối thủ cạnh tranh khác đang làm vậy", ông kể.

Matthew Naylor phản đối Brexit nhưng cũng thừa nhận rằng có lẽ nó cần thiết. "Đã có lúc rất nhiều lao động giá rẻ sẵn sàng làm việc mà không cần nhà vệ sinh trên cánh đồng. Chuyện đó đã qua rồi và là một điều tốt", ông nói. Ông hy vọng tình hình mới của ngành nông nghiệp sẽ dẫn đến việc cơ giới hóa nhiều hơn và cải thiện điều kiện làm việc cho lao động.

Phiên An (theo Le Monde)

Xem thêm: lmth.4917564-nad-gnon-mal-hna-ned-od-a-gnurt-iougn/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Người Trung Á đổ đến Anh làm nông dân”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools